Doanh nghiệp thiếu chủ động tham gia xây dựng chính sách pháp luật

16:41' - 12/01/2016
BNEWS Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế (VCCI): Nhiều doanh nghiệp hiện phó mặc vấn đề xây dựng pháp luật cho Nhà nước và coi đó là “việc của mấy ông Trung ương”
Doanh nghiệp chưa quan tâm tới việc tham gia xây dựng các chính sách pháp luật về doanh nghiệp. Ảnh: TTXVN

Đánh giá vai trò của doanh nghiệp và Nhà nước trong xây dựng chính sách pháp luật về kinh doanh, ông Trần Vinh Nhung, Phó Giám đốc, Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh cho rằng, tính chủ động của doanh nghiệp trong việc tham gia xây dựng chính sách pháp luật còn rất kém.

Ông Nhung cho rằng, đâu đó, doanh nghiệp chỉ kêu khó khăn, vướng mắc qua những kênh không chính thức, nhưng khi được trao quyền nói lên tiếng nói của mình, bày tỏ quan điểm của mình và chủ động thông tin tích cực về ngành, lĩnh vực kinh doanh của mình thì doanh nghiệp lại e dè, ngần ngại…

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế (VCCI) lý giải, nhiều doanh nghiệp phó mặc vấn đề xây dựng pháp luật cho Nhà nước và coi đó là “việc của mấy ông Trung ương” nên phổ biến tình trạng hiện nay là doanh nghiệp không biết đến nhiều chính sách mới, hoặc biết quá chậm khi chính sách đã được ban hành và đi vào thực hiện.

Chính vì thiếu sự trao đổi, lấy ý kiến nên nhiều quy định không phù hợp với cuộc sống, nhanh chóng nảy sinh bất cập và phải sửa đổi.

Là người trực tiếp triển khai nhiều chương trình, dự án khảo sát ý kiến tham vấn của cộng đồng doanh nghiệp để xây dựng Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và những bộ công cụ đánh giá khác, ông Đậu Anh Tuấn nhận định, các quy định pháp luật ảnh hưởng tới sự sống còn của doanh nghiệp. Nhiều văn bản tốt giúp thúc đẩy doanh nghiệp đi lên, nhưng cũng có những văn bản không tốt, không phù hợp có thể dẫn tới sự lụi bại của doanh nghiệp.

Dẫn chứng cho luận điểm của mình, ông Đậu Anh Tuấn chỉ ra rằng, thực hiện Nghị quyết 19 của Chính phủ đã “dỡ bỏ” quy định về mức trần chi phí quảng cáo, điều này không chỉ tạo thuận lợi nhiều hơn cho các doanh nghiệp có nhu cầu thực hiện hoạt động này, mà còn mở ra nhiều cơ hội việc làm hơn cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ quảng cáo.

Gần đây nhất, là quy định về ký quỹ khi nhập khẩu phế liệu. Theo dự thảo văn bản pháp luật, doanh nghiệp bị yêu cầu phải ký quỹ vào Quỹ Bảo vệ môi trường và chỉ được hưởng lãi suất không kỳ hạn. Tuy nhiên, với những kiến nghị từ phía các doanh nghiệp ngành thép, ngành giấy, các hiệp hội và của VCCI, cơ quan soạn thảo đã sửa đổi quy định theo hướng cho phép doanh nghiệp ký quỹ vào ngân hàng thương mại với tỷ lệ thấp hơn và được hưởng lãi suất ngân hàng, giúp tiết kiệm đến 90% chi phí giao dịch cho các doanh nghiệp mà vẫn bảo đảm mục tiêu quản lý Nhà nước.

Ông Tuấn nhấn mạnh: “Từ đây cho thấy, doanh nghiệp tham gia vào xây dựng chính sách, pháp luật là hoàn toàn có thể và mang lại lợi ích thực tế”.

Điều này cho thấy, doanh nghiệp không thể chỉ đứng ngoài quan sát mà cần tham gia và tích cực tham gia cùng Nhà nước xây dựng chính sách pháp luật về kinh doanh với nhiều cách thức khác nhau và tùy theo quy mô, lĩnh vực hoạt động cũng như hoàn cảnh của từng doanh nghiệp.

Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) kỳ vọng, chính quá trình cọ xát, phản hồi sẽ góp phần nâng cao chất lượng của hệ thống văn bản pháp luật, nâng cao chất lượng điều hành của lãnh đạo chính quyền địa phương… liên quan tới hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục