Dịch COVID-19: VCCI đề xuất giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó dịch bệnh
Ảnh minh họa: TTXVN
Theo các chuyên gia kinh tế, Việt Nam đang “phụ thuộc” nhiều vào thị trường Trung Quốc, nên nếu dịch bệnh còn tiếp tục kéo dài thì hệ quả sẽ rất nghiêm trọng. Kiểm soát dịch bệnh đã khó, hỗ trợ, giúp sức để doanh nghiệp trụ vững, phục hồi và lấy lại được đà sản xuất kinh doanh càng khó khăn không kém.
Chính phủ, các cấp, ngành và địa phương cần sớm nghiên cứu các giải pháp ứng phó, tùy thuộc theo từng kịch bản, tình huống xấu có khả năng xảy ra cả trong trước mắt, trung hạn lẫn dài hạn.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phân tích, thị trường trong nước đang chứng kiến những tác động trực tiếp của dịch bệnh.Đó là, tình trạng ứ đọng sản phẩm hàng hóa, nhất là nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc; tình trạng thiếu nguyên liệu, vật tư nhập khẩu từ Trung Quốc để bảo đảm đơn hàng cho các ngành công nghiệp chế biến chế tạo; thị trường vận tải, dịch vụ bị thu hẹp, khách du lịch thưa thớt, sản xuất kinh doanh đình đốn, người lao động phải nghỉ việc do thiếu việc làm...
Nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa đang gặp khó trong việc duy trì sản xuất trong thời kỳ dịch bệnh. Số doanh nghiệp thành lập mới giảm, doanh nghiệp ngừng sản xuất, đóng cửa giải thể tăng lên. Đó là những tác động trực tiếp trên diện rộng của dịch COVID-19. Qua thực tiễn tìm hiểu từ các địa phương, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế VCCI cho hay, trong tình hình hiện nay, các doanh nghiệp đang cố gắng xoay sở tìm kiếm nguồn nguyên vật liệu thay thế nhập từ các thị trường ngoài khu vực.Tuy nhiên, rất khó tìm được chủng loại phù hợp và nếu có tìm được thì giá cả lại cao ngất ngưởng. Cộng thêm chi phí vận tải tăng cao khiến cho các doanh nghiệp Việt Nam khó lòng gánh nổi, ngay cả với các doanh nghiệp lớn.
Thông tin mới nhất phản ánh từ một số doanh nghiệp ở trong nước cho thấy, tình hình sản xuất vật liệu ở Trung Quốc đã hoạt động trở lại, nhưng do thiếu lao động nên sản lượng chỉ đáp ứng chưa đầy một nửa so với thời gian trước. Các doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam cũng đứng trước nguy cơ phải đóng cửa sản xuất từng phần. Nhiều doanh nghiệp trong các ngành dệt may, giày dép, thời trang, điện tử... cho biết, nếu tình hình không sáng sủa hơn, họ sẽ khó có khả năng cầm cự đến cuối quý I năm nay vì dự trữ nguyên liệu, vật liệu cho sản xuất chỉ còn đủ cho vài ba tuần tới.Nguy cơ mất khách hàng, mất đơn hàng, không có thêm đơn hàng mới tăng lên. Các doanh nghiệp khó có khả năng giữ những công đoạn của chuỗi giá trị toàn cầu mà họ đã dày công xây dựng, ông Tuấn bày tỏ quan ngại.
Trước tình thế cấp bách hiện nay, đại diện cộng đồng doanh nghiệp, ông Vũ Tiến Lộc cho biết đang đề xuất Chính phủ một số giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh để vượt qua giai đoạn khó khăn, tuỳ thuộc vào diễn biến của tình hình dịch bệnh. Theo đó, bên cạnh mục tiêu duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm kiềm chế lạm phát để thu hút đầu tư và duy trì tăng trưởng thì các cấp, ngành, địa phương cần tập trung đẩy nhanh việc giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư, kinh doanh ở mọi ngành, mọi lĩnh vực.Các ngành, địa phương rà soát và giải quyết sớm các thủ tục đầu tư cho những dự án lớn (cả ở khu vực công, khu vực tư nhân hay các công trình, dự án hợp tác đối tác công tư) để đẩy nhanh tiến độ giải ngân, huy động mọi nguồn vốn xã hội vào sản xuất kinh doanh; không để tình trạng có tiền mà không tiêu được và dự án triển khai chậm trễ chỉ vì thủ tục.
Cùng với đó, các cơ quan cần phối hợp chặt chẽ để xử lý kịp thời những vướng mắc gây ách tắc xuất nhập khẩu với Trung Quốc.Các cơ quan ở khu vực biên mậu cần tiếp tục cải tiến quy trình, thủ tục thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu bảo đảm nhanh chóng thuận lợi; linh hoạt để hỗ trợ doanh nghiệp…, khắc phục tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng và bảo đảm vật tư cho sản xuất kinh doanh, duy trì đơn hàng và công ăn việc làm cho người lao động.
Bên cạnh đó, về lĩnh vực tài chính ngân hàng, VCCI đề xuất Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước cùng các tổ chức tín dụng xem xét giảm lãi suất cơ bản, khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi suất cho vay, mở rộng hạn mức cho vay, cơ cấu lại các khoản vay đối với các doanh nghiệp trong một số lĩnh vực chịu tác động mạnh do dịch như: du lịch, dịch vụ, xuất khẩu nông sản, vận tải, dệt may, giày dép… ; tập trung ưu tiên cho các ngành và lĩnh vực thâm dụng nhiều lao động, các doanh nghiệp có tiềm năng…. VCCI cũng đề xuất miễn, giảm có thời hạn các khoản thuế, phí phải nộp của doanh nghiệp ở những ngành, lĩnh vực chịu nhiều ảnh hưởng...; Mở rộng diện miễn visa cho các quốc gia và vùng lãnh thổ, miễn visa du lịch, kéo dài thời hạn visa, giảm lệ phí visa... để khuyến khích luồng khách du lịch phục hồi. Các khoản đóng góp Quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế từ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng cũng được VCCI đề xuất. Theo đó, cơ quan bảo hiểm xã hội nên nghiên cứu hỗ trợ doanh nghiệp chi trả tiền lương cho người lao động phải nghỉ việc do bất khả kháng từ dịch bệnh COVID-19. Theo VCCI, cần khuyến khích các doanh nghiệp cung ứng không tăng giá dịch vụ, giá cước vận tải, giá vật tư trong thời gian tới và cố gắng giảm giá, cước phí cho doanh nghiệp. Riêng việc thúc đẩy phát triển thị trường trong nước, đại diện VCCI cho rằng, cần tăng cường kết nối phát triển thị trường nội bộ giữa các doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp trong tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ, tìm nguồn cung ứng vật tư, nguyên liệu, chia sẻ công nghệ và kinh nghiệm quản lý.Bên cạnh đó, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm thị trường, đa dạng thị trường, khai thác tận dụng các thị trường mới mở ra từ các hiệp định thương mại tự do như Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)…
Theo ông Lộc: “Hiệu ứng của dịch COVID-19 không chỉ đặt ra cho nền kinh tế Việt Nam yêu cầu phải tái cấu trúc thị trường, mà việc tiết giảm hội họp, giảm lễ hội, giảm đi lại, giảm các hoạt động phô trương, giảm chi phí trong thời gian dịch bệnh cũng là những gợi ý về mô hình và cách thức tổ chức lại cuộc sống theo hướng tiết kiệm, nâng cao hiệu quả hoạt động. Thực tiễn cho thấy, chúng ta hoàn toàn có thể giảm chi phí nhiều hơn, tiết kiệm nhiều hơn và thiết thực hơn. Đó cũng là một giải pháp quan trọng”. Năm 2020 là năm đối phó với dịch bệnh và cũng là năm triển khai các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới; đồng thời, chuẩn bị cho Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Vì thế, VCCI kiến nghị tiếp tục phát động một đợt cải cách mới về thể chế kinh tế với tên gọi “Chương trình nghị sự 25-20” với nội dung trọng tâm: Xử lý dứt điểm 25 điểm chồng chéo trong pháp luật kinh doanh và đầu tư; đồng thời, tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính trong kiểm tra chuyên ngành. Việc hoàn thiện hệ thống thể chế tích hợp với thực hiện Chính phủ điện tử và với nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp trong đổi mới sáng tạo, chuyển đổi mô hình kinh doanh, phát triển bền vững… chắc chắn sẽ khơi nguồn cho những động lực mới trong nền kinh tế. Đây chính là những biện pháp cấp bách trong tình hình khó khăn, nóng bỏng vì dịch bệnh như hiện nay./.- Từ khóa :
- Dịch Covid 19
- doanh nghiệp
- VCCI
- sản xuất
- khó khăn
- tư nhân
Tin liên quan
-
Doanh nghiệp
Dịch COVID-19: Doanh nghiệp điện tử đối mặt với thiếu hụt nguyên liệu
16:21' - 26/02/2020
Việc kiểm soát biên giới nhằm phòng ngừa dịch bệnh có thể sẽ ảnh hưởng đến dây chuyền sản xuất một số model chiến lược đời mới của Samsung Electronics Việt Nam.
-
Kinh tế & Xã hội
Dịch COVID-19: Hàn Quốc xác nhận 1.261 người nhiễm virus SARS-CoV-2
16:21' - 26/02/2020
Số người nhiễm virus SARS-CoV-2 gây dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại Hàn Quốc đã lên tới 1.261 người.
-
Chứng khoán
Dịch COVID-19: "Sắc đỏ" tiếp tục bao trùm chứng khoán châu Á
16:11' - 26/02/2020
Những lo ngại về đà lây lan nhanh của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do chủng mới của virus corona (SARS-CoV-2) gây ra trên khắp thế giới tiếp tục đè nặng lên tâm lý nhà đầu tư chứng khoán.
-
Phân tích doanh nghiệp
Dịch COVID-19: Vietnam Airlines tham gia phát động chương trình kích cầu du lịch
15:51' - 26/02/2020
Vietnam Airlines tham gia phối hợp phát động chương trình “Chào Mặt Trời” nhằm kêu gọi các doanh nghiệp cùng hợp tác, mang đến cho hành khách trải nghiệm du lịch trọn vẹn và an tâm nhất.
-
Kinh tế Việt Nam
Dừng đưa lao động Việt Nam đi làm việc tại vùng có dịch COVID-19
15:29' - 26/02/2020
Các cơ quan đại diện lao động tại các vùng dịch cần có các biện pháp tuyên truyền, khuyến cáo người lao động (kể cả lao động bất hợp pháp) chủ động khai báo y tế, theo dõi sức khỏe theo quy định.
Tin cùng chuyên mục
-
Doanh nghiệp
Bổ sung thêm hơn 1.000MW cho miền Bắc trước mùa nắng nóng năm nay
12:15'
Việc hoàn thành dự án Lắp đặt bổ sung tụ bù ngang trên lưới điện miền Bắc năm 2025 sẽ giúp tăng cường bổ sung thêm hơn 1.000MW cho miền Bắc trước mùa nắng nóng năm nay.
-
Doanh nghiệp
VCCI: Cân nhắc quy định thuế GTGT với tài nguyên khoáng sản và xuất khẩu
10:39'
Theo doanh nghiệp, các quy định thuế GTGT hiện chưa phù hợp, không phân biệt sản phẩm tài nguyên khoáng sản thô hay đã chế biến sâu. Quy định cũng cần cân nhắc ở việc tăng chi phí doanh nghiệp
-
Doanh nghiệp
Bỉ cân nhắc hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ trước tác động thuế quan của Mỹ
10:07'
Bộ trưởng Doanh nghiệp vừa và nhỏ Éléonore Simonet cho biết sẽ tiến hành phân tích tình hình cùng các cơ quan chức năng liên quan để đánh giá khả năng triển khai các biện pháp hỗ trợ phù hợp.
-
Doanh nghiệp
Mảng quảng cáo cốt lõi chiếm gần 3/4 tổng doanh thu của Google
08:04'
Doanh thu từ mảng quảng cáo cốt lõi của Google chiếm gần 3/4 tổng doanh thu trong quý I/2025, tăng 8,5% lên 66,89 tỷ USD.
-
Doanh nghiệp
Gắn biển dự án nâng công suất Javen 100.000 tấn/năm tại Hóa chất Việt Trì
21:34' - 25/04/2025
Dự án nâng công suất Javen 100.000 tấn/năm tại Hóa chất Việt Trì đã được gắn biển công trình chào Đại hội đại biểu Đảng bộ Tập đoàn Hóa chất Việt Nam lần thứ IV.
-
Doanh nghiệp
Chuyển đổi số - Khai mở toàn bộ tiềm năng nền tảng Tiêu dùng - Bán lẻ - Công nghệ của Masan
20:07' - 25/04/2025
Số hóa và tự động hóa toàn diện – “Go Digital” là mảnh ghép chiến lược cuối cùng trong hành trình tối ưu toàn bộ chuỗi giá trị của Masan.
-
Doanh nghiệp
Hành trình vươn ra thế giới của các hãng xe điện Trung Quốc
18:23' - 25/04/2025
Xe điện (EV) Trung Quốc đang ngày càng trở nên phổ biến tại các thị trường như châu Âu nhờ vào mức giá hấp dẫn, thiết kế đẹp và các tính năng công nghệ tiên tiến.
-
Doanh nghiệp
Giải pháp nào khiến PVOIL tự tin đạt tăng trưởng lợi nhuận 30% trong năm 2025?
18:22' - 25/04/2025
Trong bối cảnh kinh doanh xăng dầu được dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn khi giá dầu thế giới biến động khó lường, đâu là giải pháp để PVOIL có thể đạt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận 30% trong năm 2025?
-
Doanh nghiệp
Petrolimex sẽ chuyển dịch năng lượng theo thực tiễn
14:41' - 25/04/2025
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025 của Petrolimex sáng 25/4, Chủ tịch Petrolimex Phạm Văn Thanh cho biết Petrolimex sẽ chuyển dịch năng lượng theo thực tiễn.