Doanh nghiệp công nghệ số hứa hẹn phát triển mạnh mẽ

11:37' - 03/03/2021
BNEWS Năm 2021 hứa hẹn sẽ là một năm phát triển mạnh mẽ hơn nữa của các doanh nghiệp công nghệ số.

Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt mới đây được đánh giá sẽ tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội mạnh mẽ trong giai đoạn mới. Năm 2021 hứa hẹn sẽ là một năm phát triển mạnh mẽ hơn nữa của các doanh nghiệp công nghệ số. Phóng viên TTXVN đã ghi lại những chia sẻ của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng và đại diện các doanh nghiệp công nghệ xung quanh vấn đề này.

Make in Vietnam - tạo ra niềm tin số Việt Nam

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, trong thời gian dịch bệnh COVID-19 hiện nay, hàng loạt các dịch vụ số được cung cấp nhanh chóng, kịp thời góp phần giúp người dân khắc phục các khó khăn trong cuộc sống, điển hình là các dịch vụ trực tuyến trong lĩnh vực y tế, giáo dục, thương mại, cung cấp dịch vụ công….

Các doanh nghiệp công nghệ số đã thể hiện được khả năng của mình khi nhanh chóng phát triển các sản phẩm công nghệ giúp phòng chống COVID-19 và chuyển đổi cuộc sống sang trạng thái bình thường mới. 

Tuy nhiên, trong xu thế hội nhập quốc tế và tác động mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, bên cạnh nhiều cơ hội phát triển, các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức trong việc cạnh tranh, nghiên cứu phát triển sản phẩm, dịch vụ mới.

Năm qua, Bộ đã phát động chương trình giải thưởng sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam (được làm tại Việt Nam), với mục đích thúc đẩy ngành công nghiệp ICT Việt Nam (công nghệ thông tin, điện tử viễn thông), nhằm nhấn mạnh vào sự chủ động sáng tạo, thiết kế các sản phẩm công nghệ cao của người Việt.

Bởi muốn Make in Vietnam thì phải làm chủ công nghệ, phát triển các hệ thống thông tin trọng yếu quốc gia bằng công nghệ mở. Công nghệ mở cũng là con đường để mọi công ty, dù kinh doanh ở lĩnh vực nào cũng có thể trở thành công ty công nghệ.

Do vậy, sứ mệnh của doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, của Make in Vietnam sẽ là xây dựng một Việt Nam số, chuyển đổi Việt Nam từ thế giới thực vào thế giới ảo. Đây là chặng đường dài nhiều chục năm. Vì thế, Make in Vietnam cần một tầm nhìn dài hạn và những chiến lược cho từng giai đoạn.

Trong năm 2020, có 38 nền tảng chuyển đổi số Make in Việt Nam được ra mắt ở đa dạng các lĩnh vực, từ Chính phủ, y tế, giáo dục, du lịch đến thương mại…

Một bất ngờ khác nữa của năm 2020 là Việt Nam trở thành nước thứ năm trên thế giới làm chủ công nghệ 5G, sản xuất được thiết bị hạ tầng 5G, điện thoại 5G.

Trong năm 2021, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tiếp tục thực hiện Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ chuyển đổi số. Chương trình này sẽ thường xuyên đánh giá hiệu quả, khảo sát nhu cầu của các doanh nghiệp vừa và nhỏ để liên tục điều chỉnh, đáp ứng mục tiêu đề ra.

Từ doanh nghiệp viễn thông trở thành tập đoàn công nghệ số

Ông Lê Đăng Dũng, Quyền Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel chia sẻ, Viettel đã có sự thay đổi lớn trong chiến lược phát triển. Trong 10 năm đầu mới thành lập, Viettel khi đó chỉ là một doanh nghiệp hoạt động trong ngành xây lắp. 10 năm tiếp theo, Viettel làm bùng nổ thị trường viễn thông và trong 10 năm trở lại đây, khi thị trường viễn thông trong nước đã ở vào trạng thái bão hòa, Viettel chuyển định hướng hoạt động để trở thành một tập đoàn công nghệ.

Năm 2019, khi Viettel tròn 30 tuổi, Viettel đưa ra tuyên bố về sứ mệnh mới là “Tiên phong kiến tạo xã hội số”. Với sứ mệnh này, Viettel đã xác định phải chuyển dịch từ nhà khai thác viễn thông trở thành nhà cung cấp dịch vụ số. Định hướng phát triển của Viettel là phát triển thành một tập đoàn công nghệ cao, đóng vai trò tiên phong, dẫn dắt các doanh nghiệp công nghệ số tại Việt Nam, trở thành trung tâm kết nối số và trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo.

Trọng tâm phát triển của Viettel hiện nay tập trung vào 4 lĩnh vực chính là viễn thông, giải pháp công nghệ thông tin và dịch vụ số; nghiên cứu sản xuất công nghiệp công nghệ cao; chuyển phát, logistics và thương mại.

Bên cạnh đó, Viettel cũng dồn nguồn lực để nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ số, chủ động chuyển sang nghiên cứu sản xuất công nghiệp công nghệ cao và đổi mới tổ chức, xây dựng văn hóa số nhằm gìn giữ và thu hút nhân tài.

Doanh nghiệp là chủ thể chính tạo ra giá trị trong hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia. Vì vậy, Viettel mong muốn chính sách Nhà nước cần chú trọng hơn việc thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng kết quả nghiên cứu tại doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cần có sự tham gia của các hiệp hội, doanh nghiệp ngay từ khâu hoạch định chính sách.

Ông Lê Đăng Dũng đề nghị, Nhà nước cần có chính sách thu hút các công ty công nghệ của thế giới xây dựng trung tâm công nghệ tại Việt Nam. Điều này sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận các công nghệ mới, nguồn tri thức và kinh nghiệm của các công ty công nghệ lớn trên thế giới.

Đồng thời, Nhà nước xây dựng chính sách thúc đẩy sử dụng thiết bị hạ tầng viễn thông trong nước sản xuất, chấp nhận những công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới trong giai đoạn phát triển ban đầu, dùng các chuẩn mực chung (sandbox) trong phát triển hạ tầng số, kinh tế số.

Ứng dụng gọi xe Việt thành công đi cùng không ít thách thức

Bà Nguyễn Hoàng Phương, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Be Group  cho biết, công ty được thành lập vào năm 2018, hoạt động kinh doanh trên ứng dụng gọi xe Make in Vietnam. Ngay từ những ngày đầu thành lập, Be tự nghiên cứu bản đồ số, tự đào tạo nhân sự công nghệ người Việt và xây dựng hệ sinh thái mở. Điều này sẽ góp phần vào việc giúp nền kinh tế số Việt Nam không bị phụ thuộc bởi các tập đoàn nước ngoài.

Sau hơn hai năm thành lập, Be Group có mặt tại 10 tỉnh, chiếm khoảng 30% thị phần. Ứng dụng đã được tải xuống hơn 8 triệu thiết bị di động với hơn 100.000 tài xế. Đã có khoảng 350.000 chuyến xe được yêu cầu mỗi ngày và hoàn thành hơn 80 triệu chuyến xe beBike và beCar kể từ khi Be Group hoạt động.

Trong thời gian tới, ứng dụng Be Group sẽ phát triển thành một hệ sinh thái mở với nhiều tính ứng dụng trong các lĩnh vực như logistics, vận chuyển, giao thông công cộng, tài chính và du lịch. Thay vì chỉ là một ứng dụng gọi xe, Be Group cũng sẽ tiến tới việc trở thành một ngân hàng số. Đội ngũ của Be đang kết hợp với nhiều tổ chức tài chính, công nghệ trong nước và quốc tế để tạo ra một ngân hàng số. Be Group đang là ứng dụng gọi xe cho phép thanh toán theo nhiều phương thức nhất thị trường, nhằm thúc đẩy thanh toán không tiền mặt.

Hiện tại, Be Group xây dựng hệ sinh thái có 5 mũi nhọn, gồm vận chuyển, logistics, giao thông công cộng, du lịch, tài chính.

Bên cạnh mục tiêu trên, Be Group cũng đặt mục tiêu trở thành đối tác tin tưởng của Chính phủ trong công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá giao thông đô thị, xây dựng thành phố thông minh, Chính phủ điện tử.

Tuy nhiên, bên cạnh những kế hoạch trên Be Group đang gặp nhiều thách thức khác nhau. Đó là việc thử nghiệm sandbox trong thời gian quá lâu có thể gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng, hay thất thu thuế, bảo mật dữ liệu người dùng, độc quyền thị trường bằng cách thâu tóm đối thủ.

Bởi, khi mới thành lập, Be Group đã đăng ký là một công ty vận tải công nghệ. Do vậy, khác hẳn với đối thủ, hoạt động của Be Group chịu ràng buộc bởi các quy định liên quan tới doanh nghiệp vận tải nên chưa được hưởng những ưu đãi của một công ty công nghệ.

Hơn nữa, các mô hình kinh doanh nền tảng đang tạo ra nhiều lúng túng cho các bên liên quan. Vì vậy, Việt Nam cần có một hệ sinh thái, hay luật hóa dữ liệu người dùng bởi đây là tài sản quốc gia cần được bảo vệ.

Bên cạnh đó, cần làm thế nào để các doanh nghiệp Việt có thể liên kết với nhau tốt hơn, có sự ủng hộ của người dùng mới có thể giúp các doanh nghiệp Việt lớn mạnh từ cái nôi trong nước để tiến ra toàn cầu.

Ngoài ra, Chính phủ cần có các chính sách thuận lợi hơn, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước để phát triển tốt hơn và tạo điều kiện cho doanh nghiệp gọi vốn ở nước ngoài./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục