Doanh nghiệp công nghệ thông tin với kỳ vọng tăng trưởng

09:33' - 02/06/2023
BNEWS Hiện nay, ngành công nghệ thông tin ở Việt Nam đã đóng góp vào GDP cả nước 14,4%. Nhờ bước tiến này, ngành công nghệ thông tin Việt Nam đã có vị trí nhất định trên thế giới.
Ngành công nghệ thông tin được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh bởi làn sóng chuyển đổi số tiếp tục diễn ra mạnh mẽ với tốc độ rất nhanh, đầu tư công nghệ được coi như một nhu cầu tất yếu, giúp cải thiện hiệu quả hoạt động vận hành và giảm thiểu chi phí sản xuất trên mọi lĩnh vực.

Theo Công ty cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (SBS), năm 2022, doanh thu của ngành công nghệ thông tin tăng khoảng hơn 400 lần so với những năm đầu 2000, ước lượng mức bình quân 38% trong suốt 20 năm qua. Doanh thu năm 2022 ước chừng khoảng 148 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2021 trước đó.

Hiện nay, ngành công nghệ thông tin ở Việt Nam đã đóng góp vào GDP cả nước 14,4%. Nhờ bước tiến này, ngành công nghệ thông tin Việt Nam đã có vị trí nhất định trên thế giới. Không chỉ vậy, với dịch vụ phần mềm, Việt Nam đứng thứ nhất tại khu vực Đông Nam Á.

SBS cho rằng, chuyển đổi số là thời cơ cho Việt Nam đột phá trở thành một quốc gia phát triển. Tuy nhiên, để chuyển đổi số nhanh, thông minh và xanh hơn, vẫn còn nhiều thách thức đặt ra. Đó là các vấn đề về quyết tâm chính trị, hành lang pháp lý, nguồn nhân lực và hạ tầng số.

Chuyển đổi số đã và đang được ứng dụng rộng rãi trong hầu hết các doanh nghiệp trên toàn thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.

Theo đó, Bộ Thông tin và Truyền thông đang dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030.

Chính phủ đã và đang đẩy mạnh sử dụng hệ thống thanh toán trực tuyến của Cổng Dịch vụ công quốc gia để thúc đẩy việc thanh toán trực tuyến phí, lệ phí, thuế, nộp phạt, xử lý vi phạm hành chính, đóng bảo hiểm tự nguyện, bảo hiểm y tế và các nghĩa vụ tài chính khác trong giải quyết thủ tục hành chính.

Theo các chuyên gia thuộc Tổ chức Nghiên cứu Khoa học-Công nghiệp khối Thịnh vượng chung (CSIRO), chuyển đổi số sẽ đem lại 1,1% tăng trưởng GDP mỗi năm cho Việt Nam.

SBS nhận định, lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông  (ICT) là điểm tựa cho nền kinh tế, trở thành một trong những ngành có đóng góp đáng kể cho ngân sách nhà nước, giúp cho Việt Nam chuyển mình thành một trong những quốc gia dẫn đầu sản xuất công nghệ phần cứng và điện tử - viễn thông với việc xếp thứ 2 về sản xuất điện thoại và thứ 10 về điện tử, thứ 9 về gia công phần mềm

Năm 2022, doanh thu lĩnh vực ICT ước đạt 148 tỷ USD, tăng trưởng 8,7% so với năm 2021. Số lượng doanh nghiệp công nghệ số dăng ký năm 2022 ước đạt 70.000 doanh nghiệp, tăng 9,5% so với năm 2021; kim ngạch xuất khẩu phần cứng, điện tử vượt ngưỡng 100 tỷ USD, xuất siêu hơn 26 tỷ USD.

Với công nghệ phần mềm, Việt Nam từ gia công phần mềm đến hành trình vươn ra thị trường thế giới. Việt Nam ngày càng có vai trò lớn trong ngành công nghệ phần mềm thế giới khi liên tục cải thiện thứ hạng và lọt Top 30 thế giới về gia công phần mềm. Xuất khẩu phần mềm của Việt Nam phần lớn cho 2 thị trường chính là Mỹ và Nhật.

Trước đây, các doanh nghiệp chủ yếu làm gia công phần mềm hoặc chỉ thực hiện một số công đoạn theo đơn đặt hàng của nước ngoài. Giờ đây các doanh nghiệp công nghệ thông tin đã hướng ra thị trường nước ngoài, tư vấn dịch vụ, sáng tạo nội dung.

Đã có doanh nghiệp nhờ nỗ lực chuyển dịch hàm lượng công nghệ, trước đây là gia công 99% theo đơn đặt hàng, giờ chuyển sang các dịch vụ tư vấn và chuyên môn sâu hơn. Hiện gia công phần mềm chỉ chiếm khoảng 40%, phần còn lại là sản phẩm Make in Vietnam.

Với công nghệ phần cứng, Việt Nam là điểm đến của các tên tuổi hàng đầu như Samsung, Intel, Foxconn. Sản phẩm "phần cứng" là các sản phẩm máy tính, thiết bị mạng, thiết bị ngoại vi, thiết bị điện tử nghe nhìn, thiết bị điện tử chuyên dụng, linh kiện điện tử như các vi mạch, bo mạch.

Với những thành tựu công nghệ nhất định, Việt Nam trở thành điểm sáng đầu tư của nhiều tập đoàn công nghệ trên thế giới như IBM, Intel, Microsoft, Samsung, Toshiba...

Gần đây thông tin về việc những sản phẩm công nghệ nổi tiếng MacBook và Apple Watch sắp tới sẽ được sản xuất tại Việt Nam đang thu hút nhiều sự quan tâm. Các tập đoàn, doanh nghiệp công nghệ trong nước như FPT, VNPT, Viettel hứa hẹn phát triển hơn nữa trong tương lai.

Viễn thông Việt Nam trở thành nhóm nước đầu tiền trên thế giới làm chủ công nghệ 5G, sản xuất được thiết bị hạ tầng 5G, sản xuất được điện thoại 5G.

SBS  cho biết, rất ít người, kể cả trong nước và nước ngoài tin rằng Việt Nam có thể làm được việc này, tuy nhiên đây là kết quả của lao động sáng tạo, kích hoạt sự lao động sáng tạo này là một khát vọng lớn.

Công nghệ 5G đã xuất hiện được vài năm nhưng người dùng chưa sử dụng hết tiềm năng của nó khi dịch vụ được hỗ trợ trên cơ sở hạ tầng 4G hiện có. Lộ trình tiếp theo trong quá trình triển khai mạng 5G là chuyển sang mô hình 5G SA – StandAlone tách bạch hoàn toàn với hệ thống mạng 4G.

5G SA có thể tự hoạt động, điều này khiến việc triển khai mạng 5G đơn giản và rẻ hơn. 5G sẽ giúp các doanh nghiệp kết nối hàng trăm thiết bị IoT/IIiT, nâng cao hiệu quả và năng suất hoạt động, đồng thời cho phép phát triển các ứng dụng quan trọng trong hầu hết các ngành.

Với mảng phân phối và bán lẻ, các tổ chức phân tích và đánh giá cũng như các nhà phân phối đều cho rằng, thị trường sản phẩm công nghệ thông tin tại Việt Nam vẫn còn rất nhiều tiềm năng trong cả trung và dài hạn.

Mảng Phân phối – Bán lẻ trong ngành phải kể tới FPT, Viettel và Thế giới di động. Mảng kinh doanh này thường đóng góp tỷ trọng lớn doanh thu, nhưng tỷ suất lợi nhuận thường thấp do sự cạnh tranh trong ngành và chi phí triển khai mở rộng chuỗi bán lẻ chiếm chi phí lớn.

Các doanh nghiệp hiện nay đang tiếp tục nỗ lực đẩy mạnh việc tham gia và nâng cao hiệu quả chuỗi giá trị của lĩnh vực này như hoạt động logistics, bán hàng. Đồng thời, đẩy mạnh đầu tư vào chuỗi dịch vụ sửa chữa, bảo hành trên phạm vi cả nước; tiếp tục đầu tư cho thương mại điện tử, các chương trình khách hành và các sản phẩm mới.

Tuy vậy, SBS cũng cho rằng, cơ hội mới đi kèm những thách thức mới. Trong những năm gần đây, sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghệ thông tin đã làm cho yêu cầu của nhân loại đối với công nghệ ngày càng cao. Vì vậy, để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực này, nhiều công ty đã đưa ra hệ thống lương, thưởng hấp dẫn cho nhân viên của mình. Ngay cả những sinh viên mới ra trường cũng đã có mức thu nhập lý tưởng.

Đứng trước làn sóng đầu tư nước ngoài đã mang đến nhiều cơ hội cho thị trường lao động công nghệ thông tin (IT) Việt Nam trở nên sôi động nhất từ trước đến nay. Việt Nam đang thu hút các công ty IT lớn trên thế giới và trong khu vực đầu tư, nên các hoạt động tuyển dụng và xây dựng đội ngũ kỹ sư phát triển sản phẩm, dịch vụ được đẩy mạnh.

Làn sóng chuyển đổi số tại Việt Nam cũng đang diễn ra mạnh mẽ, các doanh nghiệp kinh doanh truyền thống cũng bước vào mô hình thương mại điện tử. Điều này đã tạo nên thiếu hụt nhân sự IT của thị trường, trong khi khả năng đáp ứng còn nhiều hạn chế

Bên cạnh đó, ngành công nghệ thông tin cũng phải đối mặt với nhiều thách thức khác. Thế giới không ngừng phát triển đồng nghĩa với việc dòng chảy của công nghệ thông tin cũng không ngừng đổi mới để thích ứng với sự phát triển này.

Vì vậy, để cạnh tranh và phát triển theo xu hướng này, sinh viên công nghệ thông tin và những “dân IT” chân chính cần không ngừng học hỏi, tự trau dồi, tự nghiên cứu những cái mới nếu không muốn bị đào thải.

Theo nhận định của Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), triển vọng tăng trưởng của ngành công nghệ thông tin vẫn tốt hơn đa số các nhóm ngành khác trên sàn giao dịch trong năm nay.

Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) cũng cho rằng, ngành công nghệ thông tin Việt Nam đang đứng trước thời cơ rất lớn cả trong nước và quốc tế. Thị trường quốc tế cũng đang mở ra những cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin.

Được hưởng lợi từ yếu tố ngành, một số doanh nghiệp không ngừng tăng trưởng qua các năm, có thể kể đến trường hợp của Công ty cổ phần FPT (mã chứng khoán: FPT). Quý đầu năm 2023, doanh nghiệp có thu thuần đạt 11.681 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 1.809,8 tỷ đồng, lần lượt tăng 20% và 18% so với cùng kỳ năm ngoái.

Công ty cổ phần Tập đoàn Công nghệ CMC (mã chứng khoán: CMG) có doanh thu thuần hơn 1.831 tỷ đồng trong quý I/2023, tăng 3% so với kết quả đạt được cùng kỳ năm ngoái. Doanh nghiệp này báo lãi sau thuế hơn 52,2 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ năm trước.

Ở chiều ngược lại, có những doanh nghiệp lợi nhuận giảm sâu. Đơn cử như trường hợp Tổng Công ty cổ phần Đầu tư Quốc tế Viettel (Viettel Global, mã chứng khoán: VGI) có doanh thu thuần hơn 6.481 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ. Đây là quý thứ 3 liên tiếp Viettel Global ghi nhận doanh thu đạt trên 6.000 tỷ đồng. Tuy vậy, chi phí tăng cao trong khi doanh thu tài chính giảm 12% xuống còn hơn 607 tỷ đồng, do đó lãi sau thuế của Viettel Global giảm 58% so với cùng kỳ xuống 595 tỷ đồng.

Hay như trường hợp của Công ty cổ phần Công nghệ - Viễn thông Elcom (mã chứng khoán: ELC) có doanh thu thuần gần 86 tỷ đồng, giảm 59% so với kết quả đạt được cùng kỳ. Cùng đó, doanh nghiệp này cũng chỉ lãi sau thuế gần 3,4 tỷ đồng, giảm 55% so với cùng kỳ.

Cùng cảnh ngộ, Công ty cổ phần Công nghệ Viễn thông Sài Gòn (Saigontel – mã chứng khoán: SGT) có lợi nhuận giảm tới 99% so với cùng kỳ năm ngoái trong quý I/2023 về còn 5,7 tỷ đồng.

Như vậy có thể thấy rằng, dù có nhiều thuận lợi, nhưng vẫn có những doanh nghiệp lợi nhuận giảm rất sâu, chỉ những doanh nghiệp nắm bắt được thời cơ, đón đầu xu hướng thì mới gặt hái được quả ngọt./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục