Điều chỉnh giá phải có lộ trình và đánh giá tác động

19:00' - 10/02/2016
BNEWS Trường hợp điều chỉnh giá phải xây dựng phương án, lộ trình điều chỉnh trên cơ sở đánh giá kỹ tác động của việc điều chỉnh giá để hạn chế thấp nhất tác động đến sản xuất và đời sống nhân dân.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý Giá (Bộ Tài chính. Ảnh: mof.gov.vn

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý Giá (Bộ Tài chính) cho biết, năm 2016 ngành sẽ bám sát diễn biến giá xăng dầu của thị trường thế giới để chủ động, linh hoạt điều hành giá xăng dầu trong nước đồng bộ giữa các biện pháp về giá, góp phần thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo hài hòa lợi ích người tiêu dùng, doanh nghiệp và cân đối ngân sách nhà nước.

Đồng thời, thực hiện nghiêm túc quy định về công khai, minh bạch trong điều hành giá để tạo sự đồng thuận trong xã hội.

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, để hoàn thành có hiệu quả các mục tiêu, giải pháp đề ra của Quốc hội, Chính phủ về kinh tế vĩ mô, Cục Quản lý giá đã đề ra 8 giải pháp và nhiệm vụ trọng tâm.

Theo đó, sẽ tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, thực hiện tốt các quy định của Luật Giá; chú trọng nghiên cứu, đề xuất cơ chế quản lý giá đối với các loại dịch vụ chuyển từ danh mục phí sang giá theo quy định tại Luật Phí, Lệ phí năm 2015.

Đồng thời,  tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ thường trực giúp việc Ban chỉ đạo điều hành giá để Ban Chỉ đạo điều hành giá nghiên cứu giúp Thủ tướng Chính phủ quyết định các chủ trương, định hướng quản lý, điều hành giá; biện pháp điều hành giá, bình ổn giá đối với các hàng hóa, dịch vụ quan trọng thiết yếu nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội.

Điều chỉnh giá phải có lộ trình và đánh giá tác động. Ảnh: TTXVN

Cùng với việc theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường trong nước và quốc tế, làm tốt công tác thu thập, phân tích và dự báo thông tin thị trường để kịp thời đề xuất các giải pháp bình ổn giá, kiềm chế lạm phát, ngành tài chính tăng cường kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý giá, thuế, phí, đặc biệt đối với những hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu.

Ngoài ra, giám sát chặt chẽ kê khai giá của doanh nghiệp đối với mặt hàng bình ổn giá, mặt hàng thuộc danh mục kê khai giá; kiểm soát chặt chẽ giá hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá; hàng hóa, dịch vụ mua sắm từ nguồn ngân sách Nhà nước.

Trường hợp điều chỉnh giá phải xây dựng phương án, lộ trình điều chỉnh trên cơ sở đánh giá kỹ tác động của việc điều chỉnh giá, tránh điều chỉnh giá nhiều mặt hàng vào cùng một thời điểm để hạn chế thấp nhất tác động đến sản xuất và đời sống nhân dân, cũng như việc thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.....

Năm 2015, công tác quản lý giá đã có sự phối hợp điều hành tốt hơn giữa các cơ quan quản lý vĩ mô thông qua Ban chỉ đạo điều hành giá, Tổ công tác vĩ mô, Tổ điều hành thị trường trong nước.

Theo đó, đã điều hành giá các mặt hàng quan trọng thiết yếu như xăng dầu, điện, than, nước sạch, thuốc chữa bệnh, dịch vụ y tế, giáo dục, lúa gạo, sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi, phân bón, thức ăn chăn nuôi, xi măng, thép, gas... theo cơ chế giá thị trường có sự quản lý của Nhà nước.

Đồng thời, công khai, minh bạch trong điều hành giá các mặt hàng này, nhờ đó đã tạo được sự đồng thuận, giám sát từ phía xã hội./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục