Dịch virus Corona: "Kinh tế tại gia" gặp thời phát đạt

16:28' - 11/02/2020
BNEWS Khi mọi người được khuyên hạn chế ra ngoài do virus corona (2019-nCoV) diễn biến đáng lo ngại tại Trung Quốc, "kinh tế tại gia" được cho là gặp thời phát triển ở mọi nơi trên toàn quốc gia này.
Bệnh nhân nhiễm virus corona chủng mới được điều trị tại bệnh viện dã chiến ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, ngày 10/2/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Cụm từ "Kinh tế tại gia" thường chỉ các dịch vụ trực tuyến theo yêu cầu, đang nở rộ, từ truyền phát, mua sắm, giao thực phẩm, giáo dục, làm việc tại nhà và các ứng dụng trò chơi điện tử, đáp ứng nhu cầu giải trí và tiêu dùng tại chỗ của người dân.

Đợt dịch bùng phát cũng là lúc You Xiaoling, một giáo viên có 22 năm kinh nghiệm đứng trên bục giảng, lần đầu tiên thực hiện bài giảng của mình trên mạng trực tuyến.

Thay vì ra chợ lựa chọn thực phẩm từ các quầy hàng, Zhang Weijia lại đặt đồng hồ báo thức để dậy sớm cho kịp đặt mua thực phẩm trên các ứng dụng trực tuyến bằng điện thoại trong khi nhiều người khác cũng bắt đầu hình thành thói quen xin tư vấn bác sĩ trực tuyến vì ngại đi ra ngoài. Đây cũng là lúc nhiều người nhận thấy tiện ích mà ngành kinh tế này mang lại.

Khi nhu cầu nở rộ, nhiều ứng dụng cũng có lúc rơi vào tình trạng quá tải nguồn cung, lực lượng phục vụ và từ đó bắt đầu hạn chế số lượng đơn hàng trong ngày, đặc biệt là những ứng dụng mua sắm trực tuyến. Vì vậy, nhiều người như Zhang phải hẹn giờ để dậy sớm mới mong có thể thực hiện được giao dịch mua sắm trực tuyến.

JD fresh, chi nhánh cung cấp thực phẩm tươi sống của Tập đoàn thương mại điện tử hàng đầu Trung Quốc JD cho biết số lượng đơn đặt hàng của chi nhánh tăng 215% so với cùng kỳ năm ngoái, ngay trong 9 ngày đầu tiên của kỳ nghỉ Tết Nguyên đán vừa qua tại quốc gia này.

Trong khi đó, ứng dụng cung cấp thực phẩm tươi sống Missfresh cũng cho biết số lượng đặt hàng tăng tới 300% so với cùng kỳ năm ngoái trong đợt bùng phát dịch đầu năm 2020.

Lâu nay, thị trường dịch vụ trực tuyến bị hạn chế do người dân vẫn duy trì thói quen mua sắm trực tiếp tại các cửa hàng. Tuy nhiên, sau đợt dịch này, các công ty cung cấp dịch vụ trực tuyến hy vọng một khi người dân bắt đầu hình thành thói quen mua sắm trực tuyến thì cơ hội để ngành này mở rộng thị trường sẽ tiếp tục gia tăng trong tương lai.

Không chỉ mua sắm, một số dịch vụ khác như dạy học trực tuyến cũng tiếp nhận ngày càng nhiều người dùng đăng ký tham gia khi các trường học trên toàn Trung Quốc buộc phải lùi thời gian biểu của kỳ học mùa Xuân do lo ngại dịch bệnh lây lan.

You Xiaoling, một giáo viên cấp 2 tại tỉnh Phúc Kiến và nhiều đồng nghiệp chỉ mới biết đến phương pháp giảng dạy trực tuyến trong đợt dịch bệnh dù rất nhiều học sinh của họ đã biết tới hình thức này từ nhiều năm nay.

Khoảng hơn 20 trang giáo dục trực tuyến đã giới thiệu các khóa học miễn phí cho học sinh từ khi dịch bệnh bùng phát. Trang đào tạo trực tuyến Xueersi cho biết nhiều sinh viên đăng ký tham gia ngay trong ngày 1/1 khi trang này giới thiệu các khóa học trực tuyến miễn phí, thu hút trung bình hơn 2 triệu lượt người xem mỗi lớp.

Không chỉ các giáo viên, các bác sĩ cũng dần quen với hình thức làm việc trực tuyến trong bối cảnh các nguồn lực y tế đều đang thiếu thốn khi bệnh dịch hoành hành. Hàng chục bệnh viện tại tỉnh Sơn Đông và nhiều bệnh viện ở tỉnh Chiết Giang đã mở các dịch vụ tư vấn trực tuyến cho các bệnh nhân có triệu chứng sốt.

Hôm 8/2, Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC) ra chỉ thị tất cả các cơ quan y tế ở các cấp mở dịch vụ tư vấn y tế trực tuyến về cách phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh.

Các nền tảng trực tuyến lớn ở Trung Quốc như Alibaba và ND.com đều đã triển khai các dịch vụ tư vấn trực tuyến miễn phí với sự tham gia của hàng nghìn bác sĩ chuyên nghiệp trên toàn quốc. Trang cung cấp dịch vụ tư vấn y tế của Alibaba thu hút 400.000 lượt ghé thăm chỉ trong 24h sau khi được mở hôm 24/1.

Nhiều người dân nhận thấy việc được chẩn đoán sơ bộ tại nhà rất tiện lợi và dự định sẽ tiếp tục tìm tới các trang tư vấn y tế trực tuyến trong tương lai kể cả khi những trang này có thu phí./.

Xem thêm:

>>Cập nhật tin tức mới nhất về dịch do virus Corona tại đây

>>Dịch do virus Corona: Nguồn cung hàng từ Trung Quốc tới Thái Lan bị ảnh hưởng

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục