Dịch do virus Corona và tác động kinh tế- Bài 2: Biến thách thức thành thời cơ

08:29' - 16/02/2020
BNEWS Dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra đã khiến ngay từ đầu năm, tình hình xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc bị hạn chế, thậm chí ngưng trệ một thời gian khá dài.
Dưa hấu là một trong những mặt hàng bị đình trệ do xuất khẩu sang Trung Quốc bị hạn chế vì dịch bệnh. Ảnh minh họa: Trung Hiếu - TTXVN

Dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đã tác động không nhỏ tới hoạt động xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc. Bên cạnh các mặt hàng trái cây chịu tác động nhất do sức ép thời vụ và bảo quản, nhiều nông sản khác tuy cũng bị ảnh hưởng nhưng các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh mặt hàng này vẫn tự tin trước thời cuộc. 

Bởi nhiều ngành hàng đã và đang có sự chuẩn bị để thích ứng với biến động mạnh này từ thị trường xuất khẩu lớn và truyền thống này; đông thời coi đây là thời cơ để chuyển đổi sản xuất, kinh doanh, tái cơ cấu mạnh mẽ.

Thích ứng khó khăn

Trung Quốc là thị trường lớn của nông sản Việt Nam, chiếm từ 22-24% tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản Việt Nam; trong đó nhiều mặt hàng chiếm tỷ trọng cơ bản như rau quả. Dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra đã khiến ngay từ đầu năm, tình hình xuất khẩu nông sản sang thị trường này bị hạn chế, thậm chí ngưng trệ một thời gian khá dài.

Hậu quả kèm theo đó là việc đàm phán mở cửa chính thức thị trường nông sản với nhiều mặt hàng như: sầu riêng, yến, khoai lang… vốn diễn biến thuận lợi, nhiều khả năng bị đình trệ do các cơ quan chức năng của Trung Quốc không sang được Việt Nam.

Gạo là một trong những mặt hàng chịu tác động khá mạnh và sớm từ những thay đổi chính sách của Trung Quốc. Năm 2019, mặt hàng này đã gặp rất nhiều khó khăn khi sang thị trường này. Nhưng với tình hình hiện nay, bà Bùi Thị Thanh Tâm, Tổng giám đốc Tổng công ty Lương thực Miền Bắc, Phó chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam tự tin cho biết, gạo lại là một trong những ngành hàng sẽ có nhiều điều may mắn.

Bà Bùi Thị Thanh Tâm cho biết, năm 2019, xuất khẩu gạo sang thị trường Trung Quốc giảm 64%; trong khi đó cách đây 5-6 năm, thị trường Trung Quốc chiếm khoảng 50% tổng sản lượng với trên 6 triệu tấn xuất khẩu mỗi năm của doanh nghiệp. Tuy nhiên, năm 2019, cơ cấu xuất khẩu gạo đã có nhiều thay đổi do Trung Quốc thay đổi cơ chế nhập khẩu, cộng với việc nâng cao chất lượng và tìm được những thị trường mới. Vì vậy, năm 2019, doanh nghiệp xuất khẩu sang Trung Quốc chỉ đạt 477.000 tấn với kim ngạch 247 triệu USD trong tổng số xuất khẩu trên 6 triệu tấn với kim ngạch khoảng 2,7 tỷ USD.

“Việc “giảm phụ thuộc” ở mặt hàng gạo có ý nghĩa quan trọng. Nên nhìn chung đối với mặt hàng gạo sẽ không chịu sự tác động nhiều”, bà Tâm cho hay.

Xuất khẩu sang Trung Quốc khoảng 1,2 tỷ USD mỗi năm, nhưng doanh nghiệp ngành hàng gỗ cũng rất tự tin. Ông Nguyễn Tôn Quyền, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam nhìn nhận, các sản phẩm gỗ xuất khẩu sang thị trường này lớn nhưng không phải sản phẩm tinh, chủ yếu là dăm, mảnh. Bên cạnh đó, mặt hàng này xuất khẩu qua đường bộ chiếm rất ít, khoảng 40 triệu USD trong tổng số trên 1,1 tỷ USD sang Trung Quốc.  Qua đường biển, Việt Nam chủ yếu bán theo giá FOB nên giao dịch không ảnh hưởng nhiều.

Thời gian tới, việc mua hàng tại Việt Nam của Trung Quốc sẽ giảm. Nhưng đây là cơ hội cho ngành gỗ giảm xuất khẩu dăm, mảnh, tạo nguồn nguyên liệu cho sản xuất ván nhân tạo, viên nén. Điều này sẽ góp phần làm gia tăng giá trị đối với ngành gỗ.

Nếu dịch bệnh kéo dài, doanh nghiệp sẽ có sự chuyển biến trong nhận thức và chuyển đổi hoạt động chế biến, kinh doanh. Hiệp hội đã làm việc với các doanh nghiệp và họ đồng tình về sự chuyển hướng mua thiết bị sản xuất gỗ công nghiệp và viên nén thay cho xuất khẩu dăm, mảnh, ông Nguyễn Tôn Quyền cho hay.

Thủy sản cũng bị tác động bởi dịch bệnh. Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN

Không chỉ các mặt hàng gạo hay gỗ, thủy sản tuy cũng bị tác động bởi việc giao hàng sẽ bị chậm trễ, tốn thêm chi phí, nhưng ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho biết, ngành vẫn có 2 cơ hội. Đó là sẽ chuẩn bị hàng đồ hộp, đông lạnh bởi dự báo sau những sự kiện như thế này (3-5 tháng) sẽ có sự điều chỉnh văn hóa tiêu dùng. Mặt hàng tươi, sống sẽ ít đi và hàng đồ hộp, đông lạnh sẽ có nhu cầu lớn. Cơ hội thứ hai, Việt Nam sẽ gia tăng được thị phần mặt hàng cá ngừ ở các thị trường bởi Trung Quốc là 1 trong 5 nước bán cá ngừ lớn.

Thế nhưng, nhìn lại trái cây thì đây vẫn là mặt hàng chịu sức ép thời vụ và bảo quản nên khó xoay chuyển tình thế trong thời gian ngắn. Trái cây nói riêng và nông sản nói chung không dễ chuyển hướng thị trường khi chưa được nước khác cho nhập khẩu chính thức; hoặc không đáp ứng được các tiêu chuẩn thông thường về truy xuất nguồn gốc, nhãn mác, bao bì…

Trong khi đó, ngành chế biến nông sản của Việt Nam phát triển vượt bậc, nhưng năng lực chế biến sâu của một số ngành hàng nông, lâm, thủy sản còn gặp nhiều khó khăn, chưa đáp ứng kịp thời việc tập trung thu mua, chế biến các sản phẩm nông sản trong nước hiện nay.

Tái cơ cấu đến đâu, xây dựng thị trường đến đó

“Biến thách thức thành thời cơ. Phải tìm thấy cơ hội từ thử thách đặc biệt. Chợ cũ đứng trước nguy cơ rủi ro cháy không phải ngồi đó mà khóc mà phải bàn xây dựng chợ mới. Đây là tiền đề, áp lực chỉ ra ngành nông nghiệp phải tái cơ cấu sâu sắc, chứ không chỉ chờ đợi xảy ra rồi chắp vá”. Đó là yêu cầu của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường với các ngành hàng, địa phương, doanh nghiệp và người sản xuất.

Nông nghiệp Việt Nam sẽ không phát triển được nếu nông sản không xuất khẩu được vì sức sản xuất quá lớn. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, Bộ sẽ phối hợp chặt với các bộ, ngành, địa phương từ tái cơ cấu đến mở cửa thị trường.

Theo đó, các tỉnh, thành chỉ đạo các ngành cùng hiệp hội ngành hàng rà soát tất cả các mặt hàng, trước hết là những nông sản xuất khẩu lớn sang Trung Quốc. Địa phương phải cùng với các doanh nghiệp chế biến họp bàn đưa ra các giải pháp về thời vụ, điều tiết sản xuất.

Tình hình dịch bệnh có thể kéo dài, các tỉnh trồng dưa hấu cần rà soát lại và không trồng tiếp, chuyển sang cây trồng khác. Đây là mặt hàng chưa trở thành thói quen chế biến thì cần giảm bớt áp lực bằng các loại cây trồng khác.

Với mặt hàng thanh long, bên cạnh giải pháp trước mắt là rà soát, cân đối tiêu thụ hợp lý, kéo dài thời gian thu hoạch, về lâu dài tỉnh Bình Thuận - địa phương có sản lượng thanh long lớn nhất cả nước, lãnh đạo tỉnh đã yêu cầu ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, công thương, các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền người dân liên kết thực hiện theo chuỗi giá trị sản xuất với tiêu thụ, xuất khẩu hàng hóa, nâng cao chất lượng sản đảm bảo an toàn thực phẩm, theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, tăng sản lượng xuất khẩu bằng chính ngạch.

Sản xuất theo chuỗi liên kết là giải pháp quyết định hiệu quả. Những địa phương hay mặt hàng nào chưa hình thành được chuỗi sản xuất thì hết dịch bệnh cũng sẽ phải đối mặt giải quyết những sự cố khác. Do vậy Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường yêu cầu, các địa phương phải cùng doanh nghiệp hướng dẫn, định hướng nông dân tổ chức sản xuất hiệu quả, hình thành các hợp tác xã.

Xe chở Thanh Long thông quan qua cửa khẩu đường bộ Kim Thành (Lào Cai). Ảnh minh họa: Hồng Ninh/TTXVN

“Cùng các chính sách, nhưng tại sao tỉnh Sơn La trong 2 năm đã hình thành được gần 400 hợp tác xã nông nghiệp ? Với khát vọng lớn, sự quyết tâm thực hiện cao, Sơn La đã cùng Tiền Giang trở thành những tỉnh đứng đầu về diện tích cây ăn quả,” Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường so sánh.

Về mở cửa thị trường, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho biết, Bộ đã phối hợp với cơ quan Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại các nước trên thế giới triển khai toàn diện, đạt hiệu quả cao nhất về xúc tiến, phát triển thị trường tại các địa bàn trọng điểm, tiềm năng và thị trường ngách ngay từ đầu năm 2020, tạo sự đột phá trong đa dạng hóa thị trường.

Từ giữa tháng 2 này, nhiều Đoàn công tác do lãnh đạo Bộ dẫn đầu sẽ cùng các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang Dubai (UAE), Trung Đông, Hoa Kỳ, Brazil, Nhật Bản, Liên bang Nga, Australia, NewZealand, châu Âu, ASEAN…

Với thị trường trong nước, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tổ chức các diễn đàn xúc tiến thương mại trong nước kết nối thu mua nông sản giữa các địa phương, doanh nghiệp và nông dân.

"Nông dân hiện đã ở thời đại Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trồng cây gì phải đau đáu nghĩ sẽ chế biến, bán hàng như thế nào chứ không chỉ có đất là trồng. Trong thế giới phẳng, bất kỳ điều gì cũng có thể xảy ra, người dân cũng cần đồng hành, sản xuất có trách nhiệm bằng việc gắn kết, liên kết với doanh nghiệp trong chuỗi sản xuất lớn, chuỗi giá trị sâu. Đó mới là chiến lược lâu dài", người đứng đầu ngành nông nghiệp nhấn mạnh./.

>>> Dịch do virus Corona và tác động kinh tế- Bài 3: Vượt khó bằng nội lực

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục