Đổ trộm phế thải: Hà Nội khó xử phạt "rác tặc"

08:26' - 25/11/2020
BNEWS Những năm gần đây, điều kiện kinh tế-xã hội của Thủ đô không ngừng phát triển, nhiều nhà chung cư, cao tầng, công trình của các tổ chức, cá nhân được xây dựng.

Đi cùng với hoạt động xây dựng là số lượng lớn chất thải rắn được thải ra môi trường. Điều đáng nói là tình trạng chất thải không được đưa đến nơi xử lý theo quy định mà đổ trộm ra đường gây mất mỹ quan đô thị, ô nhiễm môi trường song các cấp chính quyền chưa có biện pháp ngăn chặn triệt để. 

* Muôn kiểu đổ trộm phế thải

Sau một đêm mưa gió, trên tuyến Đại lộ Thăng Long lại xuất hiện những đống vật liệu xây dựng, bao tải phế thải bị đổ trộm ra ven đường. Đó dường như thành quy luật của nạn đổ trộm phế thải tại tuyến đường được xem là đẹp nhất Thủ đô.

Những địa điểm "rác tặc" hay chọn là dọc tuyến đường từ km5 đến km10 (Nam Từ Liêm). Tại đây, thường xuyên có đến hàng chục điểm tập kết rác lớn nhỏ. Còn đi về địa phận Hoài Đức, khu vực gần các cầu chui, lượng phế thải đổ ra dày đặc, dần dần tích tụ thành đống phế thải cao hàng mét, án ngữ một bên đường.

Tại tuyến đê tả Đáy qua xã Cao Viên (Thanh Oai); phường Đồng Mai, Yên Nghĩa (Hà Đông); xã Đông La, An Thượng, Song Phương (Hoài Đức)…, một lượng lớn chất thải rắn xây dựng bị đổ trộm tràn lan.

Ngay ở địa bàn quận Ba Đình - nơi có mật độ dân số đông và dân trí cao nhưng tình trạng đổ trộm phế thải vẫn diễn ra. Tuyến đường Bưởi trên cao và đường Đê La Thành đoạn số nhà 625 là "bãi đáp" của nạn đổ trộm phế thải, vật liệu xây dựng.

Theo một đầu nậu chuyên thực hiện vận chuyển rác thải cho các công trình xây dựng tiết lộ, có hai phương thức để nhận thầu đổ rác. Một là khoán thẳng ước khối lượng để tính tiền và hai là tính theo bao (bao tải) từ 10.000 -20.000 đồng/một bao.

Chủ nhà chỉ cần ra đề bài như vậy, còn việc vận chuyển khi nào và đổ ở đâu do đầu nậu tự lo. Thông thường công việc này được thực hiện vào đêm muộn và gần sáng. Sau khi nhận hợp đồng, đầu nậu sẽ thuê một số lao động chân tay ngoại tỉnh, dùng xe máy chuyên chở ra chỗ đất trống, vắng người rồi quẳng rác xuống đó.

Khi được hỏi, không sợ bị lực lượng chức năng chặn bắt xử phạt, đầu nậu tiết lộ: Những lao động được thuê làm việc đổ trộm rác đều có kinh nghiệm trong lĩnh vực "rác tặc", biết "né" lực lượng kiểm tra. Hơn nữa, những lao động này ngoài chiếc xe máy cà tàng và không có giấy tờ tùy thân, làm gì có tiền mà nộp phạt.

Là đơn vị chịu trách nhiệm giữ vệ sinh, môi trường trên địa bàn quận Ba Đình, ông Nguyễn Văn Toàn, Giám đốc chi nhánh Ba Đình - Công ty TNHH MTV môi trường đô thị Hà Nội (Urenco) rất bức xúc với nạn đổ trộm rác thải.

Theo ông Toàn, việc dọn những đống phế thải đổ trộm rất vất vả bởi khối lượng lớn, cồng kềnh nên phải huy động cả thủ công và cơ giới. Theo thống kê, trong năm 2020, tại quận Ba Đình có khoảng 1.000 tấn rác thải bị đổ trộm ra nơi công cộng. Về việc xử lý, bắt giữ đối tượng đổ trộm rác thải, ông Nguyễn Văn Toàn cho biết phụ thuộc vào sự quan tâm của chính quyền và Công an địa phương, chứ đơn vị không có chức năng xử phạt.

* Khó xử phạt “rác tặc"

Theo lãnh đạo Công ty TNHH MTV môi trường đô thị Hà Nội (Urenco), từ đầu năm đến nay đơn vị đã phối hợp với lực lượng chức năng phát hiện hàng chục vụ đổ trộm phế thải, vật liệu xây dựng tại Đại lộ Thăng Long. Tuy nhiên, đó chỉ là một phần được thống kê, còn trên thực tế đơn vị đã chủ động phát hiện và dọn ngay sau khi đối tượng đổ trộm ra đường.

Lãnh đạo Urenco thông tin thêm, mỗi khi rác thải, phế thải bị đổ trộm ra tuyến Đại lộ Thăng Long, đơn vị phải rất tốn kém huy động nhân lực, vật lực để dọn dẹp, phát sinh chi phí. Trong khi đó, việc này không được tính vào đơn giá duy trì vệ sinh hàng tháng.

Trước thực trạng nạn đổ rác thải, phế thải liên tục diễn ra, Urenco đã nhiều lần kiến nghị với các cơ quan chức năng như: Cảnh sát môi trường, chính quyền địa phương để có biện pháp ngăn chặn.

Đơn cử như, khoảng 23 giờ ngày 10/9, Phòng Cảnh sát môi trường – Công an Hà Nội đã mật phục, phát hiện xe bồn loại 4 chân, biển kiểm soát 29H-110.00, trên bồn xe có dòng chữ "Vì môi trường xanh sạch đẹp" đang thực hiện hành vi đổ  chất thải xuống bãi đất ven Đại lộ Thăng Long (thuộc địa bàn xã Song Phương, huyện Hoài Đức (Hà Nội).

Tiếp theo đó, rạng sáng 11/9, lực lượng trên tiếp tục phát hiện một xe ô tô tải bồn đang trực tiếp đổ phân, bùn bể phốt trên Đại lộ Thăng Long, đoạn cầu Đào Nguyên cũng thuộc địa bàn trên.

Theo Trung tá Nguyễn Tuấn Phương, Đội trưởng Đội 2, Phòng Cảnh sát môi trường, với 2 trường hợp ô tô đổ chất thải trên, đơn vị tiến hành lập biên bản ban đầu, đồng thời bàn giao lại cho lực lượng quản lý địa bàn để tiếp tục làm rõ, xử lý theo phân cấp.

Thời gian tới, các trinh sát Phòng Cảnh sát môi trường tiếp tục lên phương án tuần tra, kiểm soát bắt giữ những phương tiện đổ trộm chất thải trên khu vực Đại lộ Thăng Long, bảo đảm vệ sinh môi trường trên địa bàn. 

Còn theo Thanh tra Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, từ 1/9 đến 30/10, đơn vị phối hợp với lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra tại quận Nam Từ Liêm, lập biên bản xử lý vi phạm hành chính 56 trường hợp, xử phạt hành chính 202.400.000 đồng, tạm giữ 2 phương tiện, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe có thời hạn 3 trường hợp với các lỗi như lôi kéo đất ra đường bộ gây mất an toàn giao thông và vệ sinh môi trường, chở hàng chất thải vật liệu xây dựng để rơi vãi và không có mui, bạt che, đậy hoặc có mui, bạt…

Qua trao đổi với các lực lượng chức năng, việc phát hiện, ngăn chặn, xử lý đối tượng đổ trộm chất thải, phế thải ra các tuyến đường nói chung và Đại lộ Thăng Long nói riêng là rất khó khăn.

Các đối tượng thường chọn thời điểm đêm tối, mưa gió, vắng lực lượng tuần tra để thực hiện hành vi phạm pháp của mình. Trước khi thực hiện đổ trộm, đối tượng thường cho người thăm dò, cảnh giới, cảnh báo để nhằm qua mắt các cơ quan chức năng.

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, trung bình mỗi ngày lượng chất thải rắn xây dựng phát sinh trên địa bàn ước tính khoảng 2.500-3.000 tấn, trong khi đó các bãi tập kết chung của thành phố đã lấp đầy.

Ngoài ra, các chủ nguồn thải chưa tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường; công tác tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm tra, xử lý vi phạm các quy định của pháp luật trong quản lý phá dỡ, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn xây dựng trên địa bàn các quận, huyện, thị xã chưa được thực hiện chặt chẽ, thường xuyên...

Sở Xây dựng Hà Nội đề nghị, để ngăn chặn tình trạng đổ trộm phế thải, bên cạnh yêu cầu kiểm soát chặt ngay từ nguồn thải, các cơ quan chức năng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý các trường hợp vi phạm, ngăn chặn tình trạng đổ trộm bừa bãi chất thải rắn xây dựng.

Dù đã triển khai một số biện pháp, tuy nhiên trên nhiều tuyến đường Thủ đô vẫn xuất hiện những đống phế thải vô chủ, cho thấy việc ngăn chặn nạn đổ trộm rác thải vẫn chưa thật sự hiệu quả. Thực trạng này cần tiếp tục được quan tâm xử lý để bộ mặt đô thị không bị nhếch nhác, mất mỹ quan./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục