Thúc đẩy liên kết giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài

10:03' - 04/07/2018
BNEWS Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) giữa kỳ 2018 đã chính thức khai mạc vào sáng 4/7, tại Hà Nội.
Khai mạc diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) giữa kỳ 2018. Ảnh: Ngọc Quỳnh

Với chủ đề "Liên kết doanh nghiệp trong nước và nước ngoài hướng tới lợi ích chung", Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) giữa kỳ 2018 đã chính thức khai mạc vào sáng 4/7, tại Hà Nội. Sự kiện do Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Ngân hàng Thế giới (WB); Tổ chức tài chính quốc tế (IFC) và Hội đồng quản trị Liên minh VBF phối hợp tổ chức.

Chương trình nghị sự của diễn đàn gồm có 3 phiên thảo luận, với các báo cáo tập trung vào nhóm các vấn đề như: tiến tới chuỗi giá trị; giải quyết những thách thức về công nghệ và phát triển nguồn lực tài chính phục vụ tăng trưởng bền vững.

Tham luận của các nhóm công tác về đầu tư và thương mại; thuế và hải quan; ô tô - xe máy; nông nghiệp và cụ thể hóa những giải pháp như: hỗ trợ các công ty Việt Nam gia nhập thị trường thế giới; tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp và giải phóng nguồn lực phục vụ phát triển; ổn định thị trường và từng bước phát triển ngành công nghiệp mới và nâng cao năng suất thông qua việc áp dụng khoa học công nghệ và kết hợp với các tiêu chuẩn quốc tế.

Để giải quyết những thách thức về công nghệ, nhóm công tác về giáo dục và đào tạo, về phát triển nguồn nhân lực, y tế và về khoáng sản đặt ra nhiều vấn đề. Cụ thể là, chuẩn bị nguồn nhân lực hiệu quả trước ảnh hưởng của công nghiệp 4.0 và các công nghệ mới; cải thiện năng suất và mở ra cơ hội cho những người bị loại trừ khỏi lực lượng lao động. Đồng thời, hợp tác tiến tới tương lai về y tế, sức khỏe tại Việt Nam - áp dụng giải pháp có lợi đôi bên và đem các giải pháp bền vững, hiệu quả và có trách nhiệm với môi trường vào ngành khai khoáng Việt Nam thông qua công nghệ hiện đại và đào tạo.

Nội dung phiên cuối cùng của diễn đàn là phát triển nguồn lực tài chính phục vụ tăng trưởng bền vững với một số bài tham luận của nhóm công tác ngân hàng, nhóm công tác thị trường vốn và tiểu nhóm công tác điện - năng lượng bàn. Đó là về cung cấp tín dụng và dịch vụ tài chính tốt phục vụ nhu cầu của thị trường; hỗ trợ phát triển nguồn vốn cho tăng trưởng và cung cấp năng lượng để phát triển và tạo ra một thị trường nội địa mới.

Khai mạc Diễn đàn VBF giữa kỳ 2018, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu Tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, năm 2018 là năm kỷ niệm 30 năm thu hút và quản lý đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Đồng thời nhìn lại những thành tựu đã đạt được và nỗ lực của cả hệ thống chính trị, các cơ quan trong bộ máy nhà nước từ Trung ương đến địa phương và của cả cộng đồng doanh nghiệp, việc liên tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; trong đó, 21 năm có sự đồng hành của Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam.

Thời gian qua, đã có nhiều văn bản quy phạm pháp luật được ban hành, nhiều chính sách được cập nhật kịp thời, bổ sung cho phù hợp, nhiều khó khăn vướng mắc trong quá trình thực thi đã được tháo gỡ và xử lý thuận lợi. Từ đó, tạo ra môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, góp phần thu hút ngày càng nhiều nguồn lực cho đầu tư phát triển.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng ghi nhận, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam bao gồm: doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đã ngày càng trưởng thành, lớn lên cùng đất nước, đông thêm về số lượng, mạnh lên về tiềm lực. Đồng thời, là động lực quan trọng góp phần đưa nền kinh tế Việt Nam trong thời gian qua liên tục tăng trưởng ở mức cao. GDP năm 2017 đạt 220 tỷ USD tăng gấp 8 lần so với năm 1997, phấn đấu đến 2020 GDP đạt khoảng 300 tỷ USD.

Để có được những thành tựu nói trên không thể không nhắc đến sự đóng góp của khu vực doanh nghiệp FDI. Đến nay, đã có 128 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam với khoảng 26.000 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký trên 326 tỷ USD và tổng vốn thực hiện đạt trên 180 tỷ USD.

Khu vực FDI ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam, đóng góp khoảng 25% tổng vốn đầu tư toàn xã hội và khoảng 20% GDP; trong đó, 58% vốn FDI tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo và tạo ra 50% giá trị sản xuất công nghiệp, đóng góp 72,6% tổng kim ngạch xuất khẩu, tạo công ăn việc làm cho 3,6 triệu lao động trực tiếp và cho từ 5-6 triệu lao động gián tiếp.

"Mặc dù, khu vực đầu tư nước ngoài đã có những hiệu ứng lan tỏa đối với các lĩnh vực của nền kinh tế, thông qua việc tiếp cận công nghệ tiên tiến và chuẩn mực quốc tế trong quản trị doanh nghiệp, phát triển kỹ năng của lực lượng lao động… nhưng, sự liên kết giữa khu vực FDI với khu vực doanh nghiệp trong nước cùng tham gia chuỗi giá trị chưa đạt như kỳ vọng. Việc phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ và hoạt động chuyển giao công nghệ còn ở mức thấp.", Bộ trưởng Dũng bày tỏ.

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang phục hồi, xu hướng đổi mới công nghệ, mối quan tâm của xã hội và toàn cầu hóa là những động lực cho sự phát triển của doanh nghiệp trong kỷ nguyên cách mạng công nghiệp 4.0, tự động hóa và trí tuệ nhân tạo,… Đồng thời, cũng là cơ sở cho những thay đổi về tư duy quản lý của Chính phủ nhằm tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, khơi nguồn sáng tạo và mang tính cạnh tranh…

Đại diện Hội đồng quản trị Liên minh VBF, ông Vũ Tiến Lộc, đồng Chủ tịch VBF, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, Việt Nam đã có thêm những những bước đi quan trọng hướng tới tự do hóa thương mại, mở cửa nền kinh tế thông qua việc Chính phủ ký Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); hoàn tất rà soát pháp lý Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA); triển khai thực thi Hiệp định Tạo thuận lợi thương mại của WTO.

Cùng với 10 hiệp định thương mại tự do (FTA) khác mà Việt Nam đã ký đang được triển khai ổn định, đây là các cánh cửa quan trọng cho phép Việt Nam tiếp cận ổn định và thuận lợi ở một loạt các thị trường quan trọng với Việt Nam cũng như tiếp tục cải thiện mạnh mẽ thể chế kinh tế. Cùng đó, xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, ổn định, bền vững và hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư trong nước, nước ngoài.

"Tác động cộng hưởng của những nỗ lực cải cách và mở cửa mang lại niềm tin mới cho cộng đồng doanh nghiệp và diện mạo mới cho môi trường đầu tư kinh doanh ở Việt Nam. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều quan ngại.", ông Lộc nhấn mạnh.

Những căng thẳng thương mại có thể tiếp tục gia tăng, đặc biệt khi các tuyên bố bảo hộ hay trả đũa của các nền kinh tế lớn được hiện thực hóa sẽ gây ra những chuyển động bất thường, khó nắm bắt cho kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.

Ngoài ra, đó có thể là những thị trường đột nhiên bị bỏ trống, tạo cơ hội cạnh tranh mới cho hàng hóa Việt Nam. Nhưng đó cũng có thể là luồng thương mại dịch chuyển sang các thị trường thay thế, khiến cạnh tranh phức tạp hơn, ở các thị trường khác và trên thị trường Việt Nam.

Cùng với đó, sự chuyển dịch của dòng đầu tư có thể ảnh hưởng cả tiêu cực lẫn tích cực đến các nền kinh tế có độ mở cao như Việt Nam. Thêm nữa, nguồn cung, cầu trên thế giới có thể diễn biến phức tạp. Thị trường vốn, tiền tệ, chứng khoán cũng có thể có nguy cơ bất ổn...

Từ góc độ xuất khẩu, mặc dù kim ngạch không giảm nhưng tỷ lệ tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam đang giảm dần qua các tháng. Hàng hóa xuất khẩu Việt Nam, đặc biệt là thủy sản, cũng gặp một số trở ngại mới ở các thị trường lớn. Hoa Kỳ gia tăng biện pháp thuế chống bán phá giá với cá tra, basa, thực thi các biện pháp kiểm soát chất lượng, quy trình sản xuất thủy sản nhập khẩu.

Liên minh châu Âu áp dụng thẻ vàng, kiểm tra với tần suất 100% các lô hàng, đối với hải sản Việt Nam. Những tín hiệu này thực đáng quan tâm và có giải pháp kịp thời để xử lý, trước khi những diễn biến xấu hơn có thể sắp diễn ra, ông Lộc cảnh báo./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục