Doanh nghiệp công nghệ thời số hóa: Sôi động M&A

12:11' - 01/10/2020
BNEWS Môi trường kinh doanh của các doanh nghiệp trên toàn cầu đang phải đối mặt với vô vàn thách thức do những ảnh hưởng chưa từng có của cuộc khủng hoảng dịch viêm đường hô hấp cấp COVID -19.

Tuy vậy, nếu doanh nghiệp có năng lực tài chính tốt và quản trị hiệu quả thì đây là giai đoạn để mở rộng đầu tư và chiếm lĩnh vực thị trường.

Trước tình hình đầy biến động và bất ổn do dịch COVID-19, hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) cũng như các hình thức hợp tác khác giữa các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ diễn ra khá sôi động và hứa hẹn những cơ hội phát triển mạnh mẽ trong tương lai.

Muôn nẻo “cộng sinh”

Hãng sản xuất phần mềm Microsoft (Mỹ) ngày 21/9 vừa qua tuyên bố sẽ mua lại ZeniMax Media, công ty mẹ của một loạt công ty con nổi tiếng trong lĩnh vực kinh doanh trò chơi điện tử (game), với giá 7,5 tỷ USD. Động thái này dự kiến sẽ tạo thêm sức mạnh cho Microsoft trong cuộc đối đầu "khốc liệt" với Sony trên thị trường game.

ZeniMax Media là công ty mẹ của Bethesda Softworks - nhà phát hành các tựa game nổi tiếng bao gồm Dishonored, Doom, Fallout và Elder Scrolls.

Thương vụ trên sẽ được Microsoft chi trả hoàn toàn bằng tiền mặt và dự kiến hoàn tất vào nửa cuối năm 2021. ZeniMax Media được định giá khoảng 2,5 tỷ USD vào năm 2016 và đã là mục tiêu mà nhiều doanh nghiệp muốn mua lại trong năm nay.

Theo Giám đốc điều hành (CEO) Microsoft Satya Nadella, game là "mảng" phát triển mạnh nhất của ngành dịch vụ giải trí khi người tiêu dùng trên toàn cầu đang chuyển hướng sang game để kết nối, tương tác với người thân, bạn bè.

Theo CEO Satya Nadella, Bethesda đã có sự thành công trên tất cả hạng mục game và thương vụ trên sẽ giúp Microsoft thực hiện tham vọng phục vụ hơn 3 tỷ người chơi game trên toàn cầu.

Trước đó, tập đoàn viễn thông SoftBank Group Corp (Nhật Bản) ngày 14/9 cho biết đã đạt được thỏa thuận bán công ty thiết kế chip Arm Holdings của Anh cho Tập đoàn sản xuất bộ xử lý đồ họa Nvidia Corp với giá gần 40 tỷ USD. Thương vụ này dự kiến sẽ tạo ra một “người khổng lồ” đáng gờm trong ngành công nghiệp chip thế giới.

Được thành lập năm 1990 tại Anh, Arm Holdings chuyên về sản xuất bộ vi xử lý và thống trị thị trường điện thoại thông minh toàn cầu. Sản phẩm chip của Arm cũng “góp mặt” trong vô số sản phẩm cảm biến, thiết bị thông minh và dịch vụ đám mây.

Trong khi đó, Nvidia, vốn nổi tiếng với card đồ họa được sử dụng rộng rãi trong sản xuất game, đã chứng kiến doanh số bán hàng tăng vọt trong cuộc khủng hoảng COVID-19.

Các sản phẩm của Nvidia ngày càng được sử dụng nhiều hơn cho công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) và tại các trung tâm dữ liệu.

Trong một diễn biến khác, LG Uplus Corp., một nhà cung cấp dịch vụ di động lớn của Hàn Quốc, ngày 20/9 thông báo hợp tác với tập đoàn công nghệ Google (Mỹ) để cùng phát triển công nghệ điện toán biên di động mạng 5G (MEC).

Theo thỏa thuận quan hệ đối tác, LG Uplus sẽ hợp tác với Google Cloud, công ty sẽ cung cấp công nghệ trí tuệ nhân tạo và học máy, để phát triển nhiều dịch vụ mới sử dụng MEC trên mạng 5G của nhà mạng Hàn Quốc.

MEC là công nghệ quan trọng trong việc cung cấp giao tiếp dữ liệu có độ trễ cực thấp trên mạng 5G và dự báo sẽ thúc đẩy nhiều dịch vụ trong thời gian tới, như nhà máy thông minh, ô tô tự lái và trò chơi game trên đám mây.

Công nghệ này giảm thiểu độ trễ thông qua việc cung cấp một “lối tắt” để truyền dữ liệu thông qua các trung tâm dữ liệu quy mô nhỏ.

LG Uplus đã trình diễn công nghệ MEC vào tháng 10/2019 bằng cách chuyển nguồn cấp hình dữ liệu video trực tiếp của một chiếc ô tô đến một chiếc xe khác ở phía sau như một phần của dự án ô tô tự lái của nhà mạng này.

Về phần mình, hãng sản xuất hàng điện tử tiêu dùng Samsung Electronics Co. (Hàn Quốc) ngày 6/9 đã ký thỏa thuận đối tác với nhà sản xuất nội thất đồng hương Hanssem Co. nhằm mở rộng các cơ hội kinh doanh, giữa lúc xu hướng làm việc tại nhà ngày càng trở nên phổ biến do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Theo thỏa thuận trên, Samsung sẽ hợp tác với Hanssem trong mảng tái thiết kế nội thất nhà ở. Samsung sẽ cung cấp các sản phẩm đồ gia dụng mới nhất của hãng như tủ lạnh và máy rửa bát đồng bộ với nội thất của Hanssem.

Hai bên cũng sẽ hợp tác trong mảng giải pháp nhà ở thông minh, và chia sẻ mảng sản phẩm bán lẻ, trong đó có các sản phẩm màn hình.

Samsung hiện đang hướng đến việc trở thành một thương hiệu phong cách với các sản phẩm được thiết kế theo yêu cầu của khách hàng. Lee Jae-seung, người phụ trách mảng thiết bị điện tử tại Samsung, mới đây cho biết Samsung đang hiệu chuẩn lại chiến lược của hãng trong giai đoạn dịch bệnh.

Ông Jea-seung cho biết chưa bao giờ căn nhà lại trở nên quan trọng như hiện nay, khi người dân thực hiện giãn cách xã hội và đồ gia dụng cần phản ánh sự thay đổi đó.

"Thời đại kim tiền"

Giá cổ phiếu của tập đoàn thương mại điện tử Alibaba (Trung Quốc) đã tăng lên mức kỷ lục mới trong phiên 26/8, một ngày sau khi Ant Group, công ty công nghệ tài chính của tập đoàn này, nộp hồ sơ đăng ký niêm yết tại thị trường chứng khoán Thượng Hải và Hong Kong.

Đợt chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) của Ant Group được kỳ vọng là một trong những đợt IPO lớn nhất thế giới và có khả năng vượt qua cả đợt IPO kỷ lục 29 tỷ USD mà Saudi Aramco của Saudi Arabia (A-rập Xê-út) huy động được vào năm ngoái.

Hiện Ant Group là “gã khổng lồ” trên thị trường thanh toán điện tử Trung Quốc, khi điều hành Alipay, một trong hai hệ thống thanh toán trực tuyến “thống trị” ở Trung Quốc, một quốc gia mà tiền mặt, séc và thẻ tín dụng từ lâu đã bị các thiết bị và ứng dụng thanh toán điện tử lấn át.

Trích dẫn một số nguồn tin thân cận, Bloomberg News cho hay Ant Group đang nhắm đến mục tiêu được định giá khoảng 225 tỷ USD và huy động được 30 tỷ USD từ đợt IPO sắp tới nếu thị trường thuận lợi.

Trong hồ sơ của mình, Ant Group cho biết họ sẽ sử dụng số tiền thu được để mở rộng thanh toán xuyên biên giới và nâng cao khả năng nghiên cứu và phát triển của mình.

Về phần mình, việc ra mắt mẫu điện thoại thông minh màn hình gập thế hệ mới và thương vụ đầy tham vọng dự kiến với công ty bán dẫn Nvidia của Mỹ đã khiến các chuyên gia phân tích dự báo rằng giá cổ phiếu của Samsung sẽ tăng 50% trong thời gian tới.

Theo khảo sát mới đây của Refinitiv, một trong những nhà cung cấp dữ liệu và cơ sở hạ tầng thị trường tài chính lớn nhất thế giới, các chuyên gia phân tích cho rằng giá cổ phiếu của Samsung sẽ giao dịch ở mức 70.376,32 won (59,35 USD)/cổ phiếu trong 12 tháng tới.

Con số này cao hơn 29% so với mức giá cổ phiếu của Samsung trong phiên giao dịch ngày 2/9. Thậm chí, một số nhà phân tích còn kỳ vọng rằng giá cổ phiếu của "gã khổng lồ" này sẽ leo lên mức 82.000 won/cổ phiếu, tăng hơn 50% so với mức giá của phiên giao dịch ngày 2/9./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục