Dịch tả lợn châu Phi: Chi trả hỗ trợ người chăn nuôi còn gặp khó

17:23' - 30/05/2019
BNEWS Trước tình hình dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp, các địa phương trong cả nước đang tập trung thực hiện các giải pháp phòng chống và hỗ trợ các hộ chăn nuôi bị thiệt hại do dịch.
Phun hóa chất lợn bị dịch tả lợn châu phi. Ảnh: Phạm Cường - TTXVN

Báo cáo với Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội về tình hình bệnh dịch tả lợn châu Phi đang xảy ra trên địa bàn thành phố, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, đến nay tổng ước tính thiệt hại cho người chăn nuôi trên địa bàn thành phố là khoảng 470 tỷ, ước theo giá thị trường là 30.500 đồng/kg.

Trên địa bàn thành phố Hà Nội, tính đến ngày 28/5, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 15.528 hộ chăn nuôi (chiếm 19,2 % tổng số hộ, cơ sở chăn nuôi)/1.820 thôn, tổ dân phố/425 xã, phường, thị trấn thuộc 24 quận, huyện, thị xã, làm mắc bệnh và tiêu hủy 249.878 con (chiếm 13,3 % tổng đàn).

Theo thống kê nhanh, hiện số hộ được chi trả hỗ trợ thiệt hại trên toàn địa bàn thành phố đạt khoảng 32,5 %. Tổng kinh phí ước tính đã chi hỗ trợ và chi các hoạt động phòng, chống dịch là khoảng 200 tỷ; trong đó hỗ trợ cho người chăn nuôi chiếm 70%. Hiện nay, việc chi trả hỗ trợ cho người chăn nuôi còn gặp nhiều khó khăn do giá cả biến động, số lượng hộ nhiều…

Thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục chỉ đạo, tổ chức triển khai quyết liệt hơn nữa, đồng bộ các giải pháp phòng chống theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ; tập trung tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ bệnh dịch đến từng hộ chăn nuôi; phát hiện và xử lý sớm, triệt để ngay từ giờ đầu, khống chế không để dịch bệnh lây lan diện rộng; hướng dẫn triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống, xử lý bệnh dịch tả lợn châu Phi và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác theo quy định.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ phối hợp các sở, ngành, đơn vị liên quan tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát các lò giết mổ, buôn bán, kinh doanh, vận chuyển gia súc, sản phẩm gia súc trên địa bàn; duy trì hoạt động các chốt kiểm dịch động vật tại các đầu mối giao thông, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo đúng quy định pháp luật.

Sở cũng sẽ phối hợp với Sở Công Thương làm việc với các doanh nghiệp chăn nuôi, chế biến, tiêu thụ sản phẩm bàn các giải pháp cụ thể về tiêu thụ lợn và sản phẩm từ lợn; phối hợp các cơ quan thông tin truyền thông hướng dẫn cụ thể về chuyên môn, kỹ thuật phòng chống dịch bệnh, tuyên truyền để người tiêu dùng không “quay lưng” lại với thịt lợn.

Tại Cà Mau, ngày 30/5, tại Phiên họp kiểm điểm công tác điều hành, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tháng 5,  Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tiến Hải yêu cầu các Sở, ngành, địa phương tiếp tục phối hợp triển khai thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch tả lợn châu Phi.

Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các Sở, ngành, chính quyền các địa phương cần phải vào cuộc với tinh thần quyết liệt, thể hiện trách nhiệm cao trong công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Ngoài ra, tỉnh cũng đã thành lập 32 trạm, chốt kiểm soát phương tiện vận chuyển lợn hơi, sản phẩm từ thịt lợn nhập tỉnh; đồng thời bố trí lực lượng túc trực 24/24 để tăng cường kiểm tra, kiểm soát nhằm để kịp thời ngặn chặn không cho các tổ chức, cá nhân vận chuyển lợn và sản phẩm từ lợn không rõ nguồn gốc từ một số tỉnh có dịch bệnh vào địa bàn tỉnh.

Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh Cà Mau hiện có khoảng 75.000 con lợn, chỉ có 10 trang trại, phần lớn là nông hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Tuy nhiên, với số lượng nêu trên thì không đủ cung cấp cho người tiêu dùng, nên Cà Mau phải nhập thêm các sản phẩm từ lợn ở các tỉnh khác là rất lớn.

Để đảm bảo nguồn kinh phí phục vụ công tác chống dịch tả lợn châu Phi, tỉnh Thái Nguyên đã quyết định cấp ngân sách tỉnh hơn 16 tỷ đồng và các huyện, xã cấp hơn 32 tỷ đồng từ nguồn ngân sách dự phòng...

Thái Nguyên cũng điều chỉnh mức hỗ trợ cho chủ hộ chăn nuôi có lợn mắc bệnh buộc tiêu hủy đối với lợn con, lợn thịt từ 32.000 đồng/kg xuống 24.000 đồng/kg; lợn nái, lợn đực giống từ 48.000 đồng xuống 36.000 đồng/kg để tránh tình trạng giá hỗ trợ tiêu hủy cao hơn giá bán thị trường làm người chăn nuôi có tư tưởng không tích cực phòng chống dịch bệnh...

Theo ông Hoàng Văn Dũng, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên, để nâng cao hiệu quả công tác phòng chống dịch tả lợn châu Phi, tỉnh tiếp tục yêu cầu người chăn nuôi thực hiện "5 không" trong phòng chống bệnh, áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học, rà soát, bổ sung các chốt kiểm dịch tạm thời cấp tỉnh và đội kiểm dịch lưu động, thực hiện khử trùng cấp độ cao đối với vùng có dịch...

Khó khăn lớn trong phòng chống dịch tại Thái Nguyên hiện nay đó là lực lượng cán bộ chuyên ngành tham gia công tác chống dịch còn thiếu, hệ thống giết mổ gia súc, gia cầm chưa đáp ứng được yêu cầu phòng chống dịch bệnh, việc kiểm soát vận chuyển, giết mổ buôn bán lợn trong vùng dịch còn lúng túng, thiếu chặt chẽ, việc hỗ trợ cho người dân có lợn mắc bệnh buộc phải tiêu hủy của các địa phương còn chậm do khó khăn về nguồn kinh phí...Tỉnh Thái Nguyên đã có 112 xã phát hiện có bệnh dịch tả lợn châu Phi.

UBND huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai cho biết, huyện đã hoàn tất chi trả  số tiền hỗ trợ 1,2 tỷ đồng cho 2 hộ có lợn bị tiêu hủy vì dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn. Đây là 2 hộ đầu tiên ở Đồng Nai được nhận tiền hỗ trợ khi có lợn bị tiêu hủy vì dịch.

Theo đó, hộ ông Nguyễn Xuân Khá ở xã Bình Minh (huyện Trảng Bom) có 417 con lợn bị tiêu hủy được hỗ trợ 700 triệu đồng, hộ ông Nguyễn Văn Đằng, xã Đồi 61 (huyện Trảng Bom), có 246 con lợn bị tiêu hủy nhận hỗ trợ 500 triệu đồng. Việc hỗ trợ này được chính quyền huyện Trảng Bom thực hiện công khai, giám sát chặt, đảm bảo đúng đối tượng.

Ông Huỳnh Thành Vinh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Nai cho biết, hiện UBND tỉnh Đồng Nai quy định 5 mức hỗ trợ tạm thời cho các hộ có lợn phải tiêu hủy vì dịch tả lợn châu Phi. Lợn con theo mẹ được hỗ trợ 300.000 đồng/con, lợn cai sữa dưới 2 tháng tuổi 500.000 đồng/con; lợn thịt từ 2 - 4 tháng tuổi 2 triệu đồng/con; lợn thịt, giống hậu bị trên 4 tháng tuổi là 3 triệu đồng/con. Lợn nái, lợn đực giống nhận hỗ trợ cao nhất với số tiền 4,5 triệu đồng/con.

Tại tỉnh Thừa Thiên Huế, đến ngày 30/5, dịch tả lợn châu Phi đã lan rộng ra 383 hộ chăn nuôi thuộc 42 xã, phường, thị trấn của 8/9 huyện, thị, thành phố, với tổng số lợn đã tiêu hủy 1.652 con. Trước tình hình bệnh dịch tả lợn châu Phi đang diễn biến hết sức phức tạp trên địa bàn, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã cấp tiếp đợt 3 với 6.029 lít Benkocid và Iodine cùng hàng chục tấn vôi bột cho các địa phương; đồng thời phát động tháng tiêu độc, khử trùng nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

Đến thời điểm này, cả nước đã có 44 tỉnh, thành phố bị dịch tả lợn châu Phi./.

>>> Một số biện pháp khẩn cấp về quản lý giết mổ, tiêu thụ sản phẩm lợn

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục