Doanh nghiệp dệt may miền Bắc bao tiêu sản phẩm xơ PSF của VNPOLY

08:09' - 19/05/2021
BNEWS Sản phẩm xơ sợi tổng hợp PSF của VNPOLY được nhiều doanh nghiệp dệt may miền Bắc thuộc Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) đồng ý bao tiêu sản phẩm.
Công ty cổ phần Hóa dầu và Xơ sợi Việt Nam (VNPOLY) cho biết, sản phẩm xơ sợi tổng hợp PSF của công ty được nhiều doanh nghiệp dệt may miền Bắc thuộc Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) đồng ý bao tiêu sản phẩm.

Theo Tổng giám đốc VNPOLY Trần Huy Thư, mục tiêu sản xuất xơ tổng hợp PSF của Nhà máy là để phục vụ các doanh nghiệp trong nước, đem lại giá trị gia tăng lớn nhất cho VNPOLY và các đối tác sản xuất sợi Việt Nam.

Hiện VNPOLY đã có các giải pháp mới để nâng cao độ ổn định chất lượng sản phẩm xơ PSF, đã tìm kiếm được đối tác cung cấp nguồn nguyên liệu chính cho nhà máy ổn định, lâu dài. VNPOLY cũng đã có kế hoạch về tài chính, nguồn nhân lực kỹ thuật cao, mời chuyên gia vận hành uy tín, có kinh nghiệm vận hành nhà máy.

Đặc biệt, trong thời gian chuẩn bị vận hành lại nhà máy, VNPOLY đã phối hợp cùng Công ty cổ phần Hóa chất và Dịch vụ Dầu khí (PVChem Tech) đàm phán làm tổng đại lý một số sản phẩm xơ của các công ty Đài Loan, Trung Quốc, hỗ trợ (không đặt mục đích lợi nhuận) các doanh nghiệp Vinatex có nhu cầu mua xơ.

Ông Thư cũng cho biết, tới đây, VNPOLY sẽ ký tiếp các hợp đồng nguyên tắc tiêu thụ sản phẩm với các đơn vị tại Huế - khu vực miền Trung và Tp. Hồ Chí Minh - khu vực miền Nam.

Trong hơn 2 năm qua, VNPOLY đã cùng đối tác chiến lược Sinkong - Đài Loan (Trung Quốc) triển khai sản xuất sợi tổng hợp DTY, nâng dần công suất chạy máy lên tới 27 dây chuyền với công suất khoảng 40 tấn/ngày.

Hiện sản phẩm sợi của VNPOLY đạt chất lượng cao, sản lượng ổn định, đáp ứng được mọi yêu cầu về kỹ thuật và được các đối tác quốc tế hàng đầu thế giới về thời trang như Target, Adidas

Theo Phó Tổng giám đốc Vinatex Cao Hữu Hiếu, dịch COVID-19 đã ảnh hưởng lớn đến các doanh nghiệp dệt may Việt Nam, thậm chí nhiều đơn vị thua lỗ liên tục trong hơn 1 năm.

Tuy nhiên, với sự cải thiện của thị trường trong 6 tháng lại đây, các doanh nghiệp dệt may thuộc Vinatex đã phục hồi nhanh chóng nên nhu cầu về xơ PSF tăng cao hơn bao giờ hết.

Đến quý IV/2020, thị trường đã nóng lên, các doanh nghiệp Việt Nam nhận được đơn hàng đến hết quý III/2021. Bên cạnh đó, nhu cầu đầu tư phát triển cũng như kế hoạch xây dựng nhà máy mới của các đơn vị trong Vinatex cũng tăng cao.

Riêng khu vực Nam Định, dự kiến đến đầu năm 2022 sẽ có thêm khoảng 3 nhà máy với tổng cộng hơn 15 vạn cọc sợi. Đây là tín hiệu tốt từ thị trường trong nước, nâng nhu cầu về sơ PSF lên cao hơn nữa.

Mặt khác, thói quen tiêu dùng hàng dệt may trên thế giới đang chuyển dần từ len, cotton sang các loại sản phẩm vải pha trộn từ chất liệu tự nhiên như bông, đay và xơ tổng hợp./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục