Đoàn doanh nghiệp Nhật Bản đến Hải Dương khảo sát vùng vải thiều xuất khẩu

17:13' - 15/06/2023
BNEWS Ngày 15/6, đoàn doanh nghiệp Nhật Bản đã về Hải Dương khảo sát vùng vải thiều xuất khẩu của tỉnh.

Đoàn doanh nghiệp gồm một số doanh nghiệp tiêu biểu đến từ Nhật Bản như: Công ty A-Worlda, Công ty cổ phần Happy Company, Công ty cổ phần TOMO...

 

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hải Dương Trần Văn Quân, hiện nay, Hải Dương có khoảng 9.000 ha trồng vải và mỗi năm, sản lượng vải thiều của Hải Dương đạt khoảng 60.000 tấn.

Vải thiều Thanh Hà đã lọt top 10 sản phẩm uy tín chất lượng, là một trong những sản phẩm tinh hoa đặc sản ba miền của Việt Nam. Toàn tỉnh có 203 mã số vùng trồng xuất khẩu vải đi các nước; trong đó có Nhật Bản.

Ông Đỗ Quốc Hưng, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á, châu Phi, Bộ Công Thương cho biết, thời gian qua, Bộ Công Thương và tỉnh Hải Dương đã phối hợp chặt chẽ trong việc đàm phán mở cửa thị trường cho quả vải và các hoạt động kết nối doanh nghiệp, xúc tiến thương mại.

Mặc dù nhu cầu thị trường Nhật Bản với trái vải Hải Dương rất lớn nhưng hiện nay sản lượng vải sang Nhật còn khiêm tốn, chỉ mới chiếm 6% sản lượng vải xuất khẩu của Hải Dương. Vì vậy, Bộ Công Thương mong muốn phối hợp tốt với Hải Dương để tăng tỷ trọng vải thiều xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản.

Để tăng cường xuất khẩu vải thiều sang Nhật Bản, ông Đỗ Quốc Hưng đề xuất các giải pháp như: mở rộng vùng trồng, nâng cao chất lượng và mẫu mã vải, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, giới thiệu quả vải tại Nhật Bản; đa dạng sản phẩm từ quả vải, nhất là sản phẩm chế biến…

Tại chương trình, các doanh nghiệp Nhật Bản đều bày tỏ mong muốn được hợp tác với Hải Dương xuất khẩu quả vải. Bà Sadahiro Mari, Tổng giám đốc Công ty A-world đã giới thiệu về công nghệ lên men đang được doanh nghiệp áp dụng trong sản xuất tại Nhật Bản.

Doanh nghiệp mong sớm hợp tác với Hải Dương để làm ra những sản phẩm nước quả lên men từ quả vải để bán tại Nhật Bản và đi nhiều thị trường trên thế giới. Đại diện Công ty cổ phần TOMO cho biết, doanh nghiệp này sở hữu chuỗi siêu thị tiện lợi bán 24/7 trong toàn quốc và đang bán 20 loại hoa quả sấy. Doanh nghiệp này hy vọng có thể hợp tác với Hải Dương để đưa trái vải sấy bán tới tay người tiêu dùng Nhật Bản.

Theo ông Phạm Ngọc Thức, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Nông nghiệp hữu cơ FUSA, một trong những doanh nghiệp Việt Nam có nhiều năm xuất khẩu nông sản sang thị trường châu Âu, hiện nay, việc bảo quản vải là bài toán khó. Doanh nghiệp hy vọng sau chương trình khảo sát sẽ có cơ hội hợp tác cùng các doanh nghiệp Nhật Bản trong việc chế biến quả vải phục vụ xuất khẩu.

Lãnh đạo tỉnh Hải Dương cho biết, Hải Dương rất chú trọng đến thị trường Nhật Bản và xem đây là một thị trường rất tiềm năng. Những năm gần đây, sản lượng xuất khẩu vải sang Nhật Bản ngày càng tăng. Tỉnh cũng đã tổ chức xúc tiến thương mại quả vải thiều sang Nhật Bản.

Cho rằng công nghệ các doanh nghiệp giới thiệu là phù hợp và khả thi để áp dụng giúp nâng cao giá trị cho quả vải thiều Hải Dương, lãnh đạo tỉnh Hải Dương mong thời gian tới, doanh nghiệp Nhật Bản sẽ quan tâm hỗ trợ, góp ý cho doanh nghiệp tại Việt Nam về các khâu thu mua, đóng gói, chế biến quả vải nói riêng, các mặt hàng  nông sản khác của Hải Dương nói chung.

Khẳng định tỉnh cam kết đồng hành và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất đối với doanh nghiệp Nhật Bản và đặc biệt, sẽ có cơ chế ưu đãi đối với những doanh nghiệp lĩnh vực chế biến, ông Trần Văn Quân mong muốn các doanh nghiệp Nhật Bản hợp tác chặt chẽ với các doanh nghiệp trong nước để quảng bá, tiêu thụ tốt vải thiều Hải Dương./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục