COVID-19 sẽ tàn phá những nước nghèo

05:30' - 06/04/2020
BNEWS Dịch COVID-19 đang gây ra những ảnh hưởng nặng nề đối với các nước giàu, nhưng những thiệt hại mà dịch bệnh sẽ gây ra ở những nước nghèo có thể còn tồi tệ hơn, nhưng lại ít được chú ý đến.
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19. Ảnh: THX/TTXVN

Một dự báo sơ bộ cho biết nếu không có một chiến dịch giữ khoảng cách xã hội, từ 25% đến 80% dân số sẽ bị mắc COVID-19. Trong số này, khoảng 4,4% sẽ phát bệnh nặng và 1/3 trong số đó cần được chăm sóc đặc biệt. Đối với những nước nghèo, điều này là một tai họa.

Giữ khoảng cách xã hội là điều phi thực tế đối với những người dân sống trong khu ổ chuột đông đúc. Rửa tay là điều khó khăn nếu không có nước sạch. Chính phủ có thể yêu cầu mọi người không đi làm, nhưng nếu điều đó có nghĩa là gia đình không có gì để ăn, người dân vẫn sẽ đi ra ngoài. 

Vì vậy, COVID-19 có thể sớm xuất hiện ở tất cả các nước nghèo. Và hệ thống chăm sóc sức khỏe của các nước này không có khả năng đối phó. Nhiều nước không có khả năng đối phó với các bệnh truyền nhiễm thông thường chứ chưa nói đến một bệnh mới và rất dễ lây lan. 

Chi tiêu cho lĩnh vực y tế trên mỗi đầu người ở Pakistan chỉ bằng 1/200 so với Mỹ. Tại Uganda, số bộ trưởng còn nhiều hơn số giường bệnh chăm sóc đặc biệt. Trong suốt lịch sử, người nghèo luôn bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi các đại dịch. Hầu hết những người chết vì AIDS là người châu Phi. Đại dịch cúm Tây Ban Nha đã "quét" sạch 6% dân số Ấn Độ.

Hàng chục nước đang phát triển đã thực hiện lệnh phong tỏa. Ấn Độ đã công bố lệnh “cấm hoàn toàn” việc ra khỏi nhà trong 21 ngày. Nam Phi đã triển khai quân đội để hỗ trợ thực thi lệnh phong tỏa. Các lệnh phong tỏa có thể làm chậm tốc độ lây lan dịch COVID-19 chứ không có khả năng ngăn chặn nó.

Nhiều nước vẫn chưa thực hiện các biện pháp để ngăn chặn sự lây lan của COVID-19. Các chợ đường phố ở Myanmar chật cứng. Nhiều chính quyền lại coi COVID-19 là một lý do để thắt chặt quyền kiểm soát của họ.

Tất nhiên, một số người mong muốn sẽ cấm các cuộc tụ tập chính trị, hoãn cuộc bầu cử và mở rộng sự giám sát cuộc sống hàng ngày của người dân - tất cả để bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Tuy nhiên, vẫn có những điểm sáng trong bối cảnh u ám này. Các nước nghèo có dân số trẻ mà những người trẻ tuổi dường như ít có khả năng tử vong khi mắc COVID-19.

Người dân ở những nước nghèo nhất lại thường tập trung ở nông thôn, với 2/3 dân số các nước có thu nhập bình quân đầu người dưới 1.000 USD sống ở vùng nông thôn, trong khi con số này ở các nước giàu là chưa đến 20%. 

Những người nông dân vẫn có thể trồng trọt và làm việc với khoảng cách xã hội lớn hơn, tránh tiếp xúc nhiều hơn. Khí hậu có thể giúp ngăn chặn COVID-19. Mặc dù thể chưa thể khẳng định chắc chắn, thời tiết nóng có thể làm chậm sự lây lan của COVID-19.

Trong khi đó, các nước đã từng hứng chịu dịch Ebola đã có kinh nghiệm tuyên truyền cho người dân sự quan trọng của việc rửa tay, phát hiện các quan hệ tiếp xúc và đảm bảo niềm tin của công chúng.

Tuy nhiên, những tin tốt đó cũng đi kèm những cảnh báo. Người dân các nước nghèo có thể còn trẻ, nhưng họ thường có phổi hay hệ thống miễn dịch yếu do suy dinh dưỡng, bệnh lao hoặc HIV. 

Người nông dân vẫn có nguy cơ bị nhiễm dịch bệnh. Phong tỏa sẽ khó được duy trì nếu chính phủ không thể cung cấp an sinh xã hội hào phóng. Các công ty cần tiền để không sa thải nhân viên.

Người lao động phi chính thức cần tiền mặt để vượt qua tình trạng cô lập. Thật không may, các nước nghèo không có nền tảng tài chính để cung cấp những hỗ trợ trên và COVID-19 làm cho ngân sách của các nước này càng khó khăn hơn nhiều.

Nhu cầu đã giảm mạnh đối với nhiều loại nguyên liệu - những mặt hàng mà nhiều nền kinh tế mới nổi phụ thuộc. Du lịch gặp khó khăn do không ai muốn đi du lịch vào thời điểm này. 

Theo Viện Tài chính Quốc tế, kể từ khi cuộc khủng hoảng do COVID-19 bắt đầu, hàng tỷ USD đã bị rút ra khỏi các thị trường mới nổi, một dòng vốn chảy ra lớn nhất từ trước đến nay. Kiều hối, thường là sợi dây bảo hiểm trong thời kỳ khó khăn, có thể sụt giảm khi người di cư ở các nước giàu mất việc làm.

Nhiều quốc gia nghèo và thu nhập trung bình phải đối mặt với khủng hoảng cán cân thanh toán và thâm hụt ngân sách vì phải tăng chi tiêu cho y tế (để giảm số người chết) và phúc lợi (để hỗ trợ người lao động). Trong khi chính phủ các nước giàu có thể vay với giá rẻ trong thời kỳ khủng hoảng vì các nhà đầu tư đổ xô vào nơi trú ẩn an toàn, các nước nghèo lại thấy chi phí đi vay tăng vọt. 

Việc chọn cứu người hay cứu kế sinh nhai là khó khăn. Điều đáng lo ngại, như Thủ tướng Pakistan Imran Khan nói “nếu chúng tôi cô lập các thành phố ... chúng tôi sẽ cứu mọi người khỏi virus, nhưng cuối cùng họ sẽ chết vì đói”.

Nhiều nước khá giả đã quay về chủ nghĩa dân tộc. Một số nơi, như Liên minh châu Âu (EU), đang hạn chế xuất khẩu dụng cụ y tế. Điều đó đi ngược lại các giá trị mà khối này tuyên bố. Các quốc gia khác, chẳng hạn như Kazakhstan, đang hạn chế xuất khẩu lương thực, vốn không thiếu. 

Nếu thương mại toàn cầu bị kiểm soát, thiệt hại về kinh tế sẽ lớn hơn nhiều. Đối với các nước nghèo phụ thuộc vào lương thực nhập khẩu, điều đó có thể gây hậu quả nghiêm trọng.

Do vẫn còn nhiều điều chưa biết về COVID-19, nên bất kỳ sự ứng phó nào cũng dựa trên thông tin không đầy đủ. Nhưng một số biện pháp là cấp bách và rõ ràng. Chính phủ ở các nước nghèo, cũng như các nơi khác, nên cung cấp cho người dân thông tin kịp thời và chính xác, bằng bất kỳ phương tiện nào. 

Trong khi đó, các nước giàu có nên nhanh chóng giúp đỡ các nước nghèo. IMF cho biết sẵn sàng triển khai việc cho vay 1.000 tỷ USD. Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đưa ra một kế hoạch hào phóng. 

Một phần trong số những gói giải cứu lớn của thế giới nên được sử dụng để xoa dịu nỗi đau của các nước phía Nam bán cầu. Trung Quốc đang giành được ảnh hưởng nhờ việc cung cấp thiết bị y tế cho các nước này. 

Như các chiến dịch chống sốt rét và HIV trước đây cho thấy, cần có một nỗ lực mang tính phối hợp toàn cầu để ngăn chặn một thảm họa toàn thế giới. Nếu để COVID-19 tàn phá thế giới các nước mới nổi, dịch bệnh sẽ quay trở lại thế giới giàu có./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục