Doanh nghiệp dệt may "đau đầu" với áp lực chi phí nhân công

09:57' - 02/08/2017
BNEWS Năm 2017, dự kiến chi phí nhân công tiếp tục là vấn đề khó khăn với doanh nghiệp dệt may khi mức lương tối thiểu vùng bình quân 7,3% so với năm 2016.
Doanh nghiệp dệt may "đau đầu" với áp lực chi phí nhân công. Ảnh minh họa: Hằng Trần/BNEWS/TTXVN

Theo Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas), một trong những khó khăn hiện nay mà các doanh nghiệp dệt may đang phải đối mặt đó là chi phí, tiền lương nhân công. Năm 2016, tiền lương tối thiểu của công nhân dệt may tăng 13%, khiến chi phí đầu vào gia tăng đã tạo áp lực tiêu cực đến toàn ngành.

Năm 2017, dự kiến chi phí nhân công tiếp tục là vấn đề khó khăn khi Hội đồng Tiền lương Quốc gia nâng mức lương tối thiểu vùng bình quân 7,3% so với năm 2016, việc này đã nhận được không ít ý kiến lo ngại của các doanh nghiệp dệt may.

Lãnh đạo Tổng công ty May 10 cho biết, ngành may mặc và nhiều ngành khác hiện nay trả lương theo sản phẩm, với mức bình quân 7 triệu đồng/người/tháng; trong đó, có khoảng 5% lao động doanh nghiệp phải bù lương vì tay nghề không đáp ứng được yêu cầu. Hiện mức đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động cũng rất cao (doanh nghiệp phải đóng khoảng 22%).

Theo tính toán của công ty, với thay đổi cách tính năm 2017, số tiền đóng bảo hiểm xã hội phát sinh thêm của công ty 22 tỷ đồng so với năm 2016. Trong khi một số nước trong khu vực, như Myanmar đang cạnh tranh với Việt Nam, doanh nghiệp lại không mất phí bảo hiểm xã hội. Từ năm 2018, lương tính đóng bảo hiểm xã hội ngoài lương sẽ còn các khoản phụ cấp, bổ sung, chi phí đóng bảo hiểm xã hội của doanh nghiệp sẽ rất lớn.

Theo ông Phí Việt Trịnh, Tổng Giám đốc Tập đoàn May Hồ Gươm, tín hiệu từ các đơn hàng từ nay đến cuối năm nhiều, công ty đang hy vọng nhiều đơn hàng lớn. Tuy nhiên, do lượng lao động biến động, giảm đi so với năm ngoái tương đối lớn, dẫn đến mục tiêu tăng trưởng đặt ra của công ty khó hoàn thành, nhưng tính trên năng suất công ty vẫn tăng trưởng từ 10 đến 20%.

Ông Trịnh giải thích, lao động ngành may giảm vì đây là lao động phổ thông và hiện tại nền kinh tế đang phát triển tốt nên một số doanh nghiệp khác như ngành điện tử, viễn thông… có điều kiện tương đối tốt so với ngành dệt may nên đã thu hút được nhiều lao động. Như vậy dần dần ngành dệt may dần mất lao động và nếu ngành không tìm cách tăng năng suất và tăng lượng thì việc thu hút lao động ngày càng khó.

Bên cạnh đó, mức độ cạnh tranh lương giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI cũng là một vấn đề lớn. Các doanh nghiệp FDI trả lương từ 7-8 triệu người /lao động, trong khi các doanh nghiệp dệt may trong chỉ trong khoảng từ 6,5-7 triệu đồng.

Ông Lê Tiến Trường, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) cho biết, Hội đồng tiền lương của Tập đoàn vừa qua đã phê duyệt phương án tăng 13% tiền lương năm 2017. Đây vẫn luôn là vấn đề đau đầu của ngành dệt may trong các năm gần đây. Trong khi đó, phía bên cầu, khách hàng lại đang tạo áp lực về mặt giá thành.

Tỷ lệ tăng giá trên sản phẩm rất nhỏ nhưng tỷ lệ giảm giá rất cao, khả năng đối phó của ngành với tình hình phát triển chung đang gặp điểm nghẽn. Với cơ chế chi phí đầu vào tăng như hiện tại các doanh nghiệp vừa và nhỏ của ngành dệt may nếu không có những cơ chế đột phá rất dễ phải đóng cửa./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục