Điểm sàn năm 2016: Thuận lợi cho công tác tuyển sinh

20:45' - 28/07/2016
BNEWS Ngày 28/7, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đại học năm 2016 là 15 điểm, áp dụng cho tất cả các khối thi.
Điểm sàn năm 2016: Thuận lợi cho công tác tuyển sinh. Ảnh minh họa: Đinh Tuấn/BNEWS/TTXVN

Theo đánh giá của các chuyên gia và đại diện nhiều trường đại học, mức điểm này không chỉ đảm bảo chất lượng đầu vào mà còn tạo thuận lợi cho các trường tuyển sinh vì nguồn tuyển dồi dào, thí sinh có nhiều hơn cơ hội lựa chọn trường, ngành học của mình.

Nguồn tuyển dồi dào

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga cho biết: Việc xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đại học năm nay dựa vào 3 yếu tố: Thứ nhất là ưu tiên đảm bảo chất lượng. Thứ hai là chỉ tiêu tuyển sinh của các trường. Thứ ba là phương thức xác định các tổ hợp xét tuyển của các trường.

Theo đó, chỉ tiêu hiện nay được xác định dựa trên năng lực đào tạo tối đa của nhà trường. Việc tuyển đủ hay không đủ chỉ tiêu không còn là vấn đề đáng quan tâm như trước đây. Chỉ tiêu để xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào còn phụ thuộc vào phương thức tuyển sinh của các trường.

Hiện có hơn 100 trường tuyển sinh bằng xét học bạ ở phổ thông, tương ứng với khoảng 102.000 thí sinh. Như vậy, còn khoảng 320.000 thí sinh sẽ xét tuyển bằng điểm thi Trung học phổ thông quốc gia 2016.

Do đó, ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đảm bảo được nguồn tuyển cho khoảng 320.000 thí sinh nói trên chứ không phải cho tổng 420.000 theo như chỉ tiêu đăng ký của các trường.

Bên cạnh đó, Hội đồng xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào chỉ xác định chỉ tiêu tương ứng với 5 khối truyền thống, không xác định chỉ tiêu các khối còn lại. Với điểm ngưỡng 15, hệ số dôi dư năm nay là 1,27. Nhưng trên thực tế, số thí sinh dôi dư sẽ lớn hơn vì với mỗi ngành, các trường sẽ xét tuyển với nhiều tổ hợp môn thi. Do đó, nguồn tuyển năm nay chắc chắn dồi dào.

Thứ trưởng Bùi Văn Ga cũng cho biết: Dù Bộ cũng băn khoăn mức điểm này có thể hơi cao so với khối D, nhưng các trường vẫn quyết tâm phải đảm bảo chất lượng chứ không chạy theo chỉ tiêu.

Đại diện nhiều trường đại học cũng khá hài lòng với ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào năm nay. Ông Nguyễn Văn Bảo, Hiệu trưởng Trường Đại học Tây Bắc cho rằng: Điểm ngưỡng 15 là tương đối đẹp để xét tuyển đối với tất cả các trường, nhằm đảm bảo chất lượng đào tạo đại học.

Vì hiện nay, các trường tuyển sinh không chỉ dựa vào điểm thi Trung học phổ thông quốc gia mà còn nhiều phương thức như tổ hợp các môn thi hoặc tuyển bằng học bạ. Hiện nay, học sinh cũng tiếp nhận thông tin đa dạng nên nguyện vọng vào trường nào, ngành nào đều đã xác định trước nên mức điểm trung bình 15 là hợp lý, không nên thấp hơn.

Hiệu trưởng Trường Đại học Thương Mại Đinh Văn Sơn cũng đánh giá: Phổ điểm của kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia cao hơn các kỳ thi theo “ba chung” trước đây nên mức điểm 15 là hợp lý, đã bao gồm điểm tốt nghiệp Trung học phổ thông của học sinh.

Ngưỡng điểm này cũng tạo thuận lợi cho các trường tuyển sinh vì nguồn tuyển dồi dào. Trường Đại học Thương Mại cũng quy định mức điểm sàn từ 15 để nhận thí sinh đăng ký xét tuyển.

Ông Cao Tiến Thắng, Phó Trưởng phòng Đào tạo – Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên chia sẻ: Ngưỡng 15 là mức điểm an toàn cho các trường vì số thí sinh có mức điểm từ 15 trở lên chiếm một tỷ lệ khá lớn. Với Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên, việc nhận đăng ký xét tuyển từ 15 điểm cũng sẽ tương đối thuận lợi để tuyển sinh.

Không chỉ các trường đại học, nhiều thí sinh cũng vui vẻ khi biết điểm ngưỡng năm nay là 15. Em Nguyễn Tùng Lâm (Hưng Yên) cho biết: Em được 16 điểm khối A, lúc đầu cũng hơi lo vì thấy phổ điểm khối A năm nay tương đối cao nhưng giờ điểm em đã trên điểm sàn. Em sẽ cân nhắc kỹ để chọn trường cho phù hợp với mức điểm của mình.

Em Lê Mai Linh (Hà Nội) chia sẻ: Em có tổng điểm thi khối D được 15 điểm, vừa đúng bằng điểm sàn. Với mức điểm này, cơ hội vào các trường đại học của em tuy không nhiều nhưng vẫn còn hy vọng. Em sẽ cố gắng tìm hiểu để chọn trường có tỷ lệ đỗ cao.

Trường tốp trên nâng mức sàn để đảm bảo chất lượng

Với các trường tốp trên, nhằm lựa chọn được các thí sinh khá giỏi, nhiều trường đã nâng mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển cao hơn so với điểm ngưỡng mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra, đồng thời, kèm theo một số tiêu chí phụ.

Cụ thể như Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, điều kiện để nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển đó là, thí sinh đạt đủ điều kiện tham gia tuyển sinh quy định tại Điều 6 của Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy hiện hành và đã đăng ký sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển đại học; không có môn thi nào trong tổ hợp xét tuyển có kết quả từ 1 điểm trở xuống.

Tổng điểm trung bình của các môn học thuộc tổ hợp môn xét tuyển, tính cho 6 học kỳ Trung học phổ thông từ 20 trở lên (Trường sẽ kiểm tra học bạ THPT khi thí sinh trúng tuyển đến nhập học). Tổng điểm ba môn xét tuyển và điểm ưu tiên không thấp hơn 18 (điều kiện này không áp dụng cho các Chương trình đào tạo quốc tế với mã QT21, QT31, QT32 và QT33).

Đối với Trường Đại học Ngoại thương, để được nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển, thí sinh cần đáp ứng đủ các điều kiện như: có điểm trung bình chung học tập của từng năm lớp 10, 11, 12 từ 6,5 trở lên; hạnh kiểm của từng năm học THPT từ khá trở lên (nhà trường sẽ kiểm tra học bạ khi thí sinh nhập học, nếu thí sinh không đảm bảo điều kiện như quy định sẽ bị loại ra khỏi danh sách trúng tuyển).

Tổng điểm 3 môn thi theo tổ hợp môn xét tuyển và điểm ưu tiên đạt từ 18 điểm trở lên, không có môn thi nào trong tổ hợp xét tuyển có kết quả từ 1 điểm trở xuống.

Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cũng đưa ra điều kiện xét tuyển riêng, dự kiến, điểm ba môn thi của tổ hợp môn xét tuyển cao hơn ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo ít nhất 2 điểm.

Tuy nhiên, do điểm thi của thí sinh không cao hơn năm 2015 nên điểm chuẩn trúng tuyển rất có khả năng thấp hơn năm 2015./. 

>>> Chính thức công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đại học 2016

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục