Định hình vùng chuyên canh rau màu ứng phó biến đổi khí hậu

09:43' - 25/12/2023
BNEWS Tỉnh Tiền Giang phát huy tiềm năng và thế mạnh, định hình những vùng sản xuất tập trung, vùng chuyên canh rau màu ứng phó với biến đổi khí đậu cho hiệu quả kinh tế cao.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Mẫn cho biết, trong năm 2023, địa phương trồng được trên 54.000 ha rau màu thực phẩm với sản lượng thu hoạch đạt trên 1,186 triệu tấn rau màu hàng hóa các loại cung ứng cho thị trường trong ngoài tỉnh.

 

Đáng chú ý, tỉnh quan tâm phát huy tiềm năng và thế mạnh cây màu theo hướng định hình những vùng sản xuất tập trung cho sản lượng hàng hóa lớn, khuyến khích nông dân chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả tại những địa bàn khó khăn như: ven sông, ven biển, vùng Đồng Tháp Mười,… sang trồng rau màu ứng phó biến đổi khí hậu theo các mô hình luân canh, xen canh mang lại lợi nhuận kinh tế cao, bền vững, giúp bà con ổn định sản xuất và đời sống.

Theo ghi nhận, nông dân đã mở rộng diện tích trồng màu trên chân ruộng thích ứng biến đổi khí hậu lên gần 6.000 ha, tập trung tại các huyện, thị ven biển hoặc địa bàn kiểm soát lũ phía Tây và vùng Đồng Tháp Mười.

Tại huyện Tân Phước nằm trong vùng Đồng Tháp Mười, năm 2023, nông dân đã trồng được trên 1.500 ha rau màu thực phẩm các loại trên nền đất lúa bị nhiễm phèn trước đây, vượt gần 3% chỉ tiêu cả năm với sản lượng thu hoạch gần 31.000 tấn sản phầm cung ứng thị trường, vượt 8,6% kế hoạch cả năm. Trong số đó, có khoảng 360 ha dưa hấu với sản lượng thu hoạch đạt trên 7.000 tấn sản phầm.

Hiện nay, Tân Phước là một trong những vùng trồng dưa hấu quan trọng của tỉnh Tiền Giang. Dưa hấu Tân Phước được tiêu thụ rộng rãi trên thị trường trong ngoài tỉnh, mang lại cho nông dân nguồn thu nhập khá.

Các xã ven biển Gò Công: Tân Điền, Tân Thành, Kiểng Phước, Gia Thuận… của huyện Gò Công Đông cũng đã chuyển khoảng 150 ha đất trồng lúa thường bị nguy cơ ảnh hưởng hạn, mặn vào mùa khô sang trồng các loại rau màu thực phẩm như: hành, hẹ, dưa hấu, khổ qua, dưa leo, rau cải,… mang lại hiệu quả kinh tế cao, bền vững vừa giảm được thiên tai.

Dưa hấu Đèn Đỏ (Tân Thành), hành tím Tân Điền… là những thương hiệu rau màu từ lâu được người tiêu dùng tín nhiệm bởi chất lượng ngon, được tiêu thụ rộng rãi tại Tiền Giang.

Nằm trong vùng ngọt hóa Gò Công phía Đông tỉnh, huyện Gò Công Tây quan tâm phát huy thế mạnh trồng rau màu nhằm phá thế độc canh cây lúa, tích cực đưa cây màu xuống chân ruộng trong các mô hình luân canh, xen canh thích ứng biến đồi khí hậu và phát triển nông nghiệp bền vững.

Phó Chủ tịch UBND huyện Gò Công Tây Lê Văn Nê cho biết, dựa vào đặc thù địa hình và thổ nhưỡng, Gò Công Tây quy hoạch các vùng trồng màu tập trung gắn với phát triển kinh tế tập thể và khuyến khích liên kết theo mô hình chuỗi giá trị nhằm giải quyết đầu ra cho nông sản hàng hóa, nông dân an tâm phát triển sản xuất.

Hiện nay, Gò Công Tây đã thành lập được 6 hợp tác xã chuyên canh rau màu gồm: Hợp tác xã Thạnh Hưng, Hợp tác xã Phú Quới, Hợp tác xã Hòa Thạnh, Hợp tác xã Bình Nhựt, Hợp tác xã Long Bình, Hợp tác xã Long Thới Thịnh.

Đồng thời, thực hiện chính sách hỗ trợ liên kết, tiêu thụ theo Nghị quyết số 07/2019/NQ-HDND ngày 12/7/2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh Tiền Giang, huyện Gò Công Tây đã triển khai thực hiện hỗ trợ 3 dự án/kế hoạch liên kết sản xuất tiêu thụ rau ở các Hợp tác xã Thạnh Hưng, Hợp tác xã Phú Quới, Hợp tác xã Hòa Thạnh với 115 hộ tham gia trên diện tích sản xuất gần 32 ha. Thông qua liên kết, nông dân được bao tiêu đầu vào và đầu ra với giá ổn định, có lợi nên rất an tâm sản xuất, thâm canh.

Ông Lê Văn Nê đánh giá, lợi nhuận từ trồng rau màu trên ruộng đạt khoảng 395 triệu đồng/ha, cao gấp nhiều lần so với độc canh cây lúa trước đây.

Ông Phạm Văn Chính có 3.000 m2 đất trồng chuyên canh rau màu ở xã Thân Cửu Nghĩa, huyện Châu Thành cho biết, ông trồng các loại hành, hẹ, rau cải mùa nào thức nấy tùy theo nhu cầu thị trường.

Do rau màu ngắn ngày, mỗi năm ông quay được từ 8 - 10 vòng, sau khi trừ chi phí, thu lãi ròng khoảng 200 triệu đồng. Nhờ chuyển từ đất trồng lúa sang trồng rau màu thích ứng biến đổi khí hậu, gia đình ông đã vượt khó, thoát nghèo, tạo dựng cơ nghiệp bền vững.

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Mẫn, trồng rau màu nói chung, trồng rau màu trong các mô hình chuyển đổi sản xuất thích ứng biến đổi khí hậu cho lợi nhuận vượt trội so với trồng lúa độc canh trước đây nhờ vào sự điều tiết hợp lý của địa phương về mùa vụ, chuyển giao khoa học kỹ thuật cũng như phát triển các mô hình liên kết sản xuất, giải quyết đầu ra và nông dân có lợi.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục