Doanh nghiệp "bắt tay" hợp tác đào tạo nguồn nhân lực chuyên sâu

12:37' - 17/05/2022
BNEWS Việc liên kết cộng đồng doanh nghiệp với hệ thống giáo dục đã góp phần thúc đẩy phát triển tư duy, năng lực nhà lãnh đạo tương lai, cũng như nguồn nhân lực được đào tạo chuyên sâu.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa như hiện nay, giáo dục và đào tạo đóng vai trò then chốt cho quá trình hội nhập của Việt Nam. Nhờ có những chính sách mở cửa, việc liên kết cộng đồng doanh nghiệp với hệ thống giáo dục đã góp phần thúc đẩy phát triển tư duy, năng lực nhà lãnh đạo tương lai, cũng như nguồn nhân lực được đào tạo chuyên sâu.

 

Điển hình, Câu lạc bộ Kết nối Doanh nhân Việt Nam – Quốc tế (VIENC) và Trường Quốc tế Mỹ Việt Nam (AISVN) đã ký kết Bản ghi nhớ thỏa thuận hợp tác và thống nhất trở thành đối tác chiến lược toàn diện trong thời gian tới.

Theo đó, hai bên sẽ phối hợp triển khai đa dạng hoạt động tư vấn chương trình học tập của AISVN như chương trình Tú tài Quốc tế - IB toàn phần từ 3 tuổi đến lớp 12 đến các thành viên của VIENC.

Đáng lưu ý, AISVN hỗ trợ VIENC tăng khả năng kết nối, đẩy mạnh giao thương để mở rộng mạng lưới thành viên; thực hiện hiệu quả mục tiêu đào tạo nâng cao chất lượng đội ngũ nguồn nhân lực Việt Nam... Hai bên sẽ phát huy tối đa năng lực của mỗi bên, gắn kết hoạt động giảng dạy, học tập và nghiên cứu trong nhà trường với thực tiễn nghiên cứu phát triển sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực liên quan.

Ông Đinh Vĩnh Cường, Chủ tịch Câu lạc bộ VIENC cho biết, trong tiến trình hội nhập với khu vực và thế giới, yêu cầu về đào tạo, chuẩn hóa và nâng cao trình độ nguồn nhân lực nước nhà là rất cần thiết. Thông qua Bản ghi nhớ thỏa thuận hợp tác giữa VIENC và AISVN sẽ góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, cải thiện năng lực cạnh tranh và xây dựng lực lượng lao động chất lượng cao.

Còn theo ông Barry Surtherland, Tổng Hiệu trưởng trường AISVN, các điều khoản ký kết là cơ sở quan trọng cho sự hợp tác bền vững, lâu dài và phù hợp với xu thế phát triển trong giai đoạn mới. Đặc biệt, Bản ghi nhớ thỏa thuận hợp tác giữa VIENC và AISVN thúc đẩy khai thác tiềm năng lợi thế của đôi bên, phát triển mối quan hệ hợp tác giữa trường học và doanh nghiệp.

Tương tự, Trường Cao đẳng Y dược Cộng đồng và Amway Việt Nam – Thương hiệu toàn cầu về sức khỏe và sắc đẹp cũng vừa triển khai Chương trình đào tạo chăm sóc sắc đẹp chuyên sâu. Đây là chương trình nâng cao kiến thức và kỹ năng chuyên môn cho đội ngũ chuyên viên chăm sóc sắc đẹp Artistry Star của Amway.

Chương trình này, được kỳ vọng là bước định hình để xây dựng thế hệ chuyên viên chăm sóc sắc đẹp có chuyên môn cao Chương trình cũng mang đến một cái nhìn đầy đủ về việc chăm sóc cơ thể dựa trên kiến thức khoa học.

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Cao đẳng Y dược Cộng đồng cho hay, Chương trình đào tạo chăm sóc sắc đẹp chuyên sâu sẽ mở ra nhiều cơ hội mới trong hợp tác giữa doanh nghiệp và cơ sở đào tạo. Ngoài việc nâng cao kiến thức chuyên sâu cho đội ngũ nhà phân phối của doanh nghiệp, Chương trình còn tạo tiền đề để nhà trường tham gia vào chuỗi cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao toàn cầu.

Tính đến thời điểm này, với hiệu quả của nhiều cơ chế chính sách thì tình hình dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, đời sống kinh tế xã hội đang bắt đầu trở lại trạng thái bình thường mới, tuy nhiên nhiều ngành nghề, lĩnh vực vẫn đang đang đứng trước sự thiếu hụt lao động, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.

Báo cáo của một số sở, ngành tại Tp. Hồ Chí Minh như ngành du lịch cho thấy, có hơn 98% là doanh nghiệp vừa và nhỏ, nên nhiều doanh nghiệp phải chuyển loại hình kinh doanh hoặc đóng cửa, nhiều người lao động phải rời ngành để tìm kiếm việc làm khác.

Liên quan đến vấn đề nguồn lao động của ngành, theo bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch Tp. Hồ Chí Minh, một trong những khó khăn lớn nhất không chỉ đối với Việt Nam mà nhiều quốc gia trong khu vực và thế giới đều đang phải đối diện là nguồn nhân lực chất lượng cao.

Hơn thế nữa, nếu như trước dịch COVID-19, ngành du lịch Thành phố Hồ Chí Minh trăn trở về nguồn nhân lực không đồng đều về chất lượng, tính chuyên nghiệp, thì sau tác động ảnh hưởng của dịch COVID-19, vấn đề đáng lo ngại là tình trạng nguồn nhân lực đang trở nên thiếu và yếu cả về chất lượng và số lượng.

Lý giải nguyên nhân dẫn đến sự thiếu hụt lao động, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, một số chuyên gia chỉ ra rằng, sự chuyển dịch về nguồn lao động giữa các ngành nghề, địa phương do sự đứt gãy chuỗi hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Bên cạnh đó, một số cơ sở đào tạo chưa chú ý đến đào tạo nguồn nhân lực trình độ và chất lượng tay nghề cao, nghiệp vụ chuyên sâu, nhân lực quản lý... mà chủ yếu đào tạo về nhân sự, nhân viên..

Trên thực tế, tại Việt Nam nói chung, Tp. Hồ Chí Minh nói riêng, vấn đề nguồn nhân lực đã và đang đặt ra nhiều khó khăn cho cơ quan quản lý nhà nước. Đặc biệt, với nhiều địa phương thì hoạt động đào tạo nguồn nhân lực trong giai đoạn phục hồi và phát triển sau dịch COVID-19 cũng là bài toán khó.

Thống kê, Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 4/2022 tại Tp. Hồ Chí Minh tăng 2,0% so với tháng trước và tăng 9,7% so với cùng kỳ. Tính chung 4 tháng đầu năm 2022, chỉ số IIP trên địa bàn thành phố tăng 2,6% so với cùng kỳ.

Tuy vậy, chỉ số lao động làm việc tại các doanh nghiệp ở một số ngành như ngành công nghiệp trong tháng 4/2022 tăng 1,4% so với tháng trước và giảm 6,2% so với cùng kỳ. Còn tính chung 4 tháng đầu năm 2022, chỉ số này giảm 7,7% so với cùng kỳ.

Kết quả khảo sát từ các doanh nghiệp, được thực hiện bởi Trung tâm Dự báo nhân lực và Thông tin thị trường lao động Tp. Hồ Chí Minh (FALMI) cho thấy, nhu cầu nhân lực lao động qua đào tạo chiếm 86,47% tổng nhu cầu nhân lực.

Thị trường lao động Tp. Hồ Chí Minh có xu hướng gia tăng nguồn nhân lực chất lượng cao, tay nghề vững và dự báo trong quý II/2022 này sẽ cần khoảng 65.000 đến 72.000 lao động./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục