Xây dựng chợ số riêng cho hợp tác xã

14:38' - 10/01/2025
BNEWS Đang là thời gian cao điểm mùa Tết 2025 nên các hợp tác xã đẩy mạnh xúc tiến thương mại, sản xuất cũng như lên kế hoạch vận chuyển… để kịp thời đưa hàng hóa đến người tiêu dùng, nhà phân phối.

Đặc biệt, khi chuyển đổi số là con đường duy nhất để tồn tại và phát triển, nhiều hợp tác xã đã nhanh chóng ứng dụng thương mại điện tử nhằm biến thách thức thành cơ hội và mở rộng tệp khách hàng Tuy nhiên, bên cạnh những mô hình thành công vẫn còn hợp tác xã loay hoay gặp khó. Bởi vậy, những giải pháp hỗ trợ hiệu quả sẽ tạo sức bật để hợp tác xã hòa nhịp và phát triển bền vững trong môi trường số.

 

Cận kề Tết Nguyên đán Ất Tỵ, nhiều hợp tác xã đang tập trung sản xuất những sản phẩm đặc trưng vùng miền, sản phẩm truyền thống và đều là những mặt hàng được người tiêu dùng ưa chuộng vào dịp lễ Tết. Cụ thể như nấm hương, mộc nhĩ, miến dong, măng khô, lạp sườn bánh chưng…nên cơ hội tiêu thụ sản phẩm dịp nàytăng cao.

Để bắt nhịp với xu thế chuyển đổi số, bên cạnh việc ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, các hợp tác xã đã tận dụng sàn thương mại điện tử như Lazada, Shopee, Tiki, Sendo… cùng mạng xã hội như YouTube, Facebook, Zalo để quảng bá, tìm kiếm thị trường. Qua đó, quá trình tiêu thụ và áp dụng hình thức này đối với hợp tác xã khá thuận lợi.

Nắm bắt được nhu cầu thị trường, Hợp tác xã đầu tư sinh thái Việt (Thái Nguyên) đang đẩy mạnh cung ứng mặt hàng ăn vặt như ô mai các loại, chè, cơm cháy… theo hình thức bán buôn cho gần 20 chuỗi cửa hàng trong nước và xuất khẩu sang một số thị trường như Nhật Bản, Dubai, Mỹ, Hàn Quốc, Đức, Cộng hòa Séc. Đặc biệt để đáp ứng nhu cầu dịp Tết và mùa lễ cuối năm, hợp tác xã đã đẩy mạnh sản xuất lên hơn 300 sản phẩm, đủ loại mẫu mã kèm ứng dụng hình thức bán hàng online để tiếp cận thêm lượng khách trong nước và quốc tế.

Tương tự, tại cơ sở sản xuất thực phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) thịt, lạp sườn treo gác bếp của cơ sở La Thị Tám ở tổ 1, phường Sông Cầu (thành phố Bắc Kạn) đang tăng tốc sản xuất để kịp trả hàng cho khách đón Tết Nguyên đán.

Chị La Thị Tám cho biết: Nắm bắt xu thế này, cơ sở đã tăng cường sản xuất các mặt hàng sẵn sàng cung cấp cho thị trường và tuyển thêm lao động thời vụ. Ngoài ra, cơ sở cũng mở rộng kênh bán hàng, tích cực áp dụng phương thức bán hàng trực tuyến nên đơn hàng tăng hơn nhiều so với trước đây. Bởi vậy, nhằm đáp ứng đơn hàng, trung bình mỗi ngày cơ sở sử dụng trên 3 tạ nguyên liệu để chế biến làm lạp sườn, thịt ba chỉ hun khói, chân giò hầm, khâu nhục…

Theo ông Lê Minh Trung, Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Minh Trung Tây Ninh, người miền Bắc chỉ sử dụng quả mãng cầu để ăn tươi nhưng người miền Trung, nhất là người miền Nam rất ưa chuộng loại quả này vì còn dùng để thờ cúng vào dịp cuối năm. Hiện tại, kênh tiêu thụ chủ lực của hợp tác xã bởi hầu như các đơn trong ngày đều đến từ việc chốt đơn online. Dự kiến từ nay đến sát Tết, hợp tác xã phải hoạt động hết công suất để thu hoạch, đóng gói, lên đơn, vận chuyển mãng cầu đi các địa phương.

Chia sẻ thành công, anh Lê Minh Trung cho hay: Hợp tác xã đã chú trọng đầu tư nguồn nhân lực trẻ trong lĩnh vực công nghệ, marketing để có kế hoạch rõ ràng trong bán hàng và ứng dụng thương mại điện tử. Hiện nay, nguồn nhân lực của hợp tác xã hầu hết là thế hệ rất trẻ và năng động, tạo thuận lợi cho hợp tác xã ứng dụng thương mại điện tử.

Theo các chuyên gia, Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển thương mại điện tử trung bình 25%/năm, thuộc top đầu ở khu vực ASEAN. Như vậy những hợp tác xã nào đã và đang ứng dụng thành công và hiệu quả thương mại điện tử sẽ không chỉ mở ra cơ hội lớn trong tiêu thụ hàng hóa, tiếp cận khách hàng mà còn giúp gia tăng giá trị sản xuất cho sản phẩm nông nghiệp. Tuy nhiên, hợp tác xã không nắm bắt cơ hội phát triển thương mại điện tử ở từng thời điểm sẽ khó vươn mình trong kỷ nguyên số.

Thực tế cho thấy, nhiều hợp tác xã dù đã đưa nông sản lên các kênh thương mại điện tử nhưng một số trang web, kênh thương mại điện tử của tỉnh thành, địa phương lập ra hoạt động chưa đúng với chức năng của một sàn giao dịch điện tử chuyên nghiệp. Ngoài ra, người bán chỉ đăng tải thông tin sản phẩm, không có sự tương tác, giao dịch bán hàng do chưa có sự liên kết với đơn vị vận chuyển, ngân hàng trong giao dịch thanh toán. Điều này khiến hợp tác xã không xác định được rõ chi phí giao hàng, thời gian giao hàng. Không những thế, phần lớn là do quy mô sản xuất còn nhỏ nên hợp tác xã không đủ nguồn lực để theo kịp với tiến bộ công nghệ. Điều này khiến hợp tác xã ngần ngại khi tham gia bán hàng online.

Bà Nguyễn Thị Bích Thảo, Giám đốc Hợp tác xã Nấm đông trùng hạ thảo Quảng Nam cho biết: Là đơn vị sở hữu sản phẩm Đông trùng hạ thảo đạt chứng nhận OCOP 3 sao nên hợp tác xã đã tiếp cận sàn thương mại điện tử để tiêu thụ. Tuy nhiên, việc kinh doanh trên sàn thương mại điện tử không hề dễ dàng bởi quy trình kiểm soát sản phẩm chưa rõ nên hàng thật hàng giả lẫn lộn khó lựa chọn đối tác kinh doanh.

Còn theo ông Nghiêm Xuân Dưng, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ, dịch vụ Hòa Phát (Đắk Nông) chia sẻ, sầu riêng mặc dù là sản phẩm thế mạnh của hợp tác xã nhưng khi đưa lên sàn thương mại điện tử lại gặp rất nhiều khó khăn. Bởi, đây là mặt hàng không thể để tồn kho mà cần tiêu thụ sớm. Thế nhưng, do nguồn vốn hạn hẹp nên hợp tác xã chưa thể đầu tư công nghệ cấp đông, chế biến. Hơn nữa, hợp tác xã cũng chưa liên kết được với doanh nghiệp khiến việc bán hàng online mới chỉ dừng lại là một kênh trưng bày, giới thiệu, quảng bá sản phẩm, phục vụ khách tìm hiểu về sản phẩm cũng như so sánh giá cả.

Từ thực tiễn này, các chuyên gia đã chỉ ra rằng: Hiện tại vẫn còn không ít khó khăn nội tại cần tháo gỡ trong việc thúc đẩy đưa sản phẩm của hợp tác xã lên môi trường số. Bởi, phần lớn hợp tác xã có quy mô vừa và nhỏ, liên kết theo chuỗi giá trị nhưng chỉ dừng lại ở một số khâu, chưa có tính đồng bộ. Ngoài ra, chất lượng nguồn nhân lực và trình độ công nghệ thông tin của hợp tác xã còn nhiều hạn chế.

Để tăng cường hiệu quả hoạt động thương mại điện tử, thời gian tới, các địa phương cần tiếp tục áp dụng chuyển đổi số trong quá trình vận hành hợp tác xã. Điều này bao gồm việc minh bạch hóa sản xuất, nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm nhằm tạo niềm tin và uy tín cho hợp tác xã. Bên cạnh đó, đào tạo nguồn nhân lực để thực hiện chuyển đổi số đồng bộ và hiệu quả.

Mặt khác, tăng cường tuyên truyền, đào tạo kỹ năng để hợp tác xã có thể tham gia khai thác ứng dụng thương mại điện tử, hỗ trợ giao dịch điện tử và tích hợp thanh toán điện tử. Đồng thời, chú trọng phát triển tiện ích thông minh trên nền tảng di động giúp tiêu thụ sản phẩm tốt hơn, nâng cao hiệu quả sản xuất và thúc đẩy phát triển kinh tế số cho hợp tác xã.

Đại diện Liên minh Hợp tác xã thành phố Hà Nội cho biết: Từ đầu năm đến nay, Liên minh Hợp tác xã thành phố Hà Nội đã kết hợp với các ngành hữu quan, doanh nghiệp tổ chức nhiều lớp đào tạo hỗ trợ hợp tác xã livestream, bán hàng qua sàn thương mại điện tử. Thời gian tới, Liên minh Hợp tác xã Hà Nội sẽ tiếp tục tìm kiếm, kết nối với cơ quan, đơn vị hỗ trợ hợp tác xã ứng dụng công nghệ số để phát triển bền vững.

Bà Nguyễn Thị Hoài Linh, Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cho rằng: Nhằm tăng hiệu quả tiêu thụ trên môi trường số, các địa phương cần tổ chức thường xuyên lớp tập huấn nâng cao kỹ năng chuyển đổi số cho khu vực hợp tác xã. Đồng thời, mỗi địa phương nên xây dựng chợ số riêng quảng bá giúp sản phẩm của hợp tác xã đến gần hơn với người tiêu dùng trong nước và từng bước vươn ra quốc tế.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục