Điều hành linh hoạt giảm áp lực lớn lên tỷ giá và lãi suất

16:10' - 11/07/2022
BNEWS Việt Nam cần xử lý tốt mối quan hệ trong tam giác bất khả thi giữa dòng vốn nước ngoài với lãi suất và tỷ giá hối đoái mới hạn chế được tác động tiêu cực của việc Fed tăng lãi suất.

Theo các chuyên gia kinh tế, việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất của thời gian qua và dự kiến tiếp tục tăng thời gian tới đang gây áp lực lớn lên tỷ giá, lãi suất, thương mại, đầu tư... các nước khu vực châu Á, đặc biệt là một nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam sẽ không tránh khỏi những tác động của việc này. Trước những áp lực lớn lên tỷ giá và lãi suất, Ngân hàng Nhà nước có những giải pháp điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp nhằm bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát.

Ngày 4/7 vừa qua, tỷ giá VND/USD tham khảo của Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh tăng 150 đồng ở chiều bán ra sau một thời gian dài giữ cố định, ghi nhận ở mức 23.400 đồng. 

Đây là lần thứ 2 trong năm 2022, Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tăng tỷ giá tham khảo ở chiều bán ra, lần tăng trước đó vào ngày 11/5 với mức tăng tỷ giá tham khảo bán ra thêm 200 đồng, từ 23.050 đồng lên 23.250 đồng.

Trong cả 2 lần điều chỉnh tỷ giá tham khảo gần đây, Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đều chỉ điều chỉnh tỷ giá tham khảo bán ra trong khi vẫn giữ cố định tỷ giá VND/USD tham khảo mua vào ở mức 22.550 đồng, mức chênh lệch tỷ giá VND/USD tham khảo bán ra so với mua vào hiện nay đã tăng lên 850 đồng, thay vì mức chênh lệch chỉ 500 đồng hồi đầu năm.

Diễn biến tỷ giá tham khảo của Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tăng 2 lần và khoảng cách giá mua vào và bán ra đang có xu hướng giãn rộng ra, nhưng tỷ giá trung tâm không có xu hướng tăng rõ ràng. Ngày 11/7, tỷ giá trung tâm ở mức 23.170 VND/USD.

Theo các chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán SSI thì động thái điều chỉnh chính sách này của Ngân hàng Nhà nước, bên cạnh việc giảm áp lực lên mặt bằng lãi suất, còn có thể quản lý được dòng vốn ngoại tệ trong hệ thống khi các ngân hàng thương mại phải chủ động về nguồn ngoại tệ giao ngay.

Cùng với đó, Tiến sĩ Vũ Đình Ánh, Viện Kinh tế tài chính cho rằng, việc Fed tăng lãi suất sẽ gây áp lực mạnh lên chính sách tiền tệ nói chung, chính sách lãi suất nói riêng của Việt Nam. Năm 2022, Việt Nam dự định nới lỏng chính sách tiền tệ và nỗ lực hạ lãi suất, kể cả hỗ trợ lãi suất để phục hồi kinh tế nhân cơ hội lạm phát trong nước vẫn kiểm soát tốt.

Việc các quốc gia tăng lãi suất có thể làm cho cơ hội giảm lãi suất và kiểm soát lạm phát ở mức thấp của Việt Nam năm 2022 giảm đáng kể, đặc biệt là khả năng nhập khẩu lạm phát đang tăng trở lại bên cạnh lạm phát do cầu kéo cũng có dấu hiệu quay lại.

Do đó, Tiến sĩ Vũ Đình Ánh cho rằng, Việt Nam cần xử lý tốt mối quan hệ trong tam giác bất khả thi giữa dòng vốn nước ngoài với lãi suất và tỷ giá hối đoái trong bối cảnh nền kinh tế lệch pha mới hạn chế được tác động tiêu cực của việc Fed tăng lãi suất.

Ông Phạm Chí Quang, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, Ngân hàng Nhà nước sẽ điều hành tỷ giá theo hướng vừa tạo dư địa để tỷ giá diễn biến linh hoạt, hấp thụ các cú sốc bên ngoài vừa can thiệp thị trường ngoại tệ để hạn chế biến động quá mức của tỷ giá nhằm góp phần bình ổn thị trường ngoại tệ.

Để bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát, từ đầu năm 2022, Ngân hàng Nhà nước đã bán ngoại tệ can thiệp với các hình thức phù hợp để bổ sung nguồn cung ngoại tệ cho thị trường. Qua đó đáp ứng các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của nền kinh tế, đồng thời duy trì thanh khoản VND dồi dào trên thị trường để hỗ trợ bình ổn mặt bằng lãi suất VND.

Thời gian tới, theo ông Phạm Chí Quang, Ngân hàng Nhà nước sẽ phối hợp điều hành đồng bộ thanh khoản VND để hỗ trợ sự ổn định của tỷ giá, thị trường ngoại tệ và mặt bằng lãi suất. Những năm gần đây, khi điều kiện thị trường thuận lợi, Ngân hàng Nhà nước đã mua được lượng lớn ngoại tệ để tăng dự trữ ngoại hối.

Trong bối cảnh thị trường diễn biến bất lợi, nhiều áp lực như hiện nay, với quy mô dự trữ ngoại hối đã được Ngân hàng Nhà nước mua vào và củng cố mạnh mẽ trong các giai đoạn trước đây, Ngân hàng Nhà nước đã, đang và sẽ tiếp tục bán ngoại tệ để bình ổn thị trường.

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ tăng tần suất bán can thiệp ngoại tệ để sẵn sàng bổ sung nguồn cung ngoại tệ cho thị trường thường xuyên hơn nữa, qua đó tạo điều kiện cho hệ thống tổ chức tín dụng đáp ứng đầy đủ, kịp thời các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của tổ chức và cá nhân; trong đó có nhu cầu ngoại tệ để nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất kinh doanh trong nước và xuất khẩu./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục