Doanh nghiệp hưởng lợi gì khi sử dụng hóa đơn điện tử?

16:07' - 24/10/2017
BNEWS Theo Tổng cục Thuế, doanh nghiệp sử dụng hóa đơn giấy trung bình phải bỏ chi phí trên 1.000 đồng/hóa đơn và với số lượng 4 tỷ hóa đơn/năm thì chi phí mỗi năm bỏ ra lên đến hơn 4.000 tỷ đồng.

Ngày 24/10, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ đã tổ chức cuộc tọa đàm trực tuyến "Đưa hóa đơn điện tử vào cuộc sống". Theo ước tính sơ bộ của Tổng cục Thuế, doanh nghiệp sử dụng hóa đơn giấy trung bình phải bỏ chi phí trên 1.000 đồng/hóa đơn và với số lượng 4 tỷ hóa đơn/năm thì chi phí mỗi năm bỏ ra lên đến hơn 4.000 tỷ đồng. Trong khi đó, nếu sử dụng hóa đơn điện tử, số tiền mà doanh nghiệp có thể tiết kiệm được tới trên 3.000 tỷ đồng/năm.

Tọa đàm trực tuyến "Đưa hóa đơn điện tử vào cuộc sống". Ảnh: Thùy Dương

Hóa đơn điện tử được xem là sẽ tạo ra cú hích lớn trong cải cách hành chính thuế, giúp doanh nghiệp cải thiện môi trường kinh doanh và lành mạnh hóa nền tài chính nước nhà. Tuy nhiên, nếu nhìn một cách tổng thể, việc chuyển đổi này chưa gặt hái nhiều thành công như mong đợi và phía trước vẫn còn nhiều thách thức. Bởi vẫn có không ít doanh nghiệp “ngại” minh bạch tìm cách “chậm” triển khai, nhiều khách hàng vẫn ngại sự thay đổi.

Ông Nguyễn Đại Trí, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, hóa đơn điện tử đem lại sự thuận lợi rất lớn cho cả cơ quan thuế và người nộp thuế.

Nếu trước đây, việc sử dụng hóa đơn giấy mang tính thủ công thì sử dụng hóa đơn điện tử cùng các phần mềm kế toán quản trị giúp doanh nghiệp cất xuất đưa hóa đơn vào hệ thống chung của ngành. Bên cạnh đó, khác với hóa đơn giấy, toàn bộ việc lưu trữ vận chuyển hóa đơn điện tử đều được chuyển qua kênh điện tử giúp tiết kiệm và bảo quản sử dụng hóa đơn tốt hơn cho người nộp thuế.

Ngoài ra, việc sử dụng hóa đơn điện tử cũng giúp cơ quan thuế được lợi trong việc hình thành cơ sở dữ liệu cho việc kiểm tra đối chiếu, phát hiện các hành vi gian lận phát hành hóa đơn

Tuy nhiên, ông Nguyễn Đại Trí cũng cho rằng việc đưa hóa đơn điện tử vào sử dụng không phải là câu chuyện của riêng ngành thuế và các doanh nghiệp hoạt động mua bán hàng hóa dịch vụ mà cần có sự tham gia của các cơ quan chức năng khác.

Lấy ví dụ về việc hiện nay, các doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa thì phải mang theo hóa đơn, nhưng khi sử dụng hóa đơn điện tử thì câu chuyện này sẽ khác. Theo ông Nguyễn Đại Trí để thực hiện được hóa đơn điện tử, đòi hỏi các cơ quan chức năng phải triển khai đồng bộ các giải pháp để sử dụng được cơ sở dữ liệu hóa đơn diện tử, đảm bảo cho quá trình thông thương vận chuyển hàng hóa thuận tiện nhất cho doanh nghiệp

Chia sẻ với ngành thuế, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng chỉ ra đây là lo ngại mà các doanh nghiệp đang băn khoăn. Đó là sự chuyển động đồng bộ của các cơ quan Nhà nước khác nhau. Bởi một lô hàng di chuyển trên đường hiện nay vẫn dùng hóa đơn giấy như bằng chứng hợp pháp và sẽ phải thông qua sự kiểm tra của quản lý thị trường, hải quan hay biên phòng... Do đó, việc chuyển đổi đồng bộ gữa các cơ quan là rất quan trọng.

Theo ông Nguyễn Đại Trí, số lượng doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử tăng lên từng năm. Năm 2016 mới có khoảng 800 doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử thì đến hết tháng 6/2017 khoảng 2.700 doanh nghiệp. Trong 6 tháng đầu năm 2017 có khoảng 300 triệu hóa đơn được ghi nhận. Ngoài ra, từ năm 2014 - 2015 Tổng cục Thuế đã triển khai thí điểm hóa đơn điện tử có mã xác thực của ngành thuế và khoảng 2.390 doanh nghiệp sử dụng dịch vụ này.

Ông Nguyễn Đại Trí cũng cho biết, hóa đơn điện tử đang từng bước được xã hội ghi nhận, thời gian tới hi vọng sẽ phủ sóng rộng hơn và tiến tới dần thay thế toàn bộ hóa đơn giấy.

Song, ông Nguyễn Đại Trí cũng khẳng định, việc đưa ra một thay đổi, cải cách tác động lớn như sử dụng hóa đơn điện tử đến toàn xã hội thì phải rất nghiêm túc và thận trọng. Đồng thời, đặt ra lộ trình chi tiết để không gây ra sự xáo trộn, ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp, phù hợp với điều kiện cơ sở vật chất khả năng đầu tư của ngành thuế cũng như các doanh nghiệp.

“Các doanh nghiệp đang có hệ thống vận hành hóa đơn điện tử thì tiếp tuc, còn các doanh nghiệp đang sử dụng hóa đơn giấy thì có thể tự xây dựng hoặc qua dịch vụ trung gian. Với doanh nghiệp thuộc diện mua hóa đơn của Tổng cục Thuế, doanh nghiệp mới thành lập, rủi ro cao thì phải sử dụng hóa đơn điện tử có mã xác thực của cơ quan thuế”, ông Nguyễn Đại Trí nói./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục