Doanh nghiệp công nghệ - viễn thông vượt “sóng” COVID-19

09:34' - 03/10/2020
BNEWS Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tập thì nhóm doanh nghiệp ngành công nghệ - viễn thông vẫn có kết quả kinh doanh khả quan với doanh thu, lợi nhuận tăng trưởng khá tích cực.
Trong bối cảnh dịch COVID-19 đang tác động mạnh tới nền kinh tế thì khối doanh nghiệp công nghệ - viễn thông trở thành “điểm sáng” khi tận dụng được ưu thế để có mức tăng trưởng dương. 

Kỳ vọng hưởng lợi từ đầu tư công 

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, tính đến cuối tháng 6/2020, số lượng doanh nghiệp công nghệ thông tin, điện tử viễn thông của cả doanh nghiệp nội địa và nhà đầu tư nước ngoài (FDI) là khoảng 45.500 doanh nghiệp. 

Tổng doanh thu công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông (cả nội địa và FDI) 6 tháng đầu năm ước tính gần 50 tỷ USD, tăng trưởng 2,2% so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó, doanh thu từ khối FDI đạt 47 tỷ USD, chiếm 95% tổng doanh thu. 

Riêng quý II/2020, doanh thu công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử - viễn thông đạt gần 26 tỷ USD, tăng 9,2% so với quý I/2020. 

Tổng doanh thu xuất khẩu công nghệ thông tin, điện tử - viễn thông của Việt Nam đến tháng 6/2020 ước tính 45,7 tỷ USD, tăng 4% so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó, doanh thu xuất khẩu từ khối FDI đạt 44,5 tỷ USD, chiếm 97% tổng doanh thu xuất khẩu của Việt Nam. 

Theo Công ty cổ phần Chứng khoán Phú Hưng (PHS), các dịch vụ gia công phần mềm, các dự án công nghệ - viễn thông trong 2 quý đầu năm 2020 ít bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 khi các công ty tăng đầu tư công nghệ trong các mảng logistics, thương mại điện tử, các phần mềm, ứng dụng cũng như các dịch vụ viễn thông. 

Năm 2020, Chính phủ dự kiến sẽ mở rộng chính sách tài khóa và tăng chi tiêu công để thúc đầy nền kinh tế, các dự án công nghệ thông tin - viễn thông được kỳ vọng sẽ được đầu tư trong thời gian tới và các công ty công nghệ - viễn thông sẽ được hưởng lợi khi đầu tư công tăng, PHS nêu quan điểm. 

Tuy nhiên, theo các chuyên gia từ PHS, các doanh nghiệp công nghệ - viễn thông vẫn có thể gặp những rủi ro, vì đây là ngành đòi hỏi đầu tư lớn nhưng công nghệ có thể nhanh chóng trở nên lỗi thời. 

Bên cạnh đó về lâu dài, việc các công ty lớn cắt giảm chi tiêu CAPEX (chi phí vốn) cho đầu tư công nghệ - viễn thông khi doanh thu bị giảm do dịch bệnh có thể ảnh hưởng đến các hợp đồng công nghệ - viễn thông lớn của các doanh nghiệp trong ngành. 

Các chuyên gia từ PHS cho biết, tháng 10/2020 Việt Nam sẽ thương mại hoá 5G bằng thiết bị Việt Nam. Các công ty ngành điện tử - viễn thông Việt Nam cần thay đổi, lắp đặt và thử nghiệm hạ tầng, nghiên cứu và ứng dụng các công nghệ mới như công nghệ 5G, IoT, Big Data, AI…. 

Doanh nghiệp công nghệ - viễn thông sẽ phải đối diện với những thách thức về con người, lao động có kỹ thuật cao và hạ tầng đáp ứng công nghệ mới. 

Vượt thử thách 

Thực tế, trong khi hầu hết các doanh nghiệp đang phải “gồng mình” để duy trì sản xuất kinh doanh do những tác động tiêu cực từ dịch COVID-19 thì nhóm doanh nghiệp ngành công nghệ - viễn thông lại có kết quả kinh doanh khả quan với doanh thu, lợi nhuận tăng trưởng khá tích cực. 

Có thể kể đến doanh nghiệp đầu ngành công nghệ là Công ty cổ phần FPT (mã chứng khoán: FPT), trong dịch COVID-19, doanh nghiệp này đã biến thách thức thành cơ hội trong phát triển sản xuất, kinh doanh. 

Theo thông tin từ FPT, doanh thu thuần và lợi nhuận trước thuế 8 tháng năm 2020 của doanh nghiệp đạt lần lượt 18.321 tỷ đồng và 3.343 tỷ đồng, tăng trưởng 7,6% và 11,7% so với cùng kỳ năm 2019. Trong khi đó, biên lợi nhuận trước thuế tăng lên 18,2% từ 17,6% cùng kỳ năm ngoái. 

FPT cho biết, tuy gặp nhiều khó khăn do đại dịch COVID-19, FPT đã nhanh chóng đưa ra các quyết sách để giảm thiểu rủi ro cũng như đón đầu các cơ hội lớn trên thị trường công nghệ. 

Doanh thu chuyển đổi số (DX) 8 tháng năm 2020 đạt 2.274 tỷ đồng, tăng trưởng 46% so với cùng kỳ năm 2019, cho thấy cơ hội cho công nghệ số vô cùng lớn trong bối cảnh “bình thường mới”; trong đó, các giải pháp Cloud, Low code và IoT đóng góp lớn cho tốc độ tăng trưởng này. 

Để thích ứng với điều kiện kinh doanh mới, FPT đã nhanh chóng đẩy mạnh tương tác và tiếp cận khách hàng qua các kênh online như hội thảo trực tuyến. 

Nhờ các nỗ lực không ngừng nghỉ trong việc đấu thầu các dự án mới, giá trị hợp đồng ký mới trong tháng 8 đạt hơn 1.500 tỷ đồng, tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ năm 2019. 

Dịch vụ công nghệ thông tin trong nước ghi nhận thành công nhiều hợp đồng phần mềm trong tháng 8. Đặc biệt, doanh thu nội địa từ các sản phẩm Made-by-FPT tăng 40% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Một tập đoàn công nghệ lớn nữa là CTCP Tập đoàn Công nghệ CMC - CMC (mã chứng khoán: CMG) cũng công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2020 (từ 1/4 đến 30/6/2020) với doanh thu thuần 1.058 tỷ đồng, tăng nhẹ 5%, trong khi lợi nhuận sau thuế tăng gấp đôi cùng kỳ lên 42,8 tỷ đồng. 

Phần lợi nhuận thuộc về công ty mẹ là 28,35 tỷ đồng, gấp 3,3 lần cùng kỳ năm trước. Thu nhập trên mỗi cổ phần (EPS) quý I đạt 284 đồng. 

Theo CMC, lợi nhuận trong kỳ tăng mạnh do khối giải pháp và công nghệ tăng trưởng lợi nhuận 67%. Bên cạnh đó, khối kinh doanh quốc tế bắt đầu có lợi nhuận, tăng trưởng 126% so với cùng kỳ năm trước. 

Doanh thu tài chính trong quý I niên độ tài chính tăng 2,5 lần so với cùng kỳ năm trước, đạt 21,7 tỷ đồng, chủ yếu do tăng mạnh lãi tiền gửi, tiền cho vay. 

Đối với doanh nghiệp viễn thông, theo các nhà phân tích từ PHS, thị phần chủ yếu của dịch vụ viễn thông di động mặt đất do 3 công ty lớn nắm giữ tới 98,1%; trong đó, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) nắm 54,1% thị phần, Tổng Công ty Viễn thông Mobifone nắm 25,6% thị phần và Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam VNPT là 18,4% thị phần. 

Trong khi đó, theo dự báo từ GlobalData, một công ty phân tích và dữ liệu hàng đầu, doanh thu viễn thông di động ở Việt Nam tăng trưởng doanh thu kép (CARG) 5,9%/năm, doanh thu dịch vụ băng rộng mặt đất ở Việt Nam tăng trưởng ở mức CARG 0,9%/năm trong giai đoạn 2019 - 2024 do lượng người dùng tăng trưởng ổn định và doanh thu trên mỗi người dùng (ARPU) cũng tăng trưởng trong những năm gần đây. 

Thực tế, các công ty viễn thông cũng đang có kết quả kinh doanh tích cực, bất chấp dịch bệnh. Đơn cử, nửa đầu năm 2020, doanh thu của Tổng Công ty cổ phần Đầu tư Quốc tế - Viettel (mã chứng khoán: VGI) đạt 8.615 tỷ đồng, tăng 9,7% so với cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận sau thuế đạt 746,6 tỷ đồng, cũng tăng 4,3% so với cùng kỳ. 

Theo Công ty cổ phần Chứng khoán Phú Hưng, dư địa tăng trưởng lớn với hạ tầng phủ sóng chiếm trên 90% ở các quốc gia VGI đang hoạt động, VGI có tiềm năng phát triển thuê bao data, dịch vụ số, dịch vụ thanh toán với dư địa lớn, cải thiện biên lợi nhuận trong tương lai. 

VGI sở hữu hơn 151.000 km tổng chiều dài cáp quang, 55.500 trạm phát sóng. Tổng số thuê bao của VGI cuối năm 2019 là 51 triệu, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước đó, với tiềm năng thị phần là 220 triệu dân. Thị phần lớn và lượng người dùng ổn định với hệ thống cơ sở hạ tầng viễn thông rộng lớn đã đi vào hoạt động ổn định. 

Một công ty khác cũng thuộc “họ” Viettel là Tổng CTCP Công trình Viettel (mã chứng khoán: CTR) cũng có kết quả kinh doanh tăng trưởng trong bối cảnh dịch bệnh. 

Theo Báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2020 của doanh nghiệp này, doanh thu thuần quý II của doanh nghiệp đạt 1.305 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 6 tháng đầu năm, CTR đạt doanh thu 2.686 tỷ đồng, tăng 11% và lợi nhuận sau thuế 98,4 tỷ đồng, tăng 28% so với cùng kỳ năm 2019. 

Trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp có kết quả kinh doanh giảm sút, thậm chí lỗ nặng thì các công ty công nghệ - viễn thông đạt được mức doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng dương là “ao ước” của nhiều doanh nghiệp. Đây cũng là minh chứng cho việc doanh nghiệp biết tận dụng cơ hội, biến khó khăn thành lợi thế để vượt qua thách thức./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục