Dịch do virus Corona: Xu hướng tiêu cực trên thị trường dầu mỏ

05:30' - 13/02/2020
BNEWS Thế giới có thể phải đối mặt với cú sốc lớn nhất về nhu cầu dầu mỏ kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 và chưa thể biết được tình trạng này sẽ kéo dài bao lâu.
Một tàu chở dầu của Iran ở đảo Khark, ngoài khơi vùng Vịnh Persian. Ảnh: AFP/TTXVN

Bài viết trên báo The Straits Times cho rằng thị trường dầu mỏ đã phục hồi vào ngày 5/2 vừa qua khi có tin một trường đại học ở Trung Quốc đã gần tìm ra được phương thuốc chữa trị cho dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (COVID-19). Tuy nhiên, sự phục hồi trên thị trường dầu mỏ chỉ mang tính tạm thời. Cho đến nay, giá dầu đã giảm hơn 15% bất chấp mùa Đông giá lạnh của Bắc Bán Cầu, thường là giai đoạn đỉnh điểm về nhu cầu dầu mỏ.

Theo Dow Jones Market Data, chỉ trong tuần qua (từ 3-7/2), giá dầu WTI giảm 2,4%, trong khi giá dầu Brent hạ 3,8%. Cả hai loại dầu này đều giảm tuần thứ năm liên tiếp, đà giảm dài nhất kể từ tháng 11/2018. Cuối phiên 11/2, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng 3/2020 tại thị trường New York (Mỹ) tăng 0,37 USD lên 49,94 USD/thùng, còn giá dầu Brent giao tháng 4/2020 tại thị trường London (Vương quốc Anh) tăng 0,74 USD lên 54,01 USD/thùng.

Có lý do để tin rằng xu hướng tiêu cực hơn nữa trên thị trường dầu mỏ sẽ diễn ra.

Thứ nhất, Trung Quốc, nơi khởi phát virus Corona chủng mới, cho đến nay là nước bị tác động tồi tệ nhất bởi sự bùng phát của dịch bệnh này, và là nước tiêu thụ dầu mỏ lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 13% sản lượng toàn cầu. Nhu cầu dầu mỏ của Trung Quốc đã giảm 20% trong năm nay.

Thứ hai, dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 vẫn đang lan rộng, với số ca nhiễm và tử vong tiếp tục tăng lên. Dịch bệnh Hội chứng viêm đường hô hấp cấp (SARS) năm 2003 lên đến đỉnh điểm đã khiến giá dầu giảm 30%. Vì dịch bệnh do virus Corona chủng mới có tác động lớn hơn, lan nhanh hơn, nên có lý do để tin rằng lần này giá dầu có khả năng giảm xuống bằng, nếu không nói là giảm hơn thời kỳ dịch SARS.

Việc hạn chế đi lại, một trong những lĩnh vực bị tác động đầu tiên bởi bất kỳ dịch bệnh nào, lần này cũng lớn hơn rất nhiều, với việc một số hãng hàng không quốc tế đã giảm hoặc hủy các chuyến bay đến Trung Quốc, dẫn đến sự giảm mạnh nhu cầu về nhiên liệu máy bay.

Không chỉ đi lại quốc tế, mà đi lại bên trong Trung Quốc, cả giữa các thành phố và trong nội bộ thành phố, cũng bị tác động. Hơn một chục thành phố của Trung Quốc đã bị đóng cửa và hầu hết giao thông vận tải địa phương nhìn chung bị đình trệ.

Khu vực chế tạo sản xuất của Trung Quốc, cũng là lĩnh vực sử dụng đáng kể năng lượng, cũng đang phải đối mặt với khó khăn, với việc hàng nghìn nhà máy bị đóng cửa hoặc hoạt động với công suất thấp. Điều này, đến lượt nó, tác động đến các nhà máy ở các nước khác kết nối với các công ty này ở Trung Quốc thông qua chuỗi cung ứng. Hệ quả là, vận tải đường thủy đến và đi từ Trung Quốc sẽ bị tác động, giáng một đòn mạnh vào nguồn nhu cầu dầu mỏ lớn khác – ngành vận tải đường thủy.

Tóm lại, thế giới có thể phải đối mặt với cú sốc lớn nhất về nhu cầu dầu mỏ kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Người ta vẫn chưa biết chắc được tình trạng này sẽ kéo dài bao lâu. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng nó sẽ kéo dài tới ít nhất là cuối tháng Ba. Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) có khả năng sẽ đảm bảo mức sàn cho giá dầu bằng việc phối hợp cắt giảm sản lượng.

Ủy ban Kỹ thuật chung (JTC), có nhiệm vụ cố vấn cho OPEC và các nước liên minh (OPEC+), đã đề xuất cắt giảm 600.000 thùng dầu/ngày, tương đương 0,6% nguồn cung toàn cầu. Ủy ban trên không phải là bộ phận đưa ra quyết định và đề xuất cắt giảm sản lượng phải được các bộ trưởng dầu mỏ của OPEC và OPEC+ xem xét. Các bộ trưởng của OPEC và OPEC+ dự kiến họp vào hai ngày 5-6/3 tới tại Vienna, Áo và chưa quyết định về việc có đẩy cuộc họp lên sớm hơn hay không.

Cuối năm ngoái OPEC+ đã nhất trí cắt giảm thêm 500.000 thùng dầu/ngày từ 1/1/2020, nâng tổng mức cắt giảm cho tới tháng Ba năm nay lên 1,7 triệu thùng/ngày. 

Tuy nhiên, ngay cả việc cắt giảm tới 1 triệu thùng dầu/ngày thì cũng không thể bù đắp cho tác động của việc giảm nhu cầu của Trung Quốc. Mặc dù các nước nhập khẩu dầu mỏ sẽ được lợi từ giá dầu giảm, nhưng các nhà sản xuất và ngành công nghiệp dầu mỏ sẽ phải đối mặt với năm 2020 đầy khó khăn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục