Điều chỉnh tỷ giá tăng là cần thiết

20:23' - 01/10/2015
BNEWS Trước những biến động trên thị trường tài chính - tiền tệ quốc tế, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh tăng tỷ giá. Đây là việc làm cần thiết, kịp thời, phù hợp, hạn chế tác động bất lợi từ bên ngoài.
Phiên họp thường kỳ tháng 9 của Chính phủ, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Ảnh: Đức Tám/TTXVN

Trả lời báo chí ngày 1/10 về việc lo ngại lãi suất huy động tăng do ảnh hưởng của việc điều chỉnh tỷ giá có thể dẫn đến tăng lãi suất cho vay, đi ngược với chủ trương tiếp tục giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho biết, thời gian qua, trước những biến động trên thị trường tài chính - tiền tệ quốc tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã điều chỉnh tăng tỷ giá 1% và nới rộng biên độ tỷ giá từ +/-1% lên +/-3%. Đây là việc làm cần thiết, kịp thời, phù hợp, hạn chế tác động bất lợi từ bên ngoài.

Tuy nhiên, do lạm phát đang ở mức thấp, để ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy sản xuất kinh doanh, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm ổn định mặt bằng lãi suất. Thực tế mặt bằng lãi suất vẫn đang ổn định sau khi điều chỉnh tỉ giá và so với cuối năm 2014 đã giảm khoảng 0,2-0,5%/năm.

Từ nay đến cuối năm và đầu năm 2016, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành tiếp tục bám sát diễn biến tình hình thế giới và trong nước, có đối sách, giải pháp phù hợp, tiếp tục thực hiện nhất quán mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Liên quan đến ý kiến của nhiều chuyên gia tâm huyết xây dựng thương hiệu cho hạt gạo Việt Nam nhận định rằng, gạo Việt thiếu thương hiệu chủ yếu do cách điều hành của nhà quản lý, tập trung vào số lượng, bán sản phẩm thô mà ít nghĩ đến chất lượng, Chủ nhiệm Nguyễn Văn Nên cho hay, hiện nay, Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu gạo lớn trên thế giới.

Để đạt được kết quả này, chúng ta đã thực hiện nhiều chương trình, giải pháp tăng cả về số lượng và chất lượng sản phẩm gạo Việt Nam, đáp ứng yêu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu; trong đó có nhiều giải pháp về xây dựng thương hiệu.

Theo Chủ nhiệm Nguyễn Văn Nên, trong điều kiện hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và cạnh tranh gay gắt, để tiếp tục khẳng định vị trí của gạo Việt Nam trên thị trường thế giới, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 706/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển thương hiệu gạo Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Trong đó, đề ra nhiều giải pháp phát triển thương hiệu gạo Việt Nam, đặc biệt là các giải pháp bảo đảm chất lượng và đưa gạo Việt Nam tham gia trực tiếp vào chuỗi giá trị toàn cầu. Xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam là quá trình lâu dài, đòi hỏi nỗ lực, trách nhiệm của cả Chính phủ, các cơ quan, địa phương liên quan và của doanh nghiệp, người nông dân.

Liên quan đến câu hỏi về việc Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành kết luận thanh tra một số dự án BOT; trong đó không thống nhất với Bộ Giao thông Vận tải về tổng mức đầu tư các dự án, chênh lệch nghìn tỷ đồng.

Bộ GTVT đã báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, theo Chủ nhiệm Nguyễn Văn Nên, thanh tra Bộ KH&ĐT đang tiến hành thanh tra đối với 17 dự án đầu tư theo hình thức Hợp đồng BOT, BT tại Bộ Giao thông Vận tải.

Kết quả thanh tra đối với từng Dự án cụ thể được đoàn Thanh tra lập và công bố theo quy định. Khi kết thúc Kế hoạch thanh tra, Bộ Kế hoạch - Đầu tư sẽ tổng hợp chung kết quả thanh tra 17 dự án, dự kiến sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 1/2016.

Ngày 08/9/2015, Bộ Giao thông Vận tải có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, báo cáo giải trình và tiếp thu một số nội dung trong kết luận thanh tra. Tuy nhiên, Bộ cũng trình bày một số vấn đề về cách tính tổng mức đầu tư... để làm rõ hơn các nội dung kết luận thanh tra.

Theo đó, tổng mức đầu tư là căn cứ ban đầu để dự tính thời gian hoàn vốn phục vụ đàm phán, lựa chọn nhà đầu tư. Thời gian thu phí chính thức được quyết định theo giá trị quyết toán công trình nên phần kinh phí chênh lệch giữa tổng mức đầu tư và chi phí thực tế đầu tư không phải là thất thoát, lãng phí hoặc khai khống tổng mức đầu tư để kéo dài thời gian thu phí.

Khi Bộ Kế hoạch - Đầu tư đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả thanh tra 17 dự án, Văn phòng Chính phủ sẽ tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ./.

Đỗ Thảo Nguyên

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục