Điện hạt nhân: Từ nhận thức đến… tất yếu!

05:30' - 24/12/2024
BNEWS Tình trạng biến đổi khí hậu buộc các quốc gia phải cân nhắc áp dụng các giải pháp năng lượng thay thế khi thế giới ngày càng nhận thức rõ hơn về nhiên liệu hóa thạch và tác động của chúng đến khí hậu.

Thế giới bị ám ảnh sau sự cố nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi của Nhật Bản hồi năm 2011, cho dù nguyên nhân là do thảm họa kép động đất-sóng thần. Tuy nhiên, sau rất nhiều cân nhắc, tính toán thận trọng về nguy cơ rò rỉ phóng xạ, ngày càng nhiều nước theo đuổi chiến lược điện hạt nhân an toàn để đáp ứng nhu cầu về điện, đồng thời đảm bảo mục tiêu an ninh năng lượng và hướng tới năng lượng xanh. Việc tiếp tục nghiên cứu phát triển nhà máy điện hạt nhân an toàn tưởng chừng chỉ là sự thay đổi nhận thức, nhưng thực tế đã trở thành một xu hướng tất yếu.

Đáp ứng nhu cầu thiết yếu

Trên thực tế, việc hướng đến sử dụng lò phản ứng hạt nhân module nhỏ (SMR) để sản xuất điện đã được nhiều nước theo đuổi từ lâu. Theo Philippine Daily Inquirer, các SMR đầu tiên trên thế giới đã bắt đầu cung cấp điện cho một thị trấn ven biển ở Nga từ năm 2019, củng cố tiềm năng sử dụng của chúng trong các lưới điện nhỏ tại các thị trường bị chia cắt về mặt địa lý, chẳng hạn như Philippines. Theo Hiệp hội Hạt nhân Thế giới (WNA), nhà máy điện hạt nhân nổi Akademik Lomonosov- được lắp đặt hai SMR với tổng công suất 64 megawatt- đã cung cấp điện sạch và nhiệt rất cần thiết cho cộng đồng Bắc Cực xa xôi của thị trấn Pevek ở Viễn Đông Nga thời điểm đó. Dự án của công ty nhà nước Rosatom State Atomic Energy Corp. đã thay thế một nhà máy điện hạt nhân cũ cũng như một nhà máy điện chạy bằng than và cung cấp điện cho ít nhất 50.000 người trong khu vực. Để kỷ niệm sự kiện này, điện từ cơ sở mới đã được sử dụng để thắp sáng đèn cây thông Noel trong thị trấn.

 

Một thông tin khác ít được để ý hơn là từ tháng 11/2017, Rosatom đã ký với Bộ Năng lượng Philippines một biên bản ghi nhớ hợp tác. Theo đó, biên bản này cho phép Philippines đưa ra các chính sách quốc gia để phát triển các hoạt động sản xuất điện an toàn và bảo mật thông qua năng lượng hạt nhân, cụ thể là nghiên cứu tính khả thi của việc xây dựng các SMR trên bờ hoặc ngoài khơi tại quốc gia này. Thứ trưởng Bộ Năng lượng Sharon Garin hồi đầu năm nay cho biết Philippines sẽ có nhà máy điện hạt nhân "đầu tiên" đi vào hoạt động vào năm 2032.

Trong một cuộc trưng cầu dân ý năm 2017, Thụy Sĩ đã thông qua việc loại bỏ dần điện hạt nhân bằng cách cấm xây dựng các nhà máy điện mới. Luật đó là kết quả của một quá trình dài được khởi xướng sau thảm họa hạt nhân Fukushima năm 2011 ở Nhật Bản. Tuy nhiên, Bộ trưởng Năng lượng Albert Rosti mới đây đánh giá "kể từ năm 2017, tình hình trên thị trường điện đã thay đổi hoàn toàn".

Theo hãng tin AFP, trước trận động đất và sóng thần năm 2011 khiến khoảng 18.000 người thiệt mạng, năng lượng hạt nhân tạo ra khoảng một phần ba lượng điện của Nhật Bản, trong khi nhiên liệu hóa thạch đóng góp phần lớn lượng điện còn lại. Tất cả 54 lò phản ứng của Nhật Bản đã bị đóng cửa sau đó, bao gồm cả những lò phản ứng tại Nhà máy điện hạt nhân lớn, hiện đại Kashiwazaki-Kariwa. Để duy trì hoạt động, quốc gia nghèo tài nguyên này đã phải tăng nhập khẩu khí đốt tự nhiên, than và dầu, đồng thời gia tăng khai thác năng lượng Mặt trời. Nhưng nhiên liệu hóa thạch rất đắt đỏ, với lượng nhập khẩu năm ngoái khiến Nhật Bản tốn khoảng 510 triệu USD/ngày. Nó cũng không giúp Nhật Bản đạt được các cam kết về khí hậu. Và Nhật Bản đã có kế hoạch chuyển sang điện hạt nhân để từ bỏ than đá và hơn thế nữa.

Trở thành lựa chọn tất yếu

Tình trạng biến đổi khí hậu buộc các quốc gia phải cân nhắc áp dụng các giải pháp năng lượng thay thế khi thế giới ngày càng nhận thức rõ hơn về nhiên liệu hóa thạch và tác động của chúng đến khí hậu. Nhu cầu năng lượng để phục vụ “cuộc cách mạng” trí tuệ nhân tạo (AI) cũng thúc đẩy sự tìm kiếm nguồn năng lượng tái tạo. Mục đích cao cả đó khiến việc sử dụng điện hạt nhân trở thành một lựa chọn tất yếu.

Mới đây, Anh đã đóng cửa nhà máy điện than cuối cùng của mình. Italy, Pháp và Đức cũng có kế hoạch như vậy. Trong khi đó, AFP cho biết Thụy Sĩ đã sẵn sàng xây dựng các nhà máy điện hạt nhân mới trong dài hạn, do những bất ổn địa chính trị mới, các mục tiêu về khí hậu và sự gia tăng dân số thúc đẩy nhu cầu về điện. Năm ngoái, cử tri đã ủng hộ một dự luật khí hậu mới nhằm đưa đất nước hướng tới mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050. Chính vì vậy, Chính phủ Thụy Sĩ nhìn nhận điện hạt nhân mới "không phải là một lựa chọn" trong ngắn hạn hay trung hạn mà là tất yếu.

Tại châu Phi, Nam Phi hiện là quốc gia duy nhất có chương trình hạt nhân dân sự, với hai lò phản ứng đã hoạt động trong hơn 30 năm. Năm ngoái, Rwanda đã ký một thỏa thuận với một công ty khởi nghiệp Canada-Đức để xây dựng một lò phản ứng hạt nhân "thử nghiệm". Mục đích cũng là nhằm giảm việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch.

Hồi tháng 8/2024, Kenya cho biết đã đặt mục tiêu xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên vào năm 2034, trong khi một lò phản ứng nghiên cứu sẽ được đưa vào sử dụng vào đầu những năm 2030. Thủ tướng Musalia Mudavadi thông báo dự án này nhằm mục đích tăng công suất năng lượng của Kenya, giảm lượng khí thải CO2 và tạo ra các cơ hội việc làm mới. Kenya cam kết dẫn đầu về năng lượng sạch và quốc gia Đông Phi này hiện đang tạo ra khoảng 90% năng lượng từ các nguồn tái tạo, chủ yếu là địa nhiệt nhưng cũng có cả thủy điện, gió và năng lượng Mặt trời. Tổng thống William Ruto cho biết Kenya có tiềm năng nâng con số đó lên 100% vào năm 2030 và công nghệ hạt nhân đang được thúc đẩy như một phần của chiến lược năng lượng bền vững.

Đầu tháng 9/2024, Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE) giàu dầu mỏ công bố đã hoàn thành nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của thế giới Arab, gọi đây là "bước tiến quan trọng trên hành trình hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0". Theo Tập đoàn năng lượng hạt nhân Emirates (ENEC) thuộc sở hữu nhà nước, nhà máy điện hạt nhân Barakah của Abu Dhabi sẽ sản xuất 40 terawatt/giờ điện hằng năm sau khi lò phản ứng thứ tư và cũng là lò phản ứng cuối cùng của nhà máy đi vào hoạt động thương mại. Theo Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế, nhà máy "sẽ phải tháo dỡ khi hết vòng đời hữu ích, trong khoảng 60-80 năm nữa".

Hãng tin AFP cuối tháng 8/2024 cho biết Trung Quốc đã phê duyệt 11 lò phản ứng hạt nhân tại 5 địa điểm khi nước này tiếp tục nỗ lực chống lại tình trạng phát thải ngày càng tăng từ nhiên liệu hóa thạch. Theo Hiệp hội Hạt nhân Thế giới, Trung Quốc hiện có 56 lò phản ứng đang hoạt động, chiếm khoảng 5% tổng sản lượng điện trong nước. Các lò phản ứng mới sẽ được phân bổ trên khắp các tỉnh Giang Tô, Quảng Đông, Sơn Đông, Chiết Giang và Quảng Tây.

Trong khi đó vào tháng 5/2024, Nga và Uzbekistan đã ký thỏa thuận để Moskva xây dựng một nhà máy điện hạt nhân nhỏ tại quốc gia Trung Á này, theo đó sẽ xây dựng 6 lò phản ứng với tổng công suất 330 megawatt. Nếu thỏa thuận được thực hiện, đây sẽ là nhà máy điện hạt nhân nhỏ đầu tiên ở Trung Á.

Trở lại với Nhật Bản, nước này đặt mục tiêu năng lượng hạt nhân chiếm 20-22% điện năng vào năm 2030, tăng từ mức dưới 10% hiện nay. Từ cuối năm 2022, Nhật Bản đã quyết định đẩy nhanh việc khởi động lại lò phản ứng và kéo dài thời gian hoạt động của các lò phản ứng hạt nhân từ 40 năm lên 60 năm. Nhật Bản đã quay trở lại với năng lượng hạt nhân để cắt giảm khí thải, giảm nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch đắt đỏ và đáp ứng nhu cầu năng lượng cho các trung tâm dữ liệu AI. Phát biểu với báo giới hồi tháng 10 vừa qua, người phát ngôn chính phủ Yoshimasa Hayashi nói: "Năng lượng hạt nhân, cùng với năng lượng tái tạo, là nguồn năng lượng trung hòa cacbon quan trọng và chính sách của chúng tôi là tận dụng tối đa nguồn năng lượng này với điều kiện đảm bảo an toàn".

Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế đã thông báo rằng Mỹ và Nhật Bản đã hợp tác để thúc đẩy phát triển năng lượng nhiệt hạch khi Nhật Bản đang khôi phục các nhà máy điện hạt nhân cũ để đáp ứng nhu cầu năng lượng của mình.

Philippines cũng đang trải qua những diễn biến tương tự khi nước này nhận được nhiều khoản đầu tư năng lượng hạt nhân hơn từ Mỹ và các nước khác. Thận trọng hơn, Singapore đang khám phá các con đường năng lượng khác nhau, nhưng điện hạt nhân đã được tính đến. Tháng 7/2024, Singapore ký thỏa thuận với Mỹ để hiểu sâu hơn về lò phản ứng hạt nhân an toàn. Trọng tâm trong những nỗ lực của Singapore là hướng tới tương lai năng lượng bền vững và sạch, và người dân cuối cùng sẽ chấp nhận ý tưởng về nhà máy điện hạt nhân như một phần thiết yếu của chiến lược năng lượng.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục