Hiệp định VPA-FLEGT: Thực hành thương mại gỗ và sản phẩm gỗ có trách nhiệm

18:13' - 11/12/2020
BNEWS Để triển khai hiệu quả Hiệp định VPA-FLEGT, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cần tích cực thúc đẩy thực hành thương mại gỗ và sản phẩm gỗ có trách nhiệm.

Để triển khai hiệu quả Hiệp định Đối tác tự nguyện giữa Việt Nam và EU về thực thi lâm luật, quản trị rừng, và thương mại lâm sản (Hiệp định VPA-FLEGT), cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cần tích cực thúc đẩy thực hành thương mại gỗ và sản phẩm gỗ có trách nhiệm.

Đây là nhận định của các đại biểu tại Hội nghị trực tuyến "Thúc đẩy thương mại có trách nhiệm, giải pháp của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam giúp lấp đầy khoảng trống giữa Nghị định 102 quy định Hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam và Hiệp định VPA-FLEGT" do Hội Mỹ nghệ và Chế biến Gỗ Tp. Hồ Chí Minh (HAWA) tổ chức, chiều 11/12.

Ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch HAWA cho biết, Hiệp định VPA-FLEGT chính thức có hiệu lực từ ngày 1/6/2019.

Về phía Chính phủ Việt Nam đã tích cực nội luật hóa nội dung của hiệp định này thành các điều khoản của Nghị định 102/2020/NĐ-CP của Chính phủ ngày 1/9/2020 quy định Hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam (Nghị định VNTLAS).

Đến này, Nghị định VNTLAS đã được triển khai rộng khắp trong các cơ quan Nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp ngành gỗ và nội thất của Việt Nam.

Tuy nhiên, phía EU vẫn cho rằng, Nghị định VNTLAS chưa phản ánh đầy đủ nội dung của Hiệp định VPA-FLEGT, và bước đầu đã đưa ra những yêu cầu khắt khe hơn cho các sản phẩm gỗ xuất xứ từ Việt Nam.

Doanh nghiệp ngành gỗ Việt Nam cũng nhận thức được mối lo ngại của EU về hiệu quả kiểm soát gỗ nhập khẩu.

Cùng với đó, việc chưa đầy đủ của hệ thống phân loại doanh nghiệp sẽ khiến cho việc kiểm soát rủi ro gỗ bất hợp pháp lọt vào chuỗi cung ứng của ngành chế biến gỗ Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn.

Ông Rui Ludovino, Đại diện Phái đoàn EU tại Việt Nam cho rằng, sau hơn một năm Hiệp định VPA-FLEGT đi vào thực thi, hai bên đang từng bước thực hiện các cam kết.

EU đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc nội luật hóa các nội dung của hiệp định và phổ biến đến cộng đồng doanh nghiệp. Tuy nhiên, Nghị định VNTLAS và Hiệp định VPA-FLEGT vẫn còn nhiều sự khác biệt.

Chẳng hạn như các quy định liên quan đến phạm vi áp dụng, nguồn gỗ, kiểm soát nhập khẩu, phân loại doanh nghiệp, xác minh xuất khẩu, cấp phép FLEGT, đánh giá độc lập và thậm chí cả trách nhiệm của JIC.

Chính vì vậy, theo Đại diện Phái đoàn EU cần có giải pháp điều chỉnh để đảm bảo gỗ và các sản phẩm từ gỗ được lưu thông giữa Việt Nam và EU là gỗ hợp pháp, đảm bảo tính bền vững.

Ông Tim Dawson, Chuyên gia Viện Lâm nghiệp Châu Âu (EFI) chỉ ra rằng, Nghị định VNTLAS của Việt Nam được ban hành dựa trên các điều khoản của Hiệp định VPA-FLEGT, đồng thời cũng phải tuân thủ Luật Tổ chức Chính phủ; Luật Lâm nghiệp của Việt Nam và tạo thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp. Đó có thể là lý do vẫn còn khoảng cách khá lớn giữa Hiệp định VPA-FLEGT và Nghị định VNTLAS.

Cụ thể, phạm vi điều chỉnh của Nghị định VNTLAS so với Hiệp định VPA-FLEGT chỉ mới phù hợp một phần. Nghị định chỉ đề cập tới gỗ nhập khẩu và xuất khẩu trong khi các giai đoạn khác của chuỗi cung ứng (khai thác, vận chuyển, mua bán và chế biến gỗ) tuân thủ theo các quy định pháp luật khác liên quan.

Về phạm vi thị trường của Nghị định VNTLAS cho thấy có đối xử khác biệt giữa thị trường EU với các thị trường khác trong việc xác minh xuất khẩu cho các sản phẩm được sản xuất từ gỗ trong nước.

Phạm vi các doanh nghiệp, hệ thống thông tin phân loại doanh nghiệp của Nghị định VNTLAS chỉ áp dụng cho "các doanh nghiệp tham gia chế biến và xuất khẩu gỗ, trong khi hệ thống phân loại tổ chức của Hiệp định VPA-FLEGT áp dụng cho tất cả các tổ chức trong toàn bộ chuỗi cung.

Theo ông Tim Dawson, cách xác định nguồn gốc gỗ của Nghị định VNTLAS cũng chưa phù hợp so với Hiệp định VPA-FLEGT.

Ví dụ, với gỗ sau xử lý tịch thu, Hiệp định VPA-FLEGT định nghĩa gỗ hợp pháp là gỗ được khai thác và chế biến một cách hợp pháp, không có khái niệm ‘tạm nhập tái xuất’ nhưng yêu cầu tất cả gỗ nhập khẩu đều phải chịu sự kiểm soát của Nghị định VNTLAS.

Trong khi đó, Nghị định VNTLAS chỉ đề cập tới ‘tạm nhập tái xuất’ chỉ trong việc cấp phép, vì vậy cần làm thống nhất gỗ tạm nhập tái xuất cũng phải chịu kiểm soát nhập khẩu.

"Việc thực hiện đầy đủ Hiệp định VPA- FLEGT là điều kiện cần thiết để bắt đầu cấp phép FLEGT. Do đó, cần có cơ chế để giải quyết các khác biệt hiện nay trong Nghị định VNTLAS của Việt Nam với Hiệp định VPA-FLEGT. Có thể bắt đầu bằng việc so sánh quy định pháp luật của Việt Nam và Hiệp định VPA- FLEGT, tiếp đến đánh giá chung về khả năng sẵn sàng vận hành và các chương trình thảo luận kỹ thuật, đối thoại cấp cao trong Ủy ban thực hiện chung", ông Tim Dawson nhấn mạnh.

Ông Đào Tiến Dũng, Trưởng ban Quản lý và Phát triển Dự án nền tảng HAWA DDS cho rằng, Hiệp định VPA-FLEGT đòi hỏi sự tham gia tích cực của nhiều bên trong việc giúp cho Chính phủ các quốc gia hiện thực hóa được các cam kết, không chỉ ở mức độ nội luật hóa, mà quan trọng hơn cả là cách thức triển khai vừa đảm bảo tính phù hợp, vừa dung hòa được những sự khác biệt giữa EU và Việt Nam.

Nhận thấy những vấn đề có thể phát sinh trong quá trình thực thi Hiệp định VPA-FLEGT, HAWA đã chủ động xây dựng nền tảng HAWA DDS nhằm giảm thiểu và hóa giải sự khác biệt thông qua cách tiếp cận mềm, đó là "thực hành thương mại gỗ có trách nhiệm".

Theo ông Đào Tiến Dũng, nền tảng HAWA DDS gồm: hệ thống tạo lập mã số nguồn gốc gỗ dành cho rừng trồng Việt Nam, hệ thống hỗ trợ giải trình và xác minh nguồn gốc gỗ, hệ thống truy xuất nguồn gốc gỗ.

Thông qua các hệ thống này giúp doanh nghiệp Việt Nam dễ dàng chứng minh đầy đủ nguồn gốc hợp pháp của gỗ trong sản phẩm; đồng thời có thể hướng dẫn và cung cấp giải pháp công nghệ thông tin cho các doanh nghiệp thực hành thương mại gỗ có trách nhiệm một cách đơn giản nhưng đầy đủ nhất, góp phần nâng cao độ tin cậy trong kiểm soát chuỗi cung ứng gỗ Việt Nam.

"Khi khái niệm mới về thương mại gỗ có trách nhiệm được phổ biến rộng rãi thông qua hệ thống HAWA DDS thì cơ quan quản lý Việt Nam sẽ có thể hiện thực hóa việc tạo ra chuỗi cung ứng sạch cho doanh nghiệp, từ đó nâng cao được độ tin cậy của Hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam trong mắt cộng đồng quốc tế. Nhờ đó có thể giúp lấp đầy khoảng trống giữa Nghị định VNTLAS và Hiệp định VPA-FLEGT, hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp trong việc đáp ứng các yêu cầu gỗ hợp pháp khi xuất khẩu vào thị trường EU thời gian tới", ông Đào Tiến Dũng chia sẻ thêm./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục