Diễn đàn Thượng đỉnh kinh doanh GMS: Kết nối để phát triển

11:26' - 30/03/2018
BNEWS Đây cũng là dịp để lãnh đạo các nước GMS, các tổ chức quốc tế và khu vực, các đối tác phát triển, giới doanh nghiệp và học giả chia sẻ quan điểm về các vấn đề phát triển then chốt của khu vực GMS...
Các đại biểu dự phiên họp. Ảnh: TTXVN

Trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh hợp tác Tiểu vùng Mekong mở rộng lần thứ 6 (GMS6) và Hội nghị cấp cao hợp tác khu vực tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam lần thứ 10 (CLV10), sáng ngày 30/3, phiên họp mở rộng của Hội đồng kinh doanh GMS đã chính thức được khai mạc.

Sự kiện nằm trong chương trình Diễn đàn Thượng đỉnh Kinh doanh GMS, với sự tham gia của lãnh đạo các tổ chức và các định chế tài chính quốc tế như Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng Thế giới (WB), ASEAN, AIIB... cùng đại diện các đối tác phát triển đa phương và song phương, đại diện doanh nghiệp các nước GMS và ngoài khu vực.

Sự kiện được tổ chức theo mô hình của Diễn đàn Kinh tế thế giới tại Davos. Chủ đề chính của phiên họp sẽ tập trung thảo luận về triển vọng kinh tế GMS và các động lực kinh tế mới. Qua đó, sẽ giới thiệu ứng dụng kết nối doanh nghiệp GMS; các mô hình kinh doanh mới, quan điểm của phụ nữ khởi nghiệp và những nhà khởi nghiệp trẻ đến từ các quốc gia GMS. Phiên họp cũng bàn về kế hoạch chiến lược phát triển khu vực kinh tế tư nhân.

Đây cũng là dịp để lãnh đạo các nước GMS, các tổ chức quốc tế và khu vực, các đối tác phát triển, giới doanh nghiệp và học giả chia sẻ quan điểm về các vấn đề phát triển then chốt của khu vực GMS cũng như thảo luận về biện pháp tăng cường hợp tác giữa các bên liên quan.

 Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam Nguyễn Chí Dũng phát biểu. Ảnh: TTXVN

Phát biểu tại diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, GMS đã trải qua chặng đường 25 năm hợp tác và phát triển. Với những nét tương đồng về văn hóa đã gắn bó các nước sông Mekong suốt chiều dài lịch sử, tạo cơ sở đưa sự hợp tác về kinh tế trở thành bước phát triển tất yếu của các quốc gia khu vực sông Mekong.

Đặc biệt, gần đây, kinh tế thế giới và khu vực có nhiều chuyển biến sâu sắc, các quốc gia phải gắn kết chặt chẽ để cùng phát triển. Trong bối cảnh đó, Chương trình hợp tác GMS đóng vai trò vô cùng quan trọng và ngày càng có ý nghĩa đối với sự phát triển và thịnh vượng của mỗi quốc gia cũng như của toàn khu vực. Đúng như tầm nhìn hợp tác đã đề ra, đó là “thịnh vượng, hội nhập và hài hòa" trên cơ sở trụ cột “3 C” là Kết nối (Connectivity), Cạnh tranh (Competitiveness) và Cộng đồng (Community)”.

Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh, trách nhiệm của các doanh nghiệp trong cộng đồng GMS chính là việc tạo ra các giá trị mới để đóng góp cho tăng trưởng không chỉ của một quốc gia, mà còn cả các quốc gia trong khu vực. Doanh nghiệp GMS cần tiếp tục hợp tác, gắn kết với nhau, giữa các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp vừa và nhỏ để tận dụng được các cơ hội hiện có, bổ sung, hỗ trợ cho nhau cùng phát triển, tạo ra nhóm các doanh nghiệp có lợi thế cạnh tranh, từng bước tham gia thị trường và các chuỗi giá trị toàn cầu.

Cũng tại diễn đàn, ông Oudet Souvannavong, Chủ tịch Hội đồng Kinh doanh GMS, Chủ tịch Phòng Công nghiệp và Thương mại Lào, nhận định, cộng đồng doanh nghiệp GMS đang phải đối mặt với những cơ hội và thách thức lớn hơn từ việc hội nhập kinh tế. Nổi lên là sự phát triển của công nghệ mới và các mô hình kinh doanh mới, hay còn gọi là "Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0".

Bên cạnh đó, tự do hóa thương mại cũng đang đẩy nhanh sự phát triển của công nghệ mới với lợi thế của nền kinh tế kỹ thuật số. Qua đó, tạo nên xu hướng cạnh tranh mới và sự gia tăng các giá trị mới cho khách hàng. Vì thế, việc các doanh nghiệp GMS cần kết nối lại; đặc biệt các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ để nhanh chóng cập nhật các công nghệ mới, các mô hình thị trường mới để đáp ứng các cơ hội thị trường mới, qua đó, nhằm gia tăng sức cạnh tranh, tiếp cận các chuỗi giá trị của khu vực và toàn cầu.

 Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc phát biểu khai mạc. Ảnh: TTXVN

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhấn mạnh đến những thách thức của khu vực. Thách thức lớn nhất của các nền kinh tế GMS là chất lượng thể chế và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp; cũng như phải làm sao để vươn tới các chuẩn mực quốc tế và kết nối vào các chuỗi cung ứng toàn cầu.

"Tinh thần khởi nghiệp chính là động lực của sự phát triển trong khu vực GMS vào thời gian tới đây; trong đó, đặc biệt là sự phát triển của khu vực doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ; cùng với đó là khu vực doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ..." ông Lộc nhấn mạnh./.

>>>Hội nghị GMS6 và CLV10: Khai mạc Phiên họp mở rộng Hội đồng Kinh doanh GMS

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục