Điều chuyển 91 tỷ đồng từ các dự án chậm giải ngân cho các dự án trọng điểm

13:52' - 16/10/2024
BNEWS Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết, giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công là mục tiêu quan trọng nhất để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2021-2025
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thừa Thiên – Huế, từ đầu năm 2024 đến nay, UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế đã 5 lần thực hiện điều chuyển kế hoạch vốn với khoảng 91 tỷ đồng từ các dự án giải ngân chậm do đang vướng mắc thủ tục hoặc có tiến độ giải phóng mặt bằng chậm để tập trung nguồn lực hoàn thành các dự án trọng điểm của tỉnh, có khả năng giải ngân cao.

Cụ thể, điều chuyển kế hoạch vốn của dự án Hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã tỉnh Thừa Thiên - Huế giai đoạn 2022-2025; dự án Trung tâm Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo tỉnh Thừa Thiên - Huế; dự án Hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư Đại học Huế; dự án đường Lâm Hoằng nối dài; dự án chỉnh trang, mở rộng nút giao Trần Phú - Đặng Huy Trứ - Đoàn Hữu Trưng; dự án đường Vành đai 3…qua các dự án Đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương; dự án Mở rộng Bệnh viện Mắt Huế; các dự án đầu tư phát triển hạ tầng các khu dân cư, khu kinh tế và các khu công nghiệp của tỉnh.

Dự kiến cuối năm 2024, hai dự án giao thông trọng điểm của tỉnh Thừa Thiên – Huế có nguồn vốn đầu tư công lớn là dự án Tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh Thừa Thiên - Huế và cầu qua cửa Thuận An; dự án Đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương sẽ thông xe kỹ thuật; trong đó, dự án Đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương đến nay giải ngân kế hoạch vốn năm 2024 hơn 390 tỷ đồng/397 tỷ đồng, đạt trên 98% kế hoạch.

 
Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết, tỉnh xác định giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công là mục tiêu quan trọng nhất để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2021-2025, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng và phát triển Thừa Thiên - Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Hàng năm, UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế đều ban hành các Chỉ thị về thực hiện đầu tư công, các văn bản chỉ đạo điều hành công tác thực hiện và giải ngân vốn.

Tỉnh cũng duy trì 4 Tổ công tác do Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Tổ trưởng, Giám đốc các sở là thành viên để hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, giám sát, xử lý các vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án; yêu cầu các chủ đầu tư có tiến độ tổng thể, chi tiết, ký cam kết về tiến độ giải ngân kế hoạch đầu tư công hàng năm; thực hiện điều chỉnh kế hoạch vốn linh hoạt, kịp thời từ dự án giải ngân chậm sang dự án có nhu cầu vốn và khả năng giải ngân cao theo quy định.

Kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 của tỉnh Thừa Thiên – Huế được Thủ tướng Chính phủ giao là hơn 6.957 tỷ đồng, hiện giải ngân được hơn 4.083 tỷ đồng, đạt 58,7% kế hoạch, cao hơn tỷ lệ giải ngân trung bình toàn quốc, xếp thứ 17/63 tỉnh, thành phố và thuộc nhóm các địa phương được Thủ tướng Chính phủ ghi nhận, biểu dương về công tác giải ngân theo Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 08/8/2024.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thừa Thiên – Huế, kết quả giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 của tỉnh đã đạt được một số kết quả khả quan. Địa phương dự kiến đến cuối năm 2024 sẽ giải ngân kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao từ đạt khoảng 96% kế hoạch.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục