Doanh nghiệp dệt may cần có các giải pháp căn cơ để vượt khó

21:30' - 07/10/2016
BNEWS Rất nhiều áp lực mới đè nặng lên ngành dệt may, do đó các doanh nghiệp cần phải nỗ lực và thực hiện các giải pháp căn cơ thì mới có thể hoàn thành được kế hoạch xuất khẩu năm 2016 (đã điều chỉnh).
Doanh nghiệp dệt may cần có các giải pháp căn cơ để vượt khó. Ảnh: Hằng Trần/BNEWS/TTXVN.

Ngày 7/10, tại buổi họp báo, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho biết, chưa bao giờ ngành dệt may Việt Nam lại khó khăn như hiện nay.

Rất nhiều áp lực mới đè nặng lên ngành dệt may Việt Nam, do đó các doanh nghiệp trong ngành cần phải nỗ lực và thực hiện các giải pháp căn cơ thì mới có thể hoàn thành được kế hoạch xuất khẩu năm 2016 (đã điều chỉnh).

Ông Vũ Đức Giang cho biết thêm, trong tháng 9/2016, tổng kim ngạch xuất khẩu (KNXK) hàng dệt may của Việt Nam đạt trên 2,69 tỷ USD, giảm 7% so với tháng trước và tăng 9,6% so với cùng kỳ năm ngoái, nâng KNXK mặt hàng này trong 9 tháng năm 2016 ước đạt 21,11 tỷ USD, tăng 6% so với cùng kỳ 2015, hoàn thành 68% so với kế hoạch.

Xuất khẩu sang các nước thành viên TPP và EU tăng trưởng thấp, thậm chí giảm. Tổng kim ngạch XK sang TPP 8 tháng đầu năm đạt 10,2 tỷ USD, tăng 3,95% so với cùng kỳ 2015, chiếm tỷ trọng 36,4% trên tổng KNXK dệt may cả nước, trong đó Nhật Bản đang hồi phục tốt với mức tăng trưởng 22,6% trong tháng 8, đưa kim ngạch 8 tháng đầu năm lên 1,88 tỷ USD, tăng 6,21% so cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 6,21%.

KNXK sang Hoa Kỳ đạt 7,64 tỷ USD, tăng 4,09%, chiếm tỷ trọng 27,25%. KNXK sang EU trong tháng 8 giảm 11,13% so với tháng trước đạt 345 triệu USD, nhưng KNXK sang EU 8 tháng đầu năm vẫn tăng trưởng 4,48%,nđạt 2,34 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 8,35%. KNXK sang Hàn Quốc tháng 8 đạt mức tăng trưởng rất cao 70%, đưa KNXK 8 tháng lên 1,39 tỷ USD, tăng 15,25% so cùng kỳ 2015, chiếm tỷ trọng 4,97%.

Tuy nhiên, 9 tháng đầu năm nay xuất khẩu dệt may của Việt Nam vẫn đạt tăng trưởng thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây.

Ngoài những yếu tố khách quan tác động như nền kinh tế của một số nước nhập khẩu dệt may của Việt Nam đang gặp khó khăn, sự kiện Brexit ở Anh thì một trong những khó khăn của ngành dệt may bắt nguồn từ chính sách giữ tỷ giá của đồng Việt Nam ổn định so với các đồng ngoại tệ khác, khiến hàng hóa Việt Nam trở nên đắt hơn so với các nhà cung cấp khác, nên sức cạnh tranh của hàng Việt Nam giảm so với các nước khác.

Ngoài ra, lãi vay ngân hàng cũng ở mức rất cao, 8-10%/năm, gấp từ 2 đến 4 lần so với nhiều nước.

Hiện tình trạng khan hiếm đơn hàng đang xảy ra khá phổ biến ở nhiều doanh nghiệp, lượng đơn hàng của nhiều doanh nghiệp dệt may hiện mới chỉ bằng 70% so với cùng kỳ năm ngoái. Trước tình hình này, Hiệp hội Dệt may cũng khuyến cáo các DN phải thích ứng với tình hình thị trường, chấp nhận việc chuyển đổi đơn hàng để giảm thiểu thiệt hại cho doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, song song với việc giữ vững thị trường xuất khẩu truyền thống cũng phải khai thác, mở rộng thêm các thị trường ngách ở Trung cận Đông, châu Phi… và tăng cường mở rộng thị trường nội địa với đa dạng hóa các mặt hàng, phù hợp thị hiếu và thu nhập của người dân ở vùng miền, có như vậy mới tận dụng tối đa sức mua của đất nước có đến 90 triệu dân.

Dự báo, xuất khẩu hàng dệt may nước ta năm nay đạt khoảng 28 đến 29 tỷ USD, tăng 5% so với năm 2015, như vậy trung bình 3 tháng cuối năm, xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam phải đạt ít nhất 2,5 tỷ USD, tăng 8 - 10% so với trung bình trong 3 tháng cuối năm 2015.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục