Doanh nghiệp "kêu" mất điện, sụt áp ảnh hưởng đến sản xuất

10:59' - 23/10/2018
BNEWS Tình trạng mất điện, nháy điện và sụt áp tại Khu công nghiệp Lương Sơn thường xuyên xảy ra, mặc dù đã được các doanh nghiệp trong khu kiến nghị nhiều lần nhưng chưa giải quyết dứt điểm.

Liên quan đến tình trạng mất điện, nháy điện và sụt áp tại Khu công nghiệp Lương Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình thường xuyên xảy ra trong thời gian gần đây, ông Nguyễn Văn Quang - Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình đã giao cho Công ty Điện lực Hòa Bình chủ động phối hợp với Tổng Công ty Điện lực miền Bắc sớm hoàn thành đầu tư trạm biến áp mới T2 trong tháng 12/2018, có phụ tải riêng cho khu công nghiệp Lương Sơn.

Từ đó, giải quyết dứt điểm tình trạng nháy điện, sụt áp, ảnh hưởng đến sản xuất của các doanh nghiệp; báo cáo kết quả thực hiện gửi về Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban Quản lý các khu công nghiệp và Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình trước ngày 31/12/2018.

Thời gian qua, tình trạng mất điện, nháy điện và sụt áp tại Khu công nghiệp Lương Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình thường xuyên xảy ra, mặc dù đã được các doanh nghiệp trong khu kiến nghị nhiều lần nhưng chưa giải quyết dứt điểm.

Theo đó, các công ty, doanh nghiệp tại Khu công nghiệp Lương Sơn như: Công ty Trách nhiệm hữu hạn Almine Việt Nam, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nissin Munufacturing Việt Nam và Công ty Trách nhiệm hữu hạn HNT Vina, Công ty Trách nhiệm hữu hạn sản xuất hàng may mặc Esquel Việt Nam - Hòa Bình... đã kiến nghị về tình trạng mất điện, nháy điện và sụt áp trong thời gian qua, ảnh hưởng lớn đến sản xuất.

Đơn cử như ông Shigematsu Ko, Giám đốc Công ty Almine Việt Nam (Nhật Bản) kiến nghị cần lắp đặt bổ sung thiết bị đóng, cắt điện để doanh nghiệp chủ động trong việc đóng, cắt điện tại đơn vị, từ đó phục vụ nhu cầu bảo dưỡng định kỳ, sửa chữa khi gặp sự cố.

Sở Công Thương tỉnh Hòa Bình cho biết, nguyên nhân của việc cấp điện không ổn định là do tại Khu công nghiệp Lương Sơn chỉ có 1 trạm biến áp 110 kV (trạm T1) cấp điện cho cả khu công nghiệp và điện sinh hoạt của nhân dân trên địa bàn huyện, vì vậy hay gặp sự cố.

Để giải quyết tình trạng này, UBND tỉnh Hòa Bình đã đề nghị Tổng Công ty Điện lực miền Bắc đầu tư thêm 1 trạm biến áp (trạm T2), tuy nhiên đến nay mới xong bước phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công và dự toán.

Theo ông Hà Văn Dần, Giám đốc Công ty Điện lực Hòa Bình, các thủ tục tiếp theo đang được tiến hành để đấu thầu thiết bị nhưng do phải nhập từ nước ngoài nên còn một số vướng mắc.

Các bên liên quan sẽ cố gắng đến cuối năm 2018 mới có thể xong để lắp trạm T2. Khi đó mới phân phụ tải, có nghĩa là điện khu công nghiệp và điện sinh hoạt sẽ tách riêng, việc cấp điện sẽ ổn định hơn.

Trước mắt, để giải quyết tạm thời vấn đề mất điện, nháy điện, Công ty Điện lực Hòa Bình phối hợp với Công ty Cổ phần Bất động sản An Thịnh Hòa Bình, đơn vị tư vấn, lắp đặt thiết bị đóng, cắt điện cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong khu công nghiệp Lương Sơn giúp doanh nghiệp chủ động trong việc bảo dưỡng, sửa chữa khi gặp sự cố về điện.

Công ty Cổ phần Bất động sản An Thịnh Hòa Bình định kỳ hàng quý tổ chức làm việc với các nhà đầu tư trong khu công nghiệp Lương Sơn để kịp thời nắm bắt và giải quyết vướng mắc, khó khăn của các nhà đầu tư.

Trường hợp vượt quá thẩm quyền, báo cáo Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hòa Bình và các cơ quan liên quan xem xét, giải quyết.

Để nắm bắt những khó khăn vướng mắc của các công ty, doanh nghiệp đóng tại khu công nghiệp Lương Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình cũng giao Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hòa Bình chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hòa Bình, nhà đầu tư hạ tầng khu công nghiệp thường xuyên tổng hợp kiến nghị của các nhà đầu tư, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trên địa bàn tỉnh.

Trường hợp cần thiết, đề xuất UBND tỉnh tổ chức gặp gỡ, đối thoại đối với từng nội dung kiến nghị của doanh nghiệp, chứ không phải chờ đến cuộc đối thoại định kỳ hàng năm./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục