Điều hành giá xăng dầu đảm bảo mục tiêu kiểm soát CPI

17:04' - 14/02/2023
BNEWS Nghị định quy định về kinh doanh xăng dầu là lĩnh vực có tính chất quan trọng, rất phức tạp tác động lớn đến nhiều đối tượng và xã hội

Ngày 14/2 tại Hà Nội, Ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức hội thảo: "Góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 95/2021/NĐ-CP và Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu".

Dự thảo sửa đổi, bổ sung quy định về: công thức giá, phương thức điều hành giá xăng dầu, thời gian điều hành và công bố giá, mức chiết khấu tối thiểu trong kinh doanh xăng dầu, quyền và nghĩa vụ của thương nhân kinh doanh xăng dầu… nhằm bảo đảm tính hợp lý, khả thi của văn bản, bảo đảm quyền và lợi ích của doanh nghiệp.

Tại hội thảo, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) khẳng định, xăng dầu là mặt hàng rất quan trọng, nhạy cảm, ảnh hưởng đến quốc kế dân sinh, là đầu vào quan trọng của nền kinh tế, đầu vào cho mục tiêu kiểm soát Chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Đây cũng là lý do mặt hàng xăng dầu luôn nhận được quan tâm của cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

Trong điều hành giá xăng dầu, cơ quan điều hành luôn phải đảm bảo mục tiêu làm sao đáp ứng được nguồn cung xăng dầu, đồng thời đảm bảo giá xăng dầu phải góp phần kiểm soát CPI. Câu chuyện quản lý luôn đặt ra bài toán cạnh tranh và thị trường.

 

Trước đây, quá trình sửa đổi Nghị định 83 và ban hành Nghị định 95 đã mất 2,5 năm, có sự tham gia góp ý của cộng đồng doanh nghiệp, trải qua quá trình thảo luận, xin ý kiến rất dài. Hiện nay, tất cả những vấn đề đặt ra trong quá trình sửa đổi Nghị định 83 và Nghị định 95 đều là những vấn đề đã đưa ra thảo luận từ quá trình sửa đổi Nghị định 83 trước đây.

Tuy nhiên, những biến động của thị trường xăng dầu trong năm qua mang tính chất dị biệt. Đặc biệt là cuộc xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine gây biến động giá xăng dầu ở biên độ cao và chưa từng xảy ra trước đó…

Do đó, ông Đông nhấn mạnh, cần phải tư duy về các công cụ quản lý nhà nước nên can thiệp đến đâu? Tư duy về quan hệ cung cầu, về quy luật cạnh tranh? Đó là dịp để nhìn lại để làm sao có được thị trường xăng dầu đạt được mục tiêu cao nhất là đảm bảo an ninh năng lượng cho đất nước, kiểm soát CPI – một trong những cân đối chính của kinh tế; cũng như thúc đẩy cạnh tranh, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển. Đồng thời, quan điểm của Bộ Công Thương và ban soạn thảo là thực sự lắng nghe, thực sự cầu thị để làm sao có thị trường xăng dầu đảm bảo mục tiêu kiểm soát CPI, đảm bảo cuộc sống người dân và hoạt động của doanh nghiệp.

Đồng quan điểm, Trưởng Ban pháp chế (VCCI) Đậu Anh Tuấn khẳng định, xăng dầu là mặt hàng quan trọng đặc biệt của quốc gia. Điều hành giá xăng dầu là khó khăn. Giá cao có lợi cho doanh nghiệp, nhưng lại ảnh hưởng tới người tiêu dùng, doanh nghiệp và nền kinh tế. Ngược lại nếu giá sát với chi phí, thấp hơn sẽ gây ảnh hưởng và thiếu hụt cho hoạt động kinh doanh.

Do đó, ông Đậu Anh Tuấn cho rằng: "Việc soạn thảo Nghị định cần nhất quán quan điểm về cạnh tranh bình đẳng, tự do kinh doanh và công khai minh bạch. VCCI tin rằng khi mà đáp ứng yêu cầu này thì sẽ đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp, người dân".

Mệnh lệnh hành chính chỉ là giải pháp tình thế chứ không thể bền vững bằng mệnh lệnh thị trường. Nên ở góc độ nào đó, cần phải trao thị trường xăng dầu về cho thị trường để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp kinh doanh bền vững. Đây cũng là một yêu cầu quan trọng trong sửa đổi Nghị định 95 và 83 lần này, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp muốn bán hàng, muốn cạnh tranh, muốn đầu tư, muốn phục vụ.

Bên cạnh đó, tại dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 95/2021 (sửa đổi Nghị định 83/2013 về kinh doanh xăng dầu), Bộ Công Thương đưa ra 2 phương án điều hành giá xăng dầu. Phương án thứ nhất: Vẫn điều hành giá xăng dầu như hiện nay nhưng sửa công thức giá cơ sở theo hướng bổ sung một số chi phí thực tế phát sinh của doanh nghiệp. Phương án thứ hai: Nhà nước chỉ công bố giá định hướng, doanh nghiệp sẽ tự xác định, đưa ra giá bán lẻ xăng dầu sau khi cộng chi phí kinh doanh thực tế. Bộ Công Thương ưu tiên lựa chọn phương án 1.

VCCI cho rằng nếu Bộ Công Thương chọn phương án Nhà nước tiếp tục định giá và sửa công thức giá cơ sở theo hướng tính đúng, đủ thì vẫn khó bảo đảm tính hợp lý, khả thi và có thể lặp lại bất cập trên thị trường. VCCI kiến nghị lựa chọn phương án cho doanh nghiệp tự quyết định giá. Khi đó, giá bán sẽ phụ thuộc vào mức độ cạnh tranh của thị trường.

"Giá xăng có thể tham chiếu theo giá trên sàn thế giới; còn các chi phí như vận chuyển, bảo hiểm, bán hàng, lãi vay... của mỗi lô hàng, kho xăng và doanh nghiệp là khác nhau. Nhà nước có thể yêu cầu doanh nghiệp báo cáo nhưng lại luôn phải đối mặt với nguy cơ họ kê khai cao lên để có được giá bán cao hơn. Thậm chí, kiểm toán cũng khó phát hiện trường hợp doanh nghiệp "gửi giá", thông đồng với đối tác để đẩy chi phí lên" - VCCI phân tích lý do lựa chọn phương án cho doanh nghiệp tự quyết giá.

Đại diện Hội Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam, ông Đỗ Huy Trung cho rằng, Nghị định quy định về kinh doanh xăng dầu là lĩnh vực có tính chất quan trọng, rất phức tạp tác động lớn đến nhiều đối tượng và xã hội, do đó đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan hữu quan cần có sự phối hợp chặt chẽ (nhất là đối với Bộ Tài chính), tiếp tục nghiên cứu, tổ chức lấy ý kiến đối với các đối tượng bị tác động trực tiếp và mở các cuộc họp, hội nghị để lấy ý kiến để tiếp thu hoàn thiện trình Chính phủ xem xét ban hành theo tiến độ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục