Doanh nghiệp gỗ với những cơ hội tăng trưởng tích cực

09:13' - 03/02/2021
BNEWS Đón nhận cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do, Công ty cổ phần Chế biến Gỗ Đức Thành được mong đợi sẽ đạt chỉ tiêu tăng trưởng tích cực về doanh thu và lợi nhuận trong năm 2021.

Đón nhận cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do, với tiềm năng gia tăng thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc, cũng như mở rộng thị trường xuất khẩu sang Mỹ và EU, Công ty cổ phần Chế biến Gỗ Đức Thành (mã chứng khoán: GDT) được mong đợi sẽ đạt chỉ tiêu tăng trưởng tích cực về doanh thu và lợi nhuận trong năm 2021. 

Năm 2020, theo Báo cáo tài chính năm 2020, công ty ghi nhận doanh thu đạt 403 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 80 tỷ đồng, lần lượt tăng 16,6% và 7% so với thực hiện trong năm 2019. Với mục tiêu doanh thu năm 2020 đạt 394 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 80 tỷ đồng, doanh nghiệp hoàn thành vượt kế hoạch doanh thu đã đề ra trước đó. 

 

 

Thực tế, dù chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ cả nước đến ngày 15/12/2020 đạt gần 11,6 tỷ USD, tăng 16 % so với cùng kỳ năm 2019; trong đó, xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 8,9 tỷ USD, tăng 22% so với cùng kỳ ( theo số liệu công bố của Tổng cục Hải quan). 

Tại Việt Nam, Gỗ Đức Thành một trong những doanh nghiệp sản xuất đồ dùng nhà bếp lớn, với 68% thị trường xuất khẩu chính là châu Á, phần lớn là Hàn Quốc và Nhật Bản.

Theo đó, thị phần các sản phẩm đồ dùng nhà bếp và bộ đồ ăn bằng gỗ của Việt Nam tại Nhật Bản và Hàn Quốc chứng kiến tăng đều qua các năm. Hiện khách hàng của Gỗ Đức Thành gồm các doanh nghiệp lớn như Lotte Mart, Daiso Japan, Nitori, Fuji, Zeller present, Kesper…

Tại Nhật Bản, nhu cầu đối với các sản phẩm đồ dùng nhà bếp và bộ đồ ăn bằng gỗ giảm 15% trong 8 tháng năm 2020 trước tác động của dịch COVID-19 (theo Cơ quan Thống kê Nhật Bản, SBJ).

Tuy nhiên, đáng lưu ý là các sản phẩm nhập khẩu từ Việt Nam chỉ giảm 1%, giữ vững vị trí là quốc gia xuất khẩu bộ đồ bếp lớn thứ 2 tại Nhật Bản. Trong khi đó, Trung Quốc, Philipplines và Thái Lan giảm lần lượt 14%, 11% và 15% so với cùng kỳ. Năm 2020, thị phần của Việt Nam ước tăng từ 10,5% năm 2019 lên 11,7%.

Riêng giá trị nhập khẩu bộ đồ bếp tại Hàn Quốc đã chứng kiến tăng khá trở lại từ tháng 4/2020, và đạt mức tăng 12% trong 8 tháng năm 2020 (theo Cơ quan Hải quan Hàn Quốc). Trong khi đó, giá trị nhập khẩu từ Việt Nam đạt 9,2 triệu USD, tăng 26,5%, vượt xa nhà nhập khẩu lớn nhất của Hàn Quốc là Trung Quốc với 7,4%. Thị phần của Việt Nam được cải thiện khá từ 18% năm 2019 lên 20,1% trong 8 tháng năm 2020. 

 

Công ty cổ phần Chứng khoán MB (MBS) nhận định, ngoài thị trường châu Á, Gỗ Đức Thành có cơ hội thâm nhập sâu vào các thị trường trong khối CPTPP và Liên minh châu Âu (EU) sau khi các hiệp định thương mại tự do như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam với Liên minh châu Âu (EVFTA) và Hiệp định Đối tác tự nguyện giữa Việt Nam và EU về thực thi lâm luật, quản trị rừng, và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT) có hiệu lực.

Theo ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam việc tham gia vào các hiệp định tự do giúp ngành gỗ trong nước mở rộng thị trường, và không bị ràng buộc bởi những hàng rào thuế quan. Tuy nhiên, bao giờ cơ hội cũng đi liền với những thách thức; trong đó, hai thách thức lớn nhất mà chúng ta đang phải đối mặt là những rào cản về thương mại và kỹ thuật.

Trong bối cảnh này, Gỗ Đức Thành có lợi thế tăng trưởng trong ngành với hệ thống cơ sở hạ tầng gồm Nhà máy Chế biến gỗ tại quận Gò Vấp, Tp.Hồ Chí Minh trên diện tích 7.600 m2 với công suất 5.000 m3 gỗ thành phẩm/năm, và Nhà máy Chế biến gỗ tại thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương với quy mô 38.000 m2 và công suất 20.000m3 gỗ thành phẩm/năm.

Cùng với đó là mạng lưới cửa hàng mang nhãn hiệu Winwinshop, hơn 1.000 cửa hàng và đại lý phân phối trên toàn quốc.

Năm 2021, công ty này dự kiến đưa vào hoạt động nhà máy thứ 3 tại Bình Dương, mở rộng dây chuyền sản xuất, và kho dự trữ nguyên liệu, đáp ứng kịp thời đà tăng trưởng của công ty.

Đặc biệt, ngành xuất khẩu gỗ nói chung và Gỗ Đức Thành nói riêng còn có cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu sang Mỹ, khi các đơn hàng dịch chuyển từ Trung Quốc sang khi, trong lúc Mỹ đang áp thuế 25% đối với các sản phẩm gỗ từ Trung Quốc. Đồng thời, Gỗ Đức Thành cũng vừa nhận chứng nhận Bộ tiêu chuẩn đánh giá tuân thủ trách nhiệm xã hội trong kinh doanh (BSCI) của Hiệp hội Ngoại thương (FTA) giúp mở rộng cơ hội tăng trưởng, đặc biệt từ thị trường Mỹ và EU.

“Chúng tôi vừa đàm phán thành công hợp đồng đầu tiên, cung cấp các loại bàn ghế trẻ em, cho một khách hàng lớn ở Mỹ, có trị giá hơn 300.000 USD. Khách báo đây chỉ là đơn hàng đặt thử, nếu lô hàng này đạt chất lượng và đạt mọi yêu cầu khắt khe của thị trường Mỹ thì họ có thể đặt gấp 10 lần đơn hàng này", đại diện Gỗ Đức Thành chia sẻ.

Trên thị trường, cổ phiếu GDT của Gỗ Đức Thành giao dịch tích cực ở mức 38.500 đồng/cổ phiếu (chốt phiên 2/2), với khối lượng giao dịch khớp lệnh trung bình 10 phiên hơn 19.300 cổ phiếu. Hệ số giá trên lợi nhuận một cổ phiếu (P/E) là 8.19./.

 

 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục