Diễn biến kinh tế 2022-2023: Những khuyến nghị cho doanh nghiệp Việt Nam

16:47' - 15/09/2022
BNEWS Ngày 15/9, đã diễn ra hội thảo "Diễn biến kinh tế 2022-2023: Những khuyến nghị cho doanh nghiệp Việt Nam" do Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao tổ chức ở Tp. Hồ Chí Minh.

Ngày 15/9, tại hội thảo "Diễn biến kinh tế 2022-2023: Những khuyến nghị cho doanh nghiệp Việt Nam" do Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao tổ chức ở Tp. Hồ Chí Minh, các chuyên gia cho rằng, sản phẩm tốt nhất để doanh nghiệp Việt xuất khẩu, kể cả thị trường khu vực và quốc tế là sản phẩm chất lượng tốt của Việt Nam.

 

Theo các chuyên gia, dịch COVID-19 vẫn đang hiện hữu và nguy cơ bùng phát bất cứ lúc nào. Thị trường nội địa phụ thuộc vào yếu tố nước ngoài như du lịch, chuỗi cung cấp, nguồn cung nguyên vật liệu... Bên cạnh đó, nhu cầu và hành vi người tiêu dùng thay đổi dưới tác động của công nghệ, nền tảng thương mại trực tiếp.

Ông Đỗ Hòa - chuyên gia quản trị kinh doanh cho biết, hậu dịch COVID-19, tỷ lệ thất nghiệp và thu nhập cá nhân giảm khiến sức mua thị trường giảm. Người tiêu dùng không muốn và không thể chi trả cao hơn cho hàng hóa. Họ không muốn tăng giá hàng hóa và có xu hướng tìm đến những sản phẩm nội địa thay cho hàng nhập khẩu. Do đó, nhiều nhà bán lẻ chịu áp lực phải tìm kiếm nguồn cung ứng sản phẩm giá rẻ nhằm đảm bảo mức giá bán ra thị trường.

Để chuẩn bị cho giai đoạn tới, ông Đỗ Hòa chỉ rõ, doanh nghiệp cần có chiến lược cạnh tranh bài bản kịp thời theo xu hướng thị trường; trong đó, doanh nghiệp nên có phương án khai thác thị trường khu vực thay thế những thị trường xa và bất ổn do giá nhiên liệu cao.

Đồng thời củng cố năng lực doanh nghiệp đảm bảo cạnh tranh trên sân nhà là yêu cầu cấp thiết hiện nay đối với doanh nghiệp Việt. Cùng đó, tối ưu hóa hoạt động và phát huy nguồn lực doanh nghiệp mới có thể giúp các thương hiệu Việt linh hoạt mô hình kinh doanh phù hợp với diễn biến thị trường trong và ngoài nước.

Tiến sỹ Lê Đăng Doanh nhận định, Việt Nam đã kiểm soát được dịch bệnh, song vẫn cần phòng ngừa tái phát, tái cơ cấu nền kinh tế. Việt Nam đang cố gắng đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 7%/năm, còn Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo có thể đạt 7,5%.

Hiện Việt Nam thực hiện chính sách đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ kinh tế để tránh phụ thuộc vào một đối tác nhưng chưa khai thác triệt để cơ hội mở ra từ các Hiệp định Thương mại tự do (FTA). Do đó, Việt Nam cần nỗ lực hơn nữa trong phát triển doanh nghiệp dân tộc thay vì quá ưu đãi đầu tư nước ngoài như đã diễn ra ở một số địa phương.

Sau hai năm hậu dịch COVID-19 doanh nghiệp đối mặt với nhiều khó khăn tài chính và khát vốn. Tuy Chính phủ có nhiều gói hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động... nhưng thủ tục hành chính còn phiền hà, chồng chéo và giải ngân chậm.

Trước bối cảnh này, các bộ, ngành cần trợ giúp doanh nghiệp để chuyển sang kinh tế số, năng động thích nghi với biến động trong và ngoài nước. Dịch COVID-19 thúc đẩy vận dụng kinh tế số hóa (digital economy) trong kinh tế và xã hội nên không còn là phong trào, mà đã trở thành xu hướng tất yếu.

Về phía doanh nghiệp, kinh tế Việt Nam 2022 đang tiếp tục phục hồi với những triển vọng tươi sáng nhưng những rủi ro thách thức mới cũng xuất hiện. Doanh nghiệp Việt cần chuẩn bị tâm thế sẵn sàng vượt qua thách thức để có thể trụ vững và hoạch định chiến lược phát triển sản xuất kinh doanh của mình./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục