Điều gì giúp doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả?

11:25' - 16/10/2018
BNEWS Đối với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, trên thực tế, doanh nghiệp chỉ cần chú ý đến yếu tố then chốt là ứng dụng công nghệ thông tin trên nền tảng internet.
Cách mạng công nghiệp 4.0 bắt đầu bằng hành động cụ thể. Ảnh minh họa: TTXVN

Đối với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0), ông Phan Đức Hiếu, Viện phó Viện Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, trên thực tế, doanh nghiệp chỉ cần chú ý đến yếu tố then chốt là ứng dụng công nghệ thông tin trên nền tảng internet.

Theo đó, doanh nghiệp chỉ cần có thông tin tốt hơn, nhanh hơn thì sẽ hiệu quả hơn. Các yếu tố này sẽ giúp doanh nghiệp thúc đẩy nâng cao năng suất lao động, kinh doanh hiệu quả hơn.

Cũng theo ông Hiếu, là một trong những bộ phận của cộng đồng doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp Nhà nước không thể đứng ngoài guồng quay công nghệ 4.0. Với vai trò chủ đạo, then chốt, đóng trong các khâu then chốt và là đầu tàu, dẫn dắt, định hướng nền kinh tế, việc tiếp cận công nghệ 4.0 với doanh nghiệp Nhà nước càng cần thiết hơn bao giờ hết.

Để làm được điều này, đầu tiên doanh nghiệp Nhà nước không bị động ngồi chờ tác động của công nghệ 4.0 mang đến. Từ lãnh đạo đến cán bộ công nhân viên của doanh nghiệp phải chủ động nghiên cứu, tìm kiếm lợi thế của công nghệ 4.0.

Ông Hiếu dẫn chứng, trong số các doanh nghiệp Nhà nước hiện nay, một số doanh nghiệp đi đầu trong cuộc công nghệ 4.0, tiêu biểu như: Tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel) đã tiếp thu và ứng dụng tích cực. Viettel có một hệ thống quản lý dựa trên nền tảng công nghệ thông tin.

Một sản phẩm của Viettel bán ở bất cứ chi nhánh nào đều tự động cập nhật về hệ thống quản lý để người giám sát nắm được. Hệ thống này cập nhập hàng giờ, hàng ngày hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty, các vấn đề về dòng lưu chuyển hàng hóa. Từ đó việc nắm bắt sự biến động, biến đổi của thi trường trong nước cũng như quốc tế nó dễ dàng hơn cho các nhà quản lý.

“Đặc biệt, phương thức quản lý này giúp tiết giảm rất nhiều chi phí. Trước kia, khi chưa ứng dụng công nghệ thông tin, mỗi báo cáo phải nhập thủ công, tốn chi phí nhân công. Hiện nay, mỗi sản phẩm chỉ cần nhập mã, các cấp trung gian quản lý kiểm soát về giá cả, tình trạng hàng hoá… Mọi chi phí về thời gian, nhân công đều được gạt bỏ”, ông Hiếu cho biết.

Hiện, bất cứ doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp Nhà nước nói riêng đều nhìn thấy hiệu quả của công nghệ 4.0 mang lại và mong muốn sớm áp dụng để nâng cao năng suất lao động. Nhưng để thực hiện điều này ở doanh nghiệp Nhà nước vẫn còn rất nhiều nút thắt.

Bởi, doanh nghiệp Nhà nước chịu áp lực rủi ro từ nguyên tắc phải bảo toàn và phát huy nguồn vốn. Trong khi việc áp dụng quy trình, công nghệ mới có thể thành công hoặc thất bại. Vì vậy, trong việc đầu tư áp dụng công nghệ của công nghệ 4.0 và người đứng đầu doanh nghiệp Nhà nước luôn thận trọng trong mọi quyết định đầu tư.

Hơn nữa, tại doanh nghiệp Nhà nước, khi quyết định bất cứ vấn đề về công nghệ có thể hình thành một dự án đầu tư mới, có thể thay đổi chiến lược sản xuất kinh doanh, thay đổi về định hướng khách hàng. Với quyết định lớn như vậy, doanh nghiệp Nhà nước buộc phải nhận được sự phê duyệt của cơ quan chủ sở hữu và cơ quan liên quan. Nếu cơ quan chủ sở hữu kéo dài thời gian phê duyệt hoặc không đồng ý có thể làm mất đi cơ hội kinh doanh.

Để doanh nghiệp Nhà nước vượt qua được những vấn đề này, theo ông Hiếu, đại diện chủ sở hữu, các cơ quan, các bộ ngành có liên quan trong việc giám sát theo dõi doanh nghiệp Nhà nước phải thay đổi tư duy. Cần có sự chủ động hợp tác tích cực từ cơ quan chủ sở hữu, các cơ quản lý nhà nước. Cơ quan quản lý không thể bị động, ngồi chờ doanh nghiệp đề xuất. Họ phải chủ động thảo luận với doanh nghiệp, thậm chí phải có ý tưởng trước hoặc ý tưởng song hành cùng với doanh nghiệp …/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục