Doanh nghiệp đau đầu tìm lời giải cho bài toán thương hiệu gạo Việt

14:40' - 01/08/2016
BNEWS Báo cáo quý II/2016 của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho thấy đến thời điểm này, khối lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam mới đạt 1,23 triệu tấn, giảm khoảng 32% so với cùng kỳ năm 2015.
Xuất khẩu gạo của Việt Nam có xu hướng giảm. Ảnh: Đình Huệ/TTXVN
Các chuyên gia về mặt hàng nông sản này dự báo rằng, từ nay tới cuối năm, thị trường gạo xuất khẩu của Việt Nam sẽ tiếp tục diễn biến ảm đạm. Bởi lẽ, đang có xu hướng nhập khẩu gạo chững lại từ các nước như Indonesia, Philippines và Trung Quốc, vốn là những thị trường tiêu thụ lớn nhất gạo Việt Nam hiện nay. 

Nhiều nguyên nhân được chỉ ra có liên quan tới sự sụt giảm về sản lượng xuất khẩu gạo; trong đó, phải kể tới hạn chế về phát triển thương hiệu gạo, hay những khó khăn của các doanh nghiệp khi gây dựng và phát triển thương hiệu gạo cho riêng mình.

Vừa là doanh nghiệp, cũng vừa là nhà khoa học chuyên nghiên cứu và phát minh các giống lúa, gạo đặc sản - thuần Việt, kỹ sư nông nghiệp Phan Văn Hòa, Giám đốc Công ty TNHH Khoa học công nghệ Vĩnh Hòa bày tỏ sự trăn trở về những khó khăn trong việc xây dựng thương hiệu gạo chất lượng cao, vốn nổi danh tại xứ Nghệ. 

Vĩnh Hòa là doanh nghiệp duy nhất được mua bản quyền giống lúa AC5 của Viện Cây lương thực và thực phẩm (Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam), đồng thời phát minh thêm giống lúa thảo dược. Sau nhiều năm tổ chức liên kết cùng nông dân trong sản xuất và chế biến, gạo chất lượng cao và gạo thảo dược Vĩnh Hòa đã dần chiếm lĩnh được niềm tin của người tiêu dùng và có chỗ đứng trên thị trường trong nước. Tuy nhiên, để xuất khẩu ra nước ngoài lại là câu chuyện khác. 

Ông Hòa cho biết, tuy có xuất khẩu nhưng gạo Vĩnh Hòa đang phải qua một kênh trung gian. Bởi các nước nhập khẩu đòi hỏi nhiều yêu cầu về điều kiện sản xuất - thâm canh, quy trình kỹ thuật - chế biến và bảo quản… mà với một doanh nghiệp tư nhân như Vĩnh Hòa thì thật khó để đáp ứng. Mới đây, một doanh nghiệp Hàn Quốc cũng vừa ký hợp đồng thu mua gạo thảo dược Vĩnh Hòa và cam kết hỗ trợ máy móc chế biến cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, có được kết quả này cũng phải nhờ nỗ lực tự thân và sự vận động từ nhiều phía. 

Ông Hòa lý giải, cũng bởi nhiều nguyên nhân, nên dù gạo chất lượng cao AC5 và gạo thảo dược Vĩnh Hòa đã ra đời và được sản xuất đại trà từ hơn chục năm nay, song chỉ loanh quanh "ao làng". Xây dựng và phát triển thương hiệu gạo gặp rất nhiều khó khăn, cả trong khâu sản xuất lẫn mở rộng thị trường tiêu thụ. 

Trên thị trường hiện nay, các lúa giống lai được bán với giá từ 96.000 - 125.000 đồng/kg; trong khi, giá lúa giống thuần khoảng 25.000 đồng/kg và giá lúa giống chất lượng cao khoảng 50.000 đồng/kg. Tuy nhiên, sau thu hoạch, lúa từ giống lai chỉ đạt mức giá từ 5.000 - 5.500 đồng/kg nhưng rất ít người mua. Trong khi, lúa từ giống thuần đạt khoảng 7.250 - 7.500 đồng/kg; thậm chí, lúa từ giống chất lượng cao đạt mức 9.000 đồng/kg, mà không có để bán. Lúa giống thuần tuy giá mua thấp nhưng giá thành phẩm lại đạt mức bán ra cao, nên nông dân sẽ thu lợi nhiều hơn, tuy nhiên không mấy ai quan tâm tới điều này. 

Đây là một nghịch lý, ông Hòa than thở: “Rõ ràng nguyên nhân là do áp lực cạnh tranh vì hoa hồng, vì nguồn thu chênh lệch của các giống lúa lai khác, nên gạo Vĩnh Hòa vẫn chưa thực sự được người dân chú trọng, cũng như chưa được đánh giá đúng về tiềm năng phát triển, nên chưa có hỗ trợ đúng mức hay bất kỳ cơ chế ưu đãi nào để phát triển thương hiệu gạo như là một đặc sản của vùng xứ Nghệ”. 

Đối với Vĩnh Hòa, cái khó trong xây dựng thương hiệu gạo còn là do Nhà nước đang “bó cứng” chỉ tiêu 20% sản lượng gạo xuất khẩu là thương hiệu Việt như nội dung của Đề án phát triển thương hiệu gạo Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Bởi khi cơ hội sản xuất lúa gạo theo hướng hàng hóa bị giới hạn, đồng nghĩa với việc doanh nghiệp sẽ thiếu động lực để tập trung đầu tư, liên kết cùng nông dân sản xuất lúa gạo, vốn là lĩnh vực nhiều rủi ro và chịu nhiều tác động từ các yếu tố khách quan. 

Trên thị trường, không nhiều doanh nghiệp nắm trong tay những giống lúa chất lượng cao, đáp ứng được yêu cầu sản xuất hàng hóa, cũng như đủ năng lực về trình độ, kỹ thuật và tài chính để đầu tư sản xuất gạo hàng hóa như Vĩnh Hòa. 

Doanh nghiệp vẫn gặp khó trong việc xây dựng thương hiệu gạo Việt. Ảnh: TTXVN
Ông Trần Anh Tuấn, Chuyên gia tư vấn thương hiệu (Công ty Tư vấn The Pathfinder) nhận định, Việt Nam là cường quốc xuất khẩu gạo, nhưng chưa sở hữu những thương hiệu mạnh ở tầm quốc tế, xét ở góc nhìn thương hiệu quốc gia, thương hiệu sản phẩm hay thương hiệu doanh nghiệp có nguồn gốc từ Việt Nam. Vấn đề nằm ở chỗ, gạo Việt Nam đang thiếu chiến lược xuất khẩu, thiếu sự phối hợp và hỗ trợ của truyền thông để giúp thương hiệu gạo Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào thị trường thế giới, như cách mà những đối thủ xuất khẩu gạo khác là Ấn Độ, Thái Lan và thậm chí là Campuchia đã và đang làm, được đánh giá là tốt hơn hẳn so với Việt Nam. 

Theo phân tích của nhiều chuyên gia, sản xuất lúa gạo hiện vẫn theo xu hướng tự phát là chủ yếu, theo nhu cầu của thị trường, thay vì định vị tập trung vào các thị trường mục tiêu hay các sản phẩm mang lại giá trị xuất khẩu cao. Vì thế, thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam chủ yếu là các nước châu Á, dễ chấp nhận sản phẩm gạo có chất lượng trung bình, độ đồng đều không cao và giá thành thấp. Gạo thương hiệu Việt Nam ít có cơ hội thâm nhập vào các thị trường cao cấp như châu Âu, Mỹ (luôn đòi hỏi khắt khe về chất lượng, nguồn gốc xuất xứ, tiêu chuẩn an toàn vệ sinh hay quy cách đóng gói, bảo quản…). Cho dù, đó cũng là những nơi sẵn sàng trả giá nhập khẩu cao hơn nếu các mặt hàng nông sản của Việt Nam đạt quy chuẩn; trong đó, có gạo. 

Năm 2015, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định 706/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển thương hiệu gạo Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, một trong những mục tiêu cụ thể là tổ chức sản xuất, chế biến và phân phối các sản phẩm gạo trắng, gạo thơm và gạo đặc sản, để đến năm 2020 đạt 20% sản lượng gạo xuất khẩu mang thương hiệu gạo Việt Nam và tham gia trực tiếp vào chuỗi giá trị toàn cầu; phấn đấu tới năm 2030 đạt 50% sản lượng gạo xuất khẩu mang thương hiệu gạo Việt Nam. 

Ông Nguyễn Trọng Thừa, nguyên Cục trưởng Cục Chế biến nông, lâm, thủy sản và nghề muối (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) nhận định, việc xây dựng thương hiệu để gạo Việt Nam thâm nhập và tiếp cận rộng hơn tới các thị trường xuất khẩu khác là rất khó khăn. Vì thế, cần có cách tiếp cận mới để gắn kết công tác xúc tiến thương mại với việc xây dựng giá trị thương hiệu cho mặt hàng nông sản này. 

Theo đó, vai trò quan trọng là của các bộ, ngành trong hội đồng xúc tiến thương mại, sự tham gia đóng góp của các hiệp hội và doanh nghiệp nông nghiệp là chủ yếu. Thực tế thì các chương trình xúc tiến thương mại đã được triển khai trong thời gian qua còn chậm được đổi mới, chưa giúp được nhiều cho các doanh nghiệp chủ động tiếp cận thị trường, đáp ứng những đòi hỏi này càng cao khi hội nhập. 

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Phạm Thái Bình, Giám đốc, Công ty TNHH Trung An (thành phố Cần Thơ) bày tỏ quan điểm rằng, xây dựng thương hiệu gạo phải xuất phát từ cánh đồng, nghĩa là phải tổ chức lại sản xuất, phải có cơ giới hóa, có giống tốt đủ để cung cấp cho sản xuất; công tác bảo quản và chế biến sau thu hoạch cũng cần phải được đầu tư đúng mức… Những việc này, không thể thiếu sự hỗ trợ từ nhà nước, các cấp ngành, các hiệp hội, các nhà khoa học cùng bắt tay và liên kết với doanh nghiệp và nông dân. 

“Thật lòng, kể cả doanh nghiệp và nông dân cũng sẽ không thể tự mình xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam, cũng như khó đón lấy cơ hội tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu trong hội nhập”, ông Bình trăn trở. 

Để phát triển thương hiệu gạo Việt Nam nói chung và gạo chất lượng cao, gạo thảo dược Vĩnh Hòa nói riêng, ông Phan Văn Hòa cho rằng, nếu được nhà nước ủng hộ; chính quyền địa phương từ cấp xã, cấp huyện tạo điều kiện, giúp đỡ cho doanh nghiệp tiếp cận tới nông dân và đưa giống thuần vào sản xuất hàng hóa, cũng như nhân rộng mô hình tới nhiều địa bàn trong tỉnh; đồng thời giúp doanh nghiệp có tâm thế chính danh trong xuất khẩu gạo. Đó là một trong những cách hiệu quả và thiết thực nhất mà doanh nghiệp đang mong đợi lúc này./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục