Dịch do virus Corona: Doanh nghiệp trên toàn cầu ứng phó ra sao?

17:01' - 08/02/2020
BNEWS Dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV) đang gây ảnh hưởng sâu rộng đến các doanh nghiệp ở nhiều lĩnh vực.
Hãng hàng không Air France-KLM của Pháp và Hà Lan ngày 6/2 thông báo sẽ gia hạn lịch hoãn các chuyến bay tới Trung Quốc cho tới hết ngày 15/3 nhằm tránh nguy cơ lây nhiễm dịch viêm đường hô hấp cấp do virus corona chủng mới (2019-nCoV) gây ra. Ảnh: TTXVN phát

Trung Quốc giữ một vị thế kinh tế quan trọng và có sức nặng đáng kể trong chuỗi cung ứng toàn cầu, vì thế dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV) đang gây ảnh hưởng sâu rộng đến các doanh nghiệp ở nhiều lĩnh vực.

Ngành du lịch

Du lịch và hoạt động đi lại là lĩnh vực chịu ảnh hưởng trực tiếp nhất bởi quyết định của Trung Quốc trong việc cách ly nhiều thành phố và cấm các tour du lịch nhóm ra nước ngoài nhằm ngăn chặn sự lan rộng của dịch bệnh. Nhiều nước khác cũng đã yêu cầu công dân nước mình tránh đến Trung Quốc.

Nhiều hãng hàng không lớn trên thế giới đã hủy tất cả các chuyến bay đến Trung Quốc, trong đó có hãng hàng không Air Canada, Air France-KLM, American Airlines, British Airways, Delta, Finnair, Lufthansa, United Airlines và Virgin Atlantic.

Trong đó, hãng hàng không Cathay Pacific của Hong Kong (Trung Quốc) đang chịu ảnh hưởng tài chính nặng nề, và trong tuần này đã yêu cầu toàn bộ nhân viên 27.000 người của hãng nghỉ không lương lên đến ba tuần.

Các công viên chủ đề của Disney tại Thượng Hải và Hong Kong đã đồng loạt đóng cửa. Nhiều trung tâm thương mại Paris, một điểm mua sắm thời trang được ưa chuộng của các nhóm du khách Trung Quốc, giờ đây yên tĩnh một cách lạ thường, và nhiều thương hiệu xa xỉ ở châu Âu đang ngày càng lo ngại hơn sau khi các cuộc biểu tình ở Hong Kong đã ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động kinh doanh của họ ở Trung Quốc.

Ngành du lịch Italy có thể bị thiệt hại 4,5 tỷ euro (4,93 tỷ USD) trong năm nay, theo ước tính của Demoskopika.

Các hãng tàu MSC Cruises, Costa Cruises và Royal Caribbean đã hủy các điểm dừng ở Trung Quốc, trong khi nhiều hãng tàu khác đã quyết định từ chối các hành khách đã từng đến Trung Quốc, Hong Kong hay Macau (Trung Quốc) trong 14 ngày trở lại.

Ngành điện tử

Ngành điện tử cũng nằm trong tầm ảnh hưởng của dịch bệnh. “Gã khổng lồ” công nghệ của Đài Loan (Trung Quốc) Foxconn đang yêu cầu nhân viên nghỉ làm đến 14 ngày, tương đương thời gian ủ bệnh của virus nCoV, kể cả sau khi sẽ nối lại phần lớn hoạt động sản xuất vào ngày 10/2 tới.

Điều này có thể tác động đến chuỗi cung ứng toàn cầu cho các công ty công nghệ phụ thuộc vào Foxconn để lắp ráp nhiều sản phẩm, từ điện thoại iPhone của Apple đến máy tính xách tay và TV màn hình phẳng.

Về phần mình, Apple đang lên các kế hoạch giảm thiểu ảnh hưởng nhằm bù đắp cho sự thiếu hụt nguồn cung từ các nhà cung cấp ở Trung Quốc.

Hãng điện tử LG Electronics của Hàn Quốc và Ericsson của Thụy Điển đã rút khỏi Hội nghị Di động Thế giới sẽ diễn ra từ ngày 24-27/2 tại Barcelona (Tây Ban Nha) theo khuyến cáo tránh các chuyến đi không cần thiết của giới chuyên gia.

Nhiều công ty viễn thông của Trung Quốc như Huawei và ZTE cho biết sẽ thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh và hạn chế sự hiện diện tại sự kiện nói trên.

Ngành ô tô

Hàn Quốc ngày 7/2/2020 tuyên bố sẽ nỗ lực hết sức để giúp các hãng chế tạo ô tô nước này đang thiếu nguồn cung phụ tùng, trong bối cảnh dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (2019-nCoV) gây ra tại Trung Quốc làm gián đoạn nguồn cung từ nước này. Ảnh: TTXVN phát

Vũ Hán, nơi bùng phát đầu tiên dịch viêm đường hô hấp cấp do virus Corona, là một trung tâm đối với các nhà sản xuất ô tô nước ngoài đến từ Mỹ, châu Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Việc kéo dài thời gian nghỉ của nhân viên sau dịp Tết Âm lịch đã làm gia tăng những lo ngại về hiệu ứng lan tỏa của nó.

Hyundai Motor Co., nhà sản xuất ô tô lớn nhất Hàn Quốc xét về doanh số, mới đây thông báo đã tạm ngừng tất cả các nhà máy lắp ráp ô tô ở trong nước do thiếu nguồn phụ tùng từ Trung Quốc.

Công ty con của Hyundai là Kia Motors Corp. cũng dự định ngừng tất cả các dây chuyền lắp ráp trong nước vào ngày 10/2.

Nhiều nhà sản xuất ô tô khác tại Hàn Quốc cũng dự định sẽ ngừng sản xuất hoặc xem xét phương án này.

Nhà sản xuất ô tô Toyota của Nhật Bản đã kéo dài thời gian đóng cửa các nhà máy của hãng này ở Trung Quốc đến ngày 16/2.

Tập đoàn Renault của Pháp cho biết sẽ ngừng hoạt động nhà máy của hãng ở Busan (Hàn Quốc) trong bốn ngày do vấn đề về nguồn cung từ Trung Quốc.

Nhà sản xuất xe điện Tesla cho biết, dịch bệnh do virus nCoV có thể làm thay đổi kế hoạch gia tăng sản xuất tại nhà máy lớn mới của hãng ở Thượng Hải và ảnh hưởng đến kết quả lợi nhuận quý này.

Ngành thực phẩm và đồ uống

Trung Quốc Đại lục là thị trường lớn thứ hai của chuỗi cửa hàng cà phê Starbucks của Mỹ, với hơn 4.000 cửa hàng. Tuy nhiên, một nửa trong số này đã phải đóng cửa do dịch bệnh nói trên.

“Gã khổng lồ” trong lĩnh vực kinh doanh đồ ăn nhanh McDonald's cũng đã đóng cửa toàn bộ hàng trăm nhà hàng tại tỉnh Hồ Bắc.

Pizza Hut và KFC cũng tạm ngừng hoạt động tại Hồ Bắc theo chỉ thị của công ty mẹ ở Trung Quốc là Yum China.

Các ngành khác

Các “ông lớn” trong ngành hàng thể thao Nike và Adidas đã đóng cửa hàng trăm cửa hàng ở Trung Quốc và cảnh báo tác động tiêu cực đối với kết quả kinh doanh quý này.

Nhà chế tạo máy bay Airbus đã tạm ngừng hoạt động sản xuất tại nhà máy của hãng ở Thiên Tân./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục