Hơn 70% sản phẩm OCOP ở Tiền Giang có mức tăng trưởng cao

15:54' - 02/12/2023
BNEWS Hơn 70% sản phẩm được chứng nhận OCOP của Tiền Giang có mức tăng trưởng cao, nhiều sản phẩm đã được đưa vào hệ thống cửa hàng tiện ích, siêu thị, các giỏ quà tặng.

Theo ông Võ Văn Lập, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, đến nay, Tiền Giang đã có 238 sản phẩm được công nhận đạt OCOP cấp tỉnh; trong đó, gồm 94 sản phẩm 4 sao và 144 sản phẩm 3 sao.

Qua khảo sát sơ bộ có hơn 70% sản phẩm được chứng nhận OCOP của Tiền Giang có mức tăng trưởng cao, nhiều sản phẩm đã được đưa vào hệ thống cửa hàng tiện ích, siêu thị, các giỏ quà tặng. Mặt khác, các chủ thể mạnh dạn phát triển lên thành doanh nghiệp, mở rộng sản xuất, phát triển đa dạng sản phẩm.

Bà Nguyễn Thị Luôn, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đông trùng hạ thảo Thiên Ân (huyện Gò Công Tây) cho biết, từ 4 sản phẩm đạt OCOP ban đầu, đến nay doanh nghiệp đã phát triển 16 dòng sản phẩm OCOP và đã mở hơn 30 đại lý phân phối trong và ngoài tỉnh tại các điểm du lịch nổi tiếng như Phú Quốc, Cần Thơ, Tp. Hồ Chí Minh, Nha Trang, Đà Nẵng,…Doanh nghiệp cũng đã đầu tư, mở rộng nhà máy, tạo việc làm cho hơn 100 lao động tại địa phương.

Vừa qua, doanh nghiệp cũng đã tham dự Diễn đàn kết nối doanh nghiệp Thái lan, Việt nam, Lào, Campuchia, Myanmar năm 2023, giúp sản phẩm vươn đến thị trường thế giới.

Với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Trí Sơn (thành phố Mỹ Tho), doanh nghiệp này đã tạo ra nhiều giỏ quà compo từ sản phẩm OCOP cung cấp cho khách hàng cao cấp và ký kết chương trình phối hợp với Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm (Tp. Hồ Chí Minh) nâng cao giá trị cho sản phẩm OCOP, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu. Doanh nghiệp hiện có 25 sản phẩm được chứng nhận OCOP 4 sao, đã mở hơn 50 nhà phân phối khắp các tỉnh, thành.

Các sản phẩm mắm tôm chà Gò Công của hợp tác xã mắm Bà Hai Diễm sau khi được chứng nhận OCOP đã được các hệ thống siêu thị đưa vào kinh doanh nên doanh số tăng hàng trăm triệu mỗi tháng, Hợp tác xã mắm Bà Hai Diễm đã phát triển thành Công ty Trách nhiệm hữu hạn mắm Bà Hai Diễm nhằm mở rộng thị trường, khuếch trương ngành nghề truyền thống.

Giám đốc Hợp tác nông nghiệp Đông Nghi (xã Tam Hiệp, huyện Châu Thành), bà Lê Khắc Đông Nghi cho biết, với sản phẩm OCOP từ sữa dê, Hợp tác xã đã mở rộng nâng cấp thành điểm du lịch nông thôn, mở nhiều đại lý phân phối từ Phú Quốc, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, Tp. Hồ Chí Minh, Nha Trang, Đà Nẵng, Hà Nội…

Ngoài ra, rất nhiều sản phẩm được chứng nhận OCOP khác, qua  xúc tiến thương mại cũng đã kết nối với khách hàng, có cơ hội mở rộng thị trường tiêu thụ.

Chi cục Trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang Võ Văn Lập đánh giá, Chương trình OCOP đã tạo hiệu quả tích cực, giúp phát triển sản phẩm đặc trưng, truyền thống của địa phương, khai thác hiệu quả hơn tiềm năng, thế mạnh của mỗi huyện, xã nhằm phát triển theo đúng quy chuẩn, tăng khả năng cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.

Đồng thời làm thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu, khơi dậy và phát huy tinh thần tự lực, tự tin, sáng tạo khởi nghiệp trong các tầng lớp nhân dân. Từ đó, hướng người dân vào kinh tế thị trường, thúc đẩy phát triển sản xuất khu vực nông thôn.

Nhìn chung, sau khi được đánh giá, xếp hạng, nhiều sản phẩm OCOP tiêu biểu của tỉnh đã mở rộng được thị trường tiêu thụ, được các đơn vị bán lẻ hợp đồng tiêu thụ với số lượng lớn. Doanh thu tăng và khẳng định được thương hiệu mạnh trên thị trường.

Nhiều sản phẩm OCOP đã được các đơn vị phân phối, bán lẻ: BigC, Bách hóa xanh, Coopmart,… ký kết hợp đồng tiêu thụ với số lượng lớn. Doanh thu bán sản phẩm trong năm của các nhóm sản phẩm đã được đánh giá xếp hạng đều tăng đáng kể.

Từ kết quả trên, đến năm 2025, tỉnh phấn đấu ít nhất 10 sản phẩm OCOP đạt 5 sao; 100% sản phẩm OCOP được giới thiệu trên trang web chuyên về OCOP của tỉnh; có ít nhất 70% chủ thể OCOP tham gia vào các kênh bán hàng hiện đại như hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, sàn giao dịch thương mại điện tử...; phấn đấu phát triển 10 điểm trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh.

Tiền Giang ưu tiên phát triển các hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa, phấn đấu ít nhất có 40% chủ thể OCOP là hợp tác xã, 30% chủ thể là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tỉnh đào tạo tập huấn cho 100% cán bộ quản lý chương trình, lãnh đạo các doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ hộ có đăng ký kinh doanh tham gia chương trình OCOP.

 

Giai đoạn 2022 - 2025, Tiền Giang tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ các chủ thể sản xuất tham gia Chương trình OCOP với các sản phẩm đặt thù đến từ các địa phương trong tỉnh như mai kiểng cổ, các sản phẩm chế biến từ yến, chả lụa, mắm, cơm cháy chiên, gà tre, các sản phẩm rượu chế biến từ nấm linh chi, đông trùng hạ thảo của huyện Gò Công Tây, lạp xưởng của huyện Cai Lậy và thị xã Cai Lậy, sản phẩm trái cây chế biến đến từ miệt vườn quả đặc sản ở khắp các tiểu vùng sinh thái...

Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang Lưu Văn Phi cho biết, Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kết nối cùng các cấp, các ngành hữu quan tăng cường xúc tiến thương mại, kết nối thị trường cho sản phẩm OCOP cấp tỉnh.

Tiền Giang tập trung mở rộng các chuỗi liên kết sản xuất – tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa; tạo mọi điều kiện hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã và đơn vị sản xuất sản phẩm OCOP và nông – lâm – thủy sản có thêm nhiều cơ hội tiếp cận hệ thống phân phối lớn, hiện đại tại các siêu thị, trung tâm thương mại, chuỗi cửa hàng tiện lợi và các kênh phân phối khác ở các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam và cả nước, nhất là các đô thị lớn như Tp. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng...

Tỉnh sẽ phát triển thêm nhiều điểm trưng bày và bán sản phẩm OCOP nhằm thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ tem sao, hỗ trợ tem truy xuất nguồn gốc QR code dành các chủ thể đạt chứng nhận OCOP và hướng dẫn các hợp tác xã, doanh nghiệp đăng ký vay tín dụng tại Quỹ đầu tư phát triển tỉnh để thúc đẩy phát triển sản phẩm và tăng trưởng doanh thu.

Tiền Giang tăng cường xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP; cập nhật, xây dựng Cẩm nang sản phẩm OCOP Tiền Giang nhằm giới thiệu quảng bá các sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP tỉnh Tiền Giang; tổ chức quảng bá các sản phẩm OCOP tỉnh qua các hội chợ, diễn đàn trong và ngoài tỉnh; hỗ trợ các chủ thể OCOP tham gia hội chợ, triển lãm trong nước; hỗ trợ giới thiệu và đưa sản phẩm OCOP thương mại điện tử và cổng thông tin điện tử kết nối OCOP.

Tiền Giang cũng giúp các điểm du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP trên Cổng thông tin du lịch tỉnh; hỗ trợ hoàn thiện, nâng chất lượng các mô hình du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, nông thôn, Homestay, Farmstay,……

Tỉnh tạo thêm cơ hội để các doanh nghiệp, hợp tác xã nông – thủy sản, thực phẩm quảng bá, giới thiệu sản phẩm và tìm kiếm đối tác kinh doanh, mở rộng thị trường cho các sản phẩm đạt OCOP cấp tỉnh – nhân tố tích cực trong đồi mới kinh tế nông thôn và xây dựng thành công nông thôn mới tại địa phương.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục