Điều chỉnh những bất cập phát sinh cho phù hợp với thực tế

21:31' - 28/08/2021
BNEWS Quá tải đơn hàng "đi chợ hộ", người dân phản ánh không được phản hồi đơn hàng, đơn vị kinh doanh tạm ngưng nhận đơn hàng mới... là những vấn đề diễn ra tại thị trường Tp. HCM trong những ngày gần đây.

Trước thực trạng phát sinh những bất cập về combo "đi chợ hộ" tại Tp. Hồ Chí Minh, hay lưu thông vận tải hàng hóa tại Cần Thơ chưa từng có tiền lệ dẫn đến trục trặc cần điều chỉnh trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội phòng chống dịch COVID-19, các ngành, các địa phương đã có các hướng thay đổi cho phù hợp với tình hình thực tế.

*Điều chỉnh phương thức "đi chợ hộ"

Thực trạng quá tải đơn hàng "đi chợ hộ", người dân phản ánh không được phản hồi đơn hàng, đơn vị kinh doanh tạm ngưng nhận đơn hàng mới để xử lý đơn hàng đã nhận... là những vấn đề diễn ra tại thị trường Tp. Hồ Chí Minh trong những ngày gần đây.

Bên cạnh đó, dù lực lượng liên ngành tham gia "đi chợ hộ" đã và đang không ngừng nỗ lực hỗ trợ người dân, nhưng vẫn loay hoay tìm đầu ra cho đơn hàng "đi chợ hộ".

Ghi nhận trên group nhận đơn hàng "đi chợ hộ" của Satrafood Tân Cảng, quận Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh, đại diện điểm bán này cùng đội ngũ nhân sự liên tục cập nhật thông tin và phản hồi cũng như hướng dẫn người dân quy trình đặt đơn hàng "đi chợ hộ" để được nhận hàng kịp thời.

Tuy vậy, số lượng đơn hàng tăng qua từng ngày và vượt quá khả năng cung ứng của điểm bán nên buộc phải thông báo ưu tiên giải quyết theo trình tự đơn hàng của người dân và kêu gọi sự tiếp sức của chính quyền địa phương.

Hệ thống siêu thị Aeon tại Tp. Hồ Chí Minh ghi nhận được số lượng đơn đặt hàng theo phương thức combo thực phẩm tăng gấp 3 - 4 lần so với những ngày đầu người dân thành phố thực hiện quy định về giãn cách xã hội "ai ở đâu ở yên đó".

Dự kiến hệ thống bán lẻ này sẽ tiếp tục nhận được lượng đơn đặt hàng theo phương thức combo tăng trong thời gian tới khi người dân có nhu cầu mua sắm vì đã tiêu dùng với nhiều hàng hóa thiết yếu dự phòng trước đó.

Liên quan đến vấn đề giá cả combo "đi chợ hộ", anh Văn Sơn, cư ngụ tại thành phố Thủ Đức cho rằng, đối với nhiều hộ dân trước giờ vẫn đi chợ truyền thống nên cảm thấy giá combo "đi chợ hộ" có vẻ cao hơn, nhưng đây là hàng hóa được cung ứng từ hệ thống hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi... đảm bảo chất lượng và có truy xuất nguồn gốc xuất xứ sản phẩm rõ ràng.

Các combo "đi chợ hộ" này cũng do nhà bán lẻ, đơn vị kinh doanh thiết kế với giá cả được niêm yết rõ ràng nên thiết nghĩ người dân có thể yên tâm.

Trước diễn biến thực tế của thị trường, Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh đã đề nghị nhà bán lẻ, đơn vị kinh doanh trên địa bàn nghiên cứu, thiết kế, cũng như tăng thêm số lượng combo "đi chợ hộ".

Combo "đi chợ hộ" cần đảm bảo vừa đáp ứng đa dạng chủng loại hàng hóa tiêu dùng thiết yếu, vừa phù hợp với mức thu nhập của nhiều thành phần trong xã hội để người dân dễ dàng lựa chọn.

Điển hình, nhà bán lẻ, đơn vị kinh doanh tổ chức đa dạng hơn những combo ở nhóm ngành thực phẩm có mức giá dao động từ 100.000 - 500.000 đồng/combo. Riêng mỗi hệ thống có nguồn hàng và nhà cung cấp riêng nên mong muốn thống nhất giá cho các combo "đi chợ hộ" trên toàn thành phố là điều khó thực hiện.

Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, tại Tp. Hồ Chí Minh, trong ngày 27/8, nhu cầu đặt mua hàng hóa của người dân tại các quận, huyện trên địa bàn thành phố bắt đầu tăng trở lại do lượng hàng dự trữ trong dân đã giảm hoặc hết. Số lượng đơn đặt hàng của một số phường, xã đã tăng gấp đôi so với 3 ngày đầu siết chặt giãn cách xã hội.

Dưới sự kết nối của Tổ công tác đặc biệt Bộ Công Thương, Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh và các kênh phân phối, nguồn hàng hóa tại các hệ thống siêu thị đã được chuẩn bị từ trước nên vẫn bảo đảm cung ứng đủ hàng.

*Bãi bỏ văn bản gây khó cho lưu thông hàng hóa

Trong mấy ngày qua, dư luận rất quan tâm đến đến tình trạng ùn ứ các phương tiện vận tải tại Cần Thơ do UBND thành phố Cần Thơ ban hành công văn quy định tất cả phương tiện vận chuyển hàng hóa tiêu dùng, xuất nhập khẩu, vận chuyển hàng phục vụ xây dựng, sản xuất, kinh doanh... từ các tỉnh, thành khác đến Cần Thơ để giao nhận hàng hóa đều phải đăng ký trước, thời gian thực hiện từ ngày 23/8.

Nếu không đăng ký trước thì lực lượng làm nhiệm vụ sẽ không cho phương tiện vào địa bàn thành phố.

Quy định này dẫn đến hiện tượng hàng trăm xe tải, xe container đã bị ùn ứ tại điểm tập kết trung chuyển hàng hóa nằm trong Bến xe Trung tâm thành phố Cần Thơ (phường Hưng Thạnh, quận Cái Răng).

Do lượng xe trong bãi quá đông, tình trạng ùn tắc đã kéo dài ra cả trên Quốc lộ 1A. Thậm chí, nhiều xe chở hàng hóa đặc thù như khí hóa lỏng là mặt hàng thiết yếu cũng ùn tắc nặng ở cửa ngõ vào Cần Thơ.

Trước tình hình trên, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể yêu cầu dừng ngay việc này. Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định, Cần Thơ cũng như các địa phương khác phát sinh thủ tục tăng chi phí, làm khó cho hoạt động sản xuất kinh doanh, cho lưu thông hàng hóa là không được.

Địa phương nào "đẻ" ra quy định trái với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, gây khó khăn trong vận chuyển, lưu thông hàng hóa thì phải chịu trách nhiệm.

Tuy nhiên, UBND thành phố Cần Thơ cho rằng việc quy định phải "đăng ký trước" đối với phương tiện vận chuyển hàng hóa từ các tỉnh, thành vào thành phố Cần Thơ mà địa phương này đang thực hiện không phải là thủ tục xin phép, thủ tục hành chính hay "giấy phép con", đồng thời kiến nghị Thủ tướng tiếp tục cho thực hiện quy định này.

Điều này đồng nghĩa với việc phương tiện vận chuyển hàng hoá vào thành phố Cần Thơ phải "đăng ký trước" với Sở Công Thương, Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp hoặc Sở Giao thông Vận tải.

Trước thực trạng hàng trăm xe tải, xe container bị ách tắc, ùn ứ ở các cửa ngõ vào thành phố Cần Thơ, dẫn đến nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng hàng hóa, ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh của danh nghiệp, ngày 27/8, Văn phòng Thành uỷ Cần Thơ có thông báo kết luận của ông Lê Quang Mạnh, Bí thư Thành uỷ, Trưởng ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch COVID-19 thành phố Cần Thơ nêu rõ: "Đề nghị UBND thành phố tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 1102/CĐ-TTg ngày 23/8/2021 về việc tăng cường các biện pháp, phòng chống dịch COVID-19; bảo đảm hoạt động vận tải, lưu thông hàng hóa kịp thời, thông suốt mọi lúc, mọi nơi; đồng thời tuân thủ các quy định về an toàn phòng, chống dịch".

Đến ngày hôm nay 28/8, ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ đã ký công văn bãi bỏ quy định phải "đăng ký trước" trong quản lý lưu thông hàng hóa gây bức xúc cho doanh nghiệp và giới tài xế những ngày qua./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục