Điều chỉnh chiến lược để ngành dầu khí ứng phó với bất lợi kép do dịch COVID-19

11:43' - 20/03/2020
BNEWS Với tác động kép khi dịch COVID-19 lan rộng ảnh hưởng nặng nề đến nhiều nền kinh tế và giá dầu lao dốc mạnh, ngành dầu khí trên toàn thế giới; trong đó có Việt Nam đang đối mặt với thách thức cực lớn.

Với tác động kép khi dịch COVID-19 lan rộng ảnh hưởng nặng nề đến nhiều nền kinh tế và giá dầu lao dốc mạnh, ngành dầu khí trên toàn thế giới; trong đó có Việt Nam đang đối mặt với thách thức cực lớn, đòi hỏi phải có những điều chỉnh mang tính chiến lược để vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Thế giới chao đảo

Trong 3 tháng đầu năm 2020, dưới tác động tiêu cực của dịch COVID-19, nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đang phải chứng kiến những hệ lụy trực tiếp ở mọi lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khi các chuỗi giá trị đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì sự gián đoạn cung cầu hàng hóa, nguyên vật liệu.

Theo dự báo của Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF), Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2020 sẽ giảm mạnh, chỉ đạt mức 2,4 – 2,8%, thấp hơn nhiều mức dự báo 3,3% được đưa ra trước.

Thậm chí, nếu tình trạng dịch COVID-19 không được kiểm soát tại các nước châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… thì mức tăng trưởng dự kiến chỉ đạt 1,5%, thậm chí có thể rơi vào suy thoái, khủng hoảng.

Đánh giá tác động của dịch COVID-19 với thị trường dầu khí thế giới, Ngân hàng Goldman Sachs dự báo nhu cầu dầu toàn cầu năm 2020 giảm kỷ lục khoảng 1,1 triệu thùng/ngày.

Trong khi đó, sức ép giảm giá vẫn đè nặng lên dầu thô do nhu cầu thị trường sụt giảm, cộng thêm việc OPEC và Nga không đạt được thỏa thuận cắt giảm sản lượng đã giáng một đòn mạnh vào thị trường dầu khí.

Cụ thể, ngày 18/3, giá dầu Brent giảm “sốc”, chỉ còn dao động quanh mốc 24-25 USD/thùng. Với tốc độ giảm 7-8%/ngày như hiện nay, giá dầu thô thế giới có nguy cơ giảm xuống mức dưới 20 USD/thùng trong những ngày tới.

Ở trong nước, dưới tác động của dịch COVID-19 và giá dầu giảm sâu, ngành dầu khí đang chịu tác động trực tiếp, nặng nề nhất khi lượng tiêu thụ các sản phẩm lọc hóa dầu sụt giảm, doanh thu từ dầu thô không đủ bù đắp chi phí khai thác.

Theo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), giá dầu kế hoạch được giao cho PVN là 60 USD/thùng trong năm 2020. Với mức giá kế hoạch được giao này, doanh thu bán dầu thô sẽ là 4,668 tỷ USD.

Tuy nhiên, nếu giá dầu xuống 30 USD/thùng, doanh thu từ bán dầu thô chỉ còn 2,362 tỷ USD. Nộp ngân sách Nhà nước cũng tương ứng sẽ giảm từ 1,594 tỷ USD xuống còn 806 triệu USD. Điều này có nghĩa là PVN mất 2,3 tỷ USD doanh thu và giảm gần 800 triệu USD nộp ngân sách Nhà nước.

Hệ lụy từ việc giá dầu lao dốc này sẽ tác động nặng nề không chỉ đối với PVN mà còn cả với các địa phương liên quan như Bà Rịa – Vũng Tàu khi doanh thu từ dầu thô chiếm 46% thu ngân sách cửa tỉnh này.

Ngành dầu khí lao đao

PVN cho biết, tác động bất lợi kép từ dịch COVID-19 và giá dầu lao dốc đang ảnh hưởng đến tất cả các khâu từ thượng nguồn đến hạ nguồn trong chuỗi công nghiệp dầu khí.

Hiện những dự án trọng điểm về tìm kiếm, thăm dò, khai thác đều chịu tác động mạnh. Nhiều nhà thầu sẽ không thể điều động nhân sự sang triển khai các phần việc thuộc các dự án; tiến độ cung cấp vật tư thiết bị cho dự án từ các nước có dịch đang thực hiện phong toả, cách ly cũng bị gián đoạn hoặc chậm.

Theo Tiến sỹ Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), hoạt động khai thác dầu khí khi giá dầu xuống thấp như hiện nay đang rất bất lợi, không chỉ ảnh hưởng tới nguồn thu ngân sách Nhà nước mà còn ảnh hưởng tới hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên.

Thực tế là quốc gia xuất khẩu dầu lớn như Mỹ cũng phải tính đến phương án tăng cường nhập khẩu dầu thô giá thấp để dự trữ.

Vì vậy, Việt Nam càng cần cân nhắc bài toán sản lượng để đảm bảo sử dụng tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả, ông Long cảnh báo.

Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất và kinh doanh xăng dầu cũng chịu tác động tiêu cực từ dịch bệnh COVID-19 và giá dầu xuống thấp khi nhu cầu vận tải, lưu thông sụt giảm.

Các cửa hàng, đại lý xăng dầu hạn chế nhập hàng để chờ giá giảm, chiết khấu bán lẻ trên thị trường tăng mạnh so với thời điểm tháng 1/2020, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sản phẩm của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất và Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn.

Hiện tồn kho xăng dầu của Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn ở mức rất cao, khoảng 70-85% và có nguy cơ đầy kho trong tháng 3 này.

Tồn kho của Nhà máy Dung Quất có xu hướng tăng nhanh khi các khách hàng lùi lịch nhận hàng do tình hình tiêu thụ và sức chứa khó khăn.

Tình hình kinh doanh xăng dầu của PVN dự kiến sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thua lỗ tăng cao nếu tình hình dịch bệnh không được kiểm soát trong thời gian tới.

Ở lĩnh vực dịch vụ kỹ thuật dầu khí, khó khăn cũng đang hiện hữu khi các chủ đầu tư, nhà thầu có xu hướng cắt giảm và tối ưu hóa chi phí sản xuất.

Hiện dịch COVID-19 đã khiến giá cước vận chuyển quốc tế cho tất cả các size tàu đều giảm mạnh trong tháng 2/2020.

Cụ thể, giá cước giao ngay của tàu vận tải dầu cỡ lớn VLCC giảm còn 15.000-20.000 USD/ngày, giá cước giao ngay của tàu Aframax giảm hơn 50%...

Việc giá dầu giảm mạnh cũng sẽ làm ảnh hưởng đến giá cung cấp các giàn khoan khi tái ký hợp đồng, bên sử dụng sẽ yêu cầu đàm phán lại giá.

Các giàn khoan hiện đang cung cấp cho khách hàng ở nước ngoài, nếu dịch bệnh kéo dài, các cửa khẩu đóng cửa, ngừng các chuyến bay quốc tế… sẽ ảnh hưởng đến việc triển khai các hợp đồng cung cấp dịch vụ và giá cho thuê giàn.

Tương tự như vậy, với các hợp đồng dịch vụ kỹ thuật dầu khí thực hiện ở nước ngoài, việc đưa lao động đi nước ngoài làm việc gặp nhiều khó khăn do hầu hết các nước đều hạn chế việc xuất nhập cảnh trong thời gian hiện tại, thủ tục xin visa bị siết chặt bởi cả 2 phía, gây khó khăn, tốn kém nhiều thời gian và chi phí hơn so với trước đây.

“Căng mình” ứng phó

Theo Tổng Giám đốc PVN Lê Mạnh Hùng, đây là thời điểm khó khăn nhất của PVN trong lịch sử. Vì vậy, các đơn vị thành viên đang khẩn trương xây dựng quy định nội bộ trong toàn Tập đoàn nhằm quản lý, điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh trong thời kỳ dịch COVID-19 an toàn, không để gián đoạn.

Theo đó các đơn vị tiếp tục tăng cường quản trị, rà soát, triển khai các giải pháp tiết giảm chi phí tối đa; nghiên cứu, đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, đưa ra các kịch bản đối phó với từng tình huống giá dầu xuống thấp nhất, thậm chí là kịch bản xấu nhất như buộc phải dừng hoạt động các mỏ, nhà máy lọc dầu.

Các đơn vị trong Tập đoàn cũng tăng cường chia sẻ thông tin, nguồn lực, thị trường... nhằm tối ưu hiệu quả hoạt động trong cả chuỗi giá trị của Tập đoàn; tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp trong và ngoài nước có ngành nghề kinh doanh liên quan đến sản phẩm của đơn vị cung cấp nhằm tháo gỡ thị trường, tối ưu nguồn lực của các bên để cùng cộng sinh vượt qua các khó khăn hiện tại.

Ông Hùng cho biết, các đơn vị của PVN đang tính toán công suất chứa khả dụng hiện tại, cân nhắc phương án mua dự trữ dầu thô, sản phẩm xăng dầu nhằm tranh thủ cơ hội giá dầu chạm đáy làm động lực tăng trưởng khi thị trường ấm trở lại.

Đây là giải pháp vừa gia tăng dự trữ dầu thô cho đất nước, củng cố vấn đề an ninh năng lượng bởi đây là mặt hàng chiến lược trong các mối tương quan chính trị khu vực và thế giới, vừa giúp ngân sách tiết kiệm một khoản ngoại tệ không nhỏ khi phải nhập khẩu dầu lúc giá dầu lên cao và tránh lãng phí tài nguyên.

Tuy nhiên, bên cạnh sự chủ động ứng phó của PVN thì Tập đoàn cũng rất cần một cơ chế đặc biệt để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nắm bắt cơ hội phát sinh, từ đó vượt qua thách thức trong thời điểm hiện tại.

Đó là cơ chế kiểm soát, quản trị rủi ro, phương châm “hành động thật nhanh, nghĩ thật nhanh” để có thể đáp ứng yêu cầu giải quyết công việc, điều hành sản xuất kinh doanh vào giai đoạn đặc biệt khó khăn này.

Đại diện PVN cho biết, dưới góc độ vĩ mô, việc giá dầu thế giới giảm sâu đã tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của PVN, làm giảm mức đóng góp của PVN với nền kinh tế.

Nhưng ở chiều hướng ngược lại, xu hướng này cũng đang mở ra nhiều cơ hội mở rộng đầu tư, tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí khi giá dịch vụ và giá thuê giàn khoan giảm mạnh; nhiều chủ mỏ sẽ phải đóng mỏ hoặc bán mỏ; chi phí trong việc đàm phán các hợp đồng khai thác, thăm dò dầu khí vì thế cũng giảm mạnh.

Tuy nhiên, để tận dụng được cơ hội này, PVN cần có cơ chế để tạo nguồn lực, chủ động trong việc thực hiện các dự án, kế hoạch thăm dò, khai thác dầu khí, gia tăng trữ lượng, đại diện PVN cho biết.

Để hỗ trợ ngành dầu khí vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay, Bộ Tài chính cần rà soát lại các chính sách  về thuế, phí đối với lĩnh dầu khí để kịp thời có những đề xuất, kiến nghị tháo gỡ kịp thời cho PVN và các đơn vị thành viên.

Hiện các bất cập vẫn đang tồn tại nhiều năm chưa được giải quyết gồm: Thuế VAT đối với mặt hàng phân đạm ure, thuế thu nhập doanh nghiệp áp dụng với hoạt động khai thác dầu khí, cơ chế tài chính cho Quỹ tìm kiếm thăm dò cho các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực thăm dò – khai thác dầu khí.

Với vai trò là doanh nghiệp nhà nước chủ lực, những thay đổi về mặt cơ chế, chính sách quản lý mang tính chiến lược với PVN sẽ tác động quan trọng đến đóng góp của ngành dầu khí vào ngân sách nhà nước, cũng như tác động đến việc tạo nền tảng cho các ngành, lĩnh vực khác phát triển.

Vì vậy, việc sớm tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn mà ngành dầu khí đang gặp phải chính là yêu cầu cấp bách để ngành công nghiệp chủ lực này vượt qua dịch COVID-19 và “bão” giá dầu, tiếp tục đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và đóng góp hiệu quả vào ngân sách Nhà nước./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục