Điện lực miền Trung đầu tư hơn 7.300 tỷ đồng xây dựng lưới điện

16:50' - 29/03/2019
BNEWS Tổng công ty Điện lực miền Trung (EVN CPC) cho biết, năm nay, Tổng công ty có kế hoạch đầu tư hơn 7.323 tỷ đồng xây dựng lưới điện ở khu vực các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên.
Kiểm tra tình trạng vận hành máy biến áp. Ảnh: Mai Phương/BNEWS/TTXVN

Trong đó, vốn ngân sách là 215,6 tỷ đồng, vốn tự có hơn 3.153 tỷ đồng, vốn vay nước ngoài hơn 998,3 tỷ đồng, còn lại là vốn vay thương mại.

Với nguồn vốn này, trong tháng 6/2019, Tổng công ty sẽ hoàn thành đưa vào vận hành giai đoạn 1 Nhà máy điện mặt trời Điện lực miền Trung, tỉnh Khánh Hòa (công suất 10 MW) và toàn bộ nhà máy (tổng công suất 50 MW) trong tháng 8/2019; hoàn thành giai đoạn 2 trong quý 1 này và giai đoạn 3 trong quý 2/2019 Dự án Năng lượng mặt trời áp mái.

Bên cạnh khởi công và đóng điện 51 công trình lưới điện 110kV, trong năm, EVN CPC còn khởi công 3 tiểu dự án Lưới điện phân phối vay vốn Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW) ở Thừa Thiên-Huế, Gia Lai và Kon Tum; khởi công dự án cấp điện bằng cáp ngầm xuyên biển cho đảo Nhơn Châu, tỉnh Bình Định; khởi công tiểu dự án vay vốn Cơ quan Hợp tác Quốc Tế Nhật Bản (JICA) ở Đà Nẵng (quận Sơn Trà) và hoàn thành 3 tiểu dự án vay vốn JICA ở Phú Yên, Đắk Lắk và Đà Nẵng.

Với mục tiêu hoàn thành các công trình trên đúng tiến độ, Tổng công ty tăng cường quản lý chất lượng công trình tại hiện trường và giám sát bằng hình ảnh. Đồng thời kiểm soát chặt chẽ việc chứng kiến thử nghiệm xuất xưởng cột bê tông ly tâm theo tiêu chuẩn TCVN 5847:2016, thực hiện dán tem chống giả đối với cột đạt yêu cầu khi chở đến công trường.

Cùng với việc đấu thầu EPC các công trình 110kV đối với một số dự án phù hợp (không áp dụng tổng thầu EPC trong trường hợp có thể tách thành các gói thầu riêng biệt theo chỉ đạo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam-EVN), Tổng công ty tổ chức đấu thầu rộng rãi để có giá chào cạnh tranh, đẩy mạnh đấu thầu qua mạng đối với gói thầu quy mô nhỏ. Đồng thời nâng mức sàn năng lực nhà thầu để lựa chọn được nhà thầu có năng lực tốt, nhất là trong đấu thầu xây lắp.

Bên cạnh đó, EVN CPC nâng cao năng lực quản lý của các Ban quản lý dự án, gắn thu nhập của Ban Quản lý dự án với tiến độ, chất lượng và hiệu quả của dự án. Thực hiện đầy đủ quyền và trách nhiệm của các đơn vị theo Quy chế phân cấp quyết định đầu tư của Tập đoàn. Cân đối khối lượng quản lý dự án giữa các đơn vị để phát huy tối đa năng lực hiện có của các Ban Quản lý dự án. Lấy mục tiêu tiến độ, chất lượng và hiệu quả của dự án làm thước đo năng lực điều hành của các Ban Quản lý dự án.

Công nhân Điện lực Đông Hà hướng dẫn khách hàng truy cập trang Web của Công ty Điện lực Quảng Trị kiểm tra mức độ sử dụng điện. Ảnh: Mai Phương/BNEWS/TTXVN

Để đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư, Tổng công ty tập trung chỉ đạo công tác chuẩn bị đầu tư, giao kế hoạch sớm cho các đơn vị đối với các dự án, công trình điện trong Quy hoạch phát triển điện lực các tỉnh/thành phố phù hợp với tình hình phát triển của phụ tải. Đồng thời chủ động rà soát Quy hoạch phát triển Điện lực các địa phương để có những điều chỉnh phù hợp với nhu cầu thực tế, từ đó sẵn sàng các phương án, giải pháp để đầu tư bổ sung các dự án điện cấp bách đáp ứng các nhu cầu điện mới của các nhà đầu tư.

Nhằm đảm bảo tiến độ thực hiện đầu tư, Tổng công ty lập tiến độ chi tiết, cụ thể đối với từng hạng mục của dự án để theo dõi và kiểm soát tiến độ thực tế của dự án, sớm phát hiện những bất cập trong thực hiện đầu tư. Từ đó, đưa ra những giải pháp nhằm tháo gỡ kịp thời; tăng cường năng lực quản lý dự án, quản lý hợp đồng; giao ban điều hành thường xuyên giữa chủ đầu tư, tư vấn thiết kế, giám sát, nhà thầu nhằm giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh vướng mắc tại hiện trường.

Tổng công ty cũng tập trung đầu tư các dự án có hiệu quả đầu tư cao như chống quá tải lưới điện đặc biệt là lưới điện 110kV, cấp điện cho các khách hàng công nghiệp, dịch vụ, các khu vực có sản lượng, giá bán cao. Định kỳ hàng năm, đánh giá tình hình đầu tư các công trình lưới điện theo quy hoạch và kế hoạch 5 năm được duyệt, đánh giá khả năng truyền tải - cung ứng điện trên địa bàn quản lý của EVN CPC và theo từng khu vực.

Mặt khác, Tổng công ty chủ động xây dựng, tính toán nhu cầu vốn theo các dự án để làm việc với các ngân hàng, tổ chức tài chính trong và ngoài nước đa dạng các hình thức huy động nguồn vốn trong nước và quốc tế, đáp ứng đủ nhu cầu vốn cho đầu tư xây dựng, tìm kiếm nguồn vốn tín dụng hỗ trợ xuất khẩu của nước ngoài thông qua việc đấu thầu cung cấp thiết bị hoặc đấu thầu EPC; huy động vốn bằng hình thức phát hành trái phiếu trong nước và phát hành trái phiếu quốc tế.

Đặc biệt, Tổng công ty còn phối hợp tốt với các địa phương để giải quyết nhanh đền bù giải phóng mặt bằng. Tăng cường tuyên truyền để người dân hiểu, đồng thuận đối với chủ trương đầu tư xây dựng và bảo vệ các công trình lưới điện trên địa bàn các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên./.

>>> Đầu tư hơn 160 tỷ đồng nâng cấp, hoàn thiện lưới điện tại Bình Định

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục