Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ 2018: Những kiến nghị từ các nhà đầu tư nước ngoài

12:12' - 04/07/2018
BNEWS Đại diện các nhà đầu tư, hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam đã bày tỏ những quan điểm, kiến nghị tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ 2018 đang diễn ra tại Hà Nội.
Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ 2018. Ảnh: Thạch Huê/BNEWS/TTXVN 
Trước thực trạng liên kết giữa khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với khu vực doanh nghiệp trong nước cùng tham gia chuỗi giá trị nhưng chưa đạt được như kỳ vọng và sự phát triển của ngành công nghiệp hỗ trợ hay hoạt động chuyển giao công nghệ tại Việt Nam còn ở mức thấp, như lời của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ 2018 đang diễn ra sáng 4/7 tại Hà Nội, đại diện các nhà đầu tư, các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam đã bày tỏ những quan điểm và kiến nghị có liên quan để khắc phục tình hình này.

Từng nhiều lần đặt vấn đề doanh nghiệp tư nhân trong nước luôn "cô đơn" trong dòng chảy phát triển và hội nhập của nền kinh tế; hay các doanh nghiệp FDI đang thực sự là những "ốc đảo", không thể kết nối và hỗ trợ được các doanh nghiệp tư nhân trong nước cùng phát triển, ông Vũ Tiến Lộc, Đồng Chủ tịch VBF và cũng là Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) luôn trăn trở về những giải pháp thực sự căn cơ và hiệu quả để làm sao tạo được cầu nối; tạo môi trường thuận lợi rút ngắn khoảng cách và sự khác biệt về công nghệ, trình độ quản lý, chất lượng nguồn nhân lực... giữa các doanh nghiệp Việt Nam với các doanh nghiệp FDI.

Nhìn vào thực tế, năng lực và chất lượng của các doanh nghiệp sản xuất trong nước còn rất hạn chế, khó đáp ứng các yêu cầu, tiêu chuẩn trong sản xuất và kinh doanh của các đối tác FDI. Đây là điều cần sự tập trung và nỗ lực nhiều hơn nữa để cải thiện và thay đổi, ông Lộc nhấn mạnh.

Cùng chung quan điểm, ông Kim Heung Soo, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc (KOCHAM) tại Việt Nam, thẳng thắn nhận định, thực tế đại đa số các doanh nghiệp địa phương ở Việt Nam vẫn chưa thể sản xuất các sản phẩm phụ trợ đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp FDI. Do đó, Chính phủ Việt Nam và các doanh nghiệp FDI cần nỗ lực để cải thiện tình hình này. Các doanh nghiệp Hàn Quốc đang rất nỗ lực để phát triển ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam và nuôi dưỡng các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Như trường hợp của Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam (SEV), đã có tổng kết về việc đạt được thành tích nâng cao năng suất lên 85% thông qua các chương trình tư vấn cho các doanh nghiệp Việt Nam hợp tác với các công ty cung ứng linh kiện điện tử cho Samsung Việt Nam. Dịch vụ tư vấn của Điện tử Samsung dành cho 26 doanh nghiệp Việt Nam hợp tác với Samsung từ năm 2015 đến năm ngoái, đã giúp cải thiện hiệu suất vận hành thiết bị hơn 30%, giảm tỷ lệ lỗi hơn 20%. Trong năm nay, Điện tử Samsung cũng đang tiến hành tư vấn cho các doanh nghiệp hợp tác và có kế hoạch tăng số lượng doanh nghiệp được tư vấn hàng năm, ông Kim cho biết.

Hay như phát biểu của ông Koji Ito, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI), cho hay, tăng cường quan hệ giữa doanh nghiệp FDI và các doanh nghiệp Việt Nam là yêu cầu hết sức quan trọng để Việt Nam vươn lên nắm giữ những vai trò hàng đầu trong Chuỗi cung ứng toàn cầu.

Vì thế, theo JCCI, một trong những trách nhiệm của Chính phủ là đề ra những quy định để tạo điều kiện cho doanh nghiệp có môi trường hoạt động thông thoáng đến mức tối đa, nhưng vẫn đảm bảo kỷ cương chặt chẽ. Cụ thể là phải làm thế nào để hai phía gồm các doanh nghiệp Việt Nam với tinh thần khởi nghiệp mạnh mẽ và những doanh nghiệp FDI với nguồn vốn, kinh nghiệm làm ăn có thể tăng cường tiếp cận được những nguồn lực về con người, sản phẩm và vốn....

Trong số nhiều quan ngại của các nhà đầu tư tới từ Nhật Bản, vấn đề nợ công của Việt Nam cũng là điều đáng lưu tâm.

Ông Koji Ito nhấn mạnh, nếu Chính phủ quy định chính sách tài khóa quá chặt chẽ, cụ thể là hạn chế quy mô nợ công dưới 65% GDP thì sẽ cản trở việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Trong khi Việt Nam đang rất cần những khoản đầu tư này để bảo đảm tăng trưởng kinh tế trong trung và dài hạn.

Cơ sở hạ tầng lạc hậu sẽ làm giảm sức hút đầu tư của Việt Nam đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Hơn nữa, cũng sẽ làm mất đi cơ hội để kết nối doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp FDI, ông Koji Ito khẳng định.

Từ thực tiễn này, JCCI bày tỏ mong muốn, Chính phủ Việt Nam sớm có biện pháp xử lý căn nguyên của vấn đề và có những giải pháp để tăng cường cải cách cơ cấu ở cả hai chiều thu và chi ngân sách. Cùng với đó, rà soát lại hiệu quả sử dụng nợ công hiện nay. JCCI kỳ vọng Việt Nam sẽ khai thác được những nguồn vốn cần thiết để xây dựng cơ sở hạ tầng. Từ đó, góp phần thắt chặt mối liên kết giữa các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài.

Chính sách thuế và hải quan cũng là những lĩnh vực được các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm và mong đợi những nỗ lực cải thiện hơn nữa từ Chính phủ và 2 bộ, ngành này.

Không chỉ các nhà đầu tư đến từ châu Á, kể cả Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu (EUROCHAM); Hiệp hội doanh nghiệp Hoa Kỳ (AMCHAM); Hiệp hội doanh nghiệp Anh quốc.... đều cho rằng, dù Việt Nam đã có nhiều nỗ lực, nhưng vẫn còn không ít tồn tại trong lĩnh vực thuế, hải quan. Cụ thể như liên quan tới miễn và hoàn thuế hải quan đối với hàng xuất khẩu sản xuất bằng thuê ngoài; tính minh bạch của các báo cáo thuế hay sự chuyên nghiệp của các cán bộ thừa hành trong ngành thuế và hải quan trong việc kiểm toán và thanh tra; những rào cản đến từ hoạt động kiểm tra sau thông quan và các chính sách áp thuế hiện nay...

Ông Nicolas Audier, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu, cho rằng, chính sách thuế là vấn đề cần cải thiện để mời gọi đầu tư nước ngoài và hợp tác quốc tế hơn nữa.

Chẳng hạn, cải cách trong cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt với ngành ô tô có thể giúp cho các đại lý phân phối duy trì việc kinh doanh hiệu quả. Việc rà soát các quy định và áp dụng mức thuế tiêu thụ đặc biệt cao hơn đối với các sản phẩm như rượu vang, rượu mạnh nhập khẩu sẽ gia tăng rủi ro tiêu thụ các sản phẩm bia, rượu bất hợp pháp; đồng thời không kiểm soát được và gây tổn hại tới sức khỏe người tiêu dùng...

Hiện nay, các doanh nghiệp châu Âu quan tâm tới thị trường năng lượng và muốn đầu tư các dự án năng lượng xanh - công nghệ sạch như điện gió, pin năng lượng mặt trời...tại Việt Nam. Các doanh nghiệp châu Âu mong muốn được Chính phủ bảo đảm sự minh bạch và nhất quán trong chính sách thu hút đầu tư; có biện pháp phù hợp và hiệu quả nhằm bảo vệ nhà đầu nước ngoài cũng như tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ.

Với vai trò tư vấn, ông Ousmane Dione, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng, để có thể tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp sản xuất trong nước và các doanh nghiệp FDI, thì các doanh nghiệp sản xuất trong nước cần gia tăng năng lực và sức cạnh tranh để trở thành nhà cung ứng linh kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài; tức là tham gia vào Chuỗi giá trị toàn cầu. Đây cũng là bước đi chủ động để tận dụng cơ hội từ cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0 mang lại./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục