Doanh nghiệp đường sắt “loay hoay” tìm việc sau cổ phần hóa

07:42' - 05/10/2016
BNEWS Sản phẩm công ích hiện Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đặt hàng hầu như chỉ chiếm xấp xỉ trên dưới 70% giá trị sản lượng của các doanh nghiệp đường sắt.
Công nhân Công ty cổ phần Đường sắt Hà Ninh (Nam Định) đang xây dựng kè bảo vệ đường sắt. Ảnh: Quang Toàn/BNews/TTXVN

Sau gần 1 năm chuyển đổi hoạt động theo mô hình cổ phần hóa, 20 doanh nghiệp quản lý hạ tầng đường sắt đang đối mặt với nhiều khó khăn bởi ngoài công việc làm bảo trì theo đơn đặt hàng, thì rất hiếm doanh nghiệp tìm được việc làm mới.

Trên 70% công việc vẫn là bảo trì

Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, ông Đoàn Duy Hoạch cho biết, 20 doanh nghiệp công ích quản lý kết cấu hạ tầng đường sắt (gồm 15 công ty quản lý cầu đường và 5 công ty quản lý thông tin tín hiệu) chính thức hoạt động theo mô hình cổ phần từ đầu năm 2016. Hiện Tổng công ty đang chiếm tỷ lệ vốn là 51%.

 “Để các doanh nghiệp này sau khi chuyển đổi mô hình vẫn duy trì sản xuất ổn định, đảm bảo đời sống, việc làm cho người lao động, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam vẫn thực hiện cơ chế đặt hàng công ích về duy tu, bảo trì, sửa chữa định kỳ và thực hiện chức năng tuần gác hạ tầng đường sắt.

Tuy nhiên công việc này trong thời gian tới sẽ phải thực hiện cơ chế đấu thầu để tạo sự minh bạch và cạnh tranh lành mạnh. Khi đó, các doanh nghiệp này sẽ rất khó khăn trong tìm kiếm công việc”, ông Hoạch cho hay.

Sản phẩm công ích đặt hàng doanh nghiệp đường sắt hiện chỉ chiếm xấp xỉ trên dưới 70% giá trị sản lượng của các doanh nghiệp. Ảnh: An Hiếu/TTXVN

Ông Ma Ngọc Yên, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đường sắt Hà Ninh (Nam Định) nhận xét, sản phẩm công ích về duy tu mà Tổng công ty Đường sắt giao cho các doanh nghiệp chỉ đáp ứng khoảng 60 - 70% nhu cầu và giá trị sản lượng của công ty, trong khi trước cổ phần hóa, đây là nhiệm vụ thường xuyên của các công ty hạ tầng.

Còn theo ông Nguyễn Quốc Vượng, Giám đốc Công ty cổ phần Đường sắt Hà Hải (Hà Nội), sản phẩm công ích hiện Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đặt hàng doanh nghiệp chiếm xấp xỉ trên dưới 70% giá trị sản lượng của công ty. Còn lại 30% công việc, lãnh đạo công ty đang phải tìm kiếm để đảm bảo việc làm và thu nhập cho người lao động.

Trao đổi với đại diện các doanh nghiệp khác của ngành đường sắt sau cổ phần hóa cũng đều nhận được câu trả lời tương tự là vẫn phải trông chờ chính vào “bầu sữa” của Tổng công ty qua việc đặt hàng duy tu, bảo trì.

Khó cạnh tranh

Theo một lãnh đạo ngành đường sắt, trong số 20 công ty hạ tầng đường sắt hiện chỉ có 1-2 đơn vị có sản lượng công việc tìm kiếm được từ ngoài ngành đường sắt cao hơn sản lượng công việc đặt hàng của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, ví dụ như Công ty cổ phần Đường sắt Thanh Hóa, còn lại vẫn phải trông vào công việc của Tổng công ty giao.

Mặc dù các doanh nghiệp đều nỗ lực tinh giản bộ máy điều hành, giảm số lượng lao động nhưng nhìn chung các doanh nghiệp quản lý hạ tầng đường sắt cấu vẫn còn cồng kềnh.

Ông Nguyễn Quốc Vượng, Giám đốc Công ty cổ phần Đường sắt Hà Hải cho biết, sau cổ phần hóa, công ty đã cắt giảm được 172 lao động, còn 1.050 người; các phòng ban cũng được rút gọn từ 32 đầu mối xuống chỉ còn 14 đầu mối.

Đặc thù ngành đường sắt có số lao động lớn, khó sắp xếp đủ việc làm. Ảnh: TTXVN

Tuy nhiên, lực lượng lao động trên vẫn đông, cộng thêm tiền đóng bảo hiểm cho người lao động cũng tăng lên từ 1/1/2016, điều này gây áp lực lớn đối với quỹ lương cho doanh nghiệp.

Theo ông Phạm Văn Tú, Giám đốc Công ty cổ phần Đường sắt Hà Thái (Hà Nội), bản thân doanh nghiệp đường sắt đã có tính đặc thù, cộng với nhiều năm hoạt động theo kế hoạch được Tổng công ty giao, giờ chuyển đối mô hình hoạt động nên tính chủ động tìm kiếm công việc của doanh nghiệp bị hạn chế.

Mặt khác, theo nhiều doanh nghiệp hạ tầng đường sắt, máy móc chuyên thi công đường sắt có giá trị lớn sau khi cổ phần hóa đều thuộc tài sản Tổng công ty Đường sắt Việt Nam không được tính hay chuyển giao vào giá trị của doanh nghiệp. Điều này dẫn đến khi thực hiện đơn đặt hàng duy tu đường sắt của Tổng công ty, các công ty quản lý cầu đường cũng phải thuê lại.

Nhìn nhận ở khía cạnh khác, ông Nguyễn Quốc Vượng cho rằng, mấu chốt vẫn là vốn. Tiếp theo là kinh nghiệm hạn chế, trang thiết bị lạc hậu khiến doanh nghiệp vẫn đang phải “loay hoay” kiếm việc để có thể ổn định sản xuất kinh doanh.

“Doanh nghiệp quản lý hạ tầng đường đường sắt từ trước tới nay chủ yếu thi công các công trình đường sắt, rất ít đơn vị tham gia các công trình xây dựng bên ngoài. Nếu có thì thường là các công trình nhỏ. Vì thế, muốn thi công các công việc khác như kiến trúc, thủy lợi… thì rất thiếu kinh nghiệm để tham gia đấu thầu ở các lĩnh vực này”- ông Nguyễn Quốc Vượng giải thích.

Các doanh nghiệp hạ tầng đường sắt đang nỗ lực tìm kiếm công việc mới. Ảnh: TTXVN

Không còn lựa chọn nào khác, buộc phải thích ứng với tình hình mới, các doanh nghiệp quản lý hạ tầng đường sắt đã tự tìm hướng đi cho mình. Ông Phạm Văn Tú, Giám đốc Công ty cổ phần Đường sắt Hà Thái cho biết, với năng lực vốn và kinh nghiệm hạn chế, doanh nghiệp phải chọn hướng đi là liên danh, liên kết với các đối tác để cùng làm, kể cả việc có khối lượng nhỏ.

Công ty cổ phần Đường sắt Hà Hải thì xác định, ngoài công tác bảo trì, sau khi chuyển đổi mô hình hoạt động sang cổ phần, với hai xí nghiệp chuyên về xây lắp trực thuộc, công ty quyết tâm mở rộng thêm các hoạt động xây dựng dân dụng trong thời gian tới nhằm đảm bảo tăng trưởng và cam kết lợi nhuận cổ tức cho các cổ đông.

Để làm được điều này, theo Giám đốc công ty Nguyễn Quốc Vượng, trước hết công ty sẽ tăng cường nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cử một số cán bộ đi học tập nâng cao trình độ kỹ thuật, đồng thời tuyển dụng cán bộ có năng lực để có thể tham gia đấu thầu các công trình khác.

Ngoài ra, công ty cũng đề nghị các ngân hàng có hình thức hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa vì bản thân doanh nghiệp không có tài sản thế chấp nên khả năng tiếp cận vốn là rất khó khăn.

Theo Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam Đoàn Duy Hoạch, quá trình cổ phần hóa các công ty quản lý bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt còn có một số vướng mắc cần được Bộ Giao thông Vận tải và các bộ, ngành liên quan xem xét.

Cụ thể, là giải quyết dứt điểm một số tài sản cố định như: nhà làm việc, lưu trú các cung đường, cung cầu trên các tuyến đường sắt Quốc gia ... không nằm trong phương án cổ phần hóa của các Công ty TNHH MTV bàn giao về Tổng công ty Đường sắt Việt Nam.

Bởi đây là những tài sản phục vụ trực tiếp cho người lao động làm công tác quản lý, bảo vệ tài sản hạ tầng đường sắt do nhà nước đầu tư đảm bảo an toàn phục vụ vận tải.

Mặt khác, Phó Tổng giám đốc Đoàn Duy Hoạch cũng kiến nghị Chính phủ và Bộ Giao thông Vận tải sửa đổi, bổ sung, thay thế các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, như ban hành Nghị định về quản lý, sử dụng, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia nhằm tạo hành lang pháp lý cho quá trình tái cơ cấu ngành đường sắt./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục