Doanh nghiệp kiến nghị ngân hàng giảm lãi suất

17:24' - 22/03/2023
BNEWS Nhiều doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng trên địa Bình Dương đề nghị hệ thống các ngân hàng thương mại đa dạng hóa sản phẩm cho vay, tăng cho vay tín chấp, giảm lãi suất.
Ngày 22/3, tại Hội nghị “Kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương năm 2023” do Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Bình Dương phối hợp với UBND tỉnh tổ chức, nhiều doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng trên địa Bình Dương đề nghị hệ thống các ngân hàng thương mại đa dạng hóa sản phẩm cho vay, tăng cho vay tín chấp, giảm lãi suất để đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua trong giai đoạn khó khăn nhất hiện nay.

 
Tại buổi đối thoại, bà Trương Thị Thúy Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày Bình Dương cho biết, trong giai đoạn dịch COVID-19, các doanh nghiệp đang nhận được ưu đãi lãi suất thấp để ứng phó giai đoạn dịch bệnh. Sau đại dịch, lạm phát bất ngờ tăng cao, lãi suất ngân hàng tăng nhanh chóng khiến các doanh nghiệp gặp “cú sốc” vì không kịp hoạch định dòng tiền.

Thêm vào đó, việc “đứt chuỗi đơn hàng” càng tác động xấu đến tình hình điều hành, quản lý tài chính, đẩy doanh nghiệp vào thế bị động do làm ăn khó khăn; đồng thời các ngân hàng bắt đầu ‘siết tín dụng” cho vay và gây khó khi kiểm soát hồ sơ cho vay chặt chẽ nên doanh nghiệp càng khó tiếp cận vốn để tái sản xuất.

Theo bà Liên, gần hết quý I/2023, nhưng hiện nay các doanh nghiệp trong hiệp hội chưa tích lũy được đơn hàng đủ để sản xuất, thậm chí có nhà máy “trắng đơn hàng” chưa có đơn hàng mới để đảm bảo xuất khẩu.

Trong khi đó, theo ông Trần Thành Trọng, Chủ tịch Hiệp hội Cơ- Điện tỉnh Bình Dương kiến nghị các ngân hàng cần đánh giá thực tế đối với từng doanh nghiệp đang hoạt động tốt để cho vay. Còn đối với các doanh nghiệp có đầu ra sản phẩm, nhưng không có tài sản thế chấp thì tăng sản phẩm cho vay tín chấp để doanh nghiệp có cơ hội đầu tư phát triển tiếp.

Đại diện các doanh nghiệp tại Khu công nghiệp Việt Hương cũng đề nghị các ngân hàng thương mại tăng cường hơn các buổi đối thoại để nắm rõ từng doanh nghiệp nào vướng nguồn vốn gì, từ đó tìm cách tháo gỡ. Đồng thời, linh hoạt nguồn vốn và giảm bớt rào cản, ách tắc nguồn vốn cho doanh nghiệp.

Tại buổi đối thoại, các ngân hàng bày tỏ sự cảm thông với doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn hiện nay. Các ngân hàng cũng tìm mọi cách để giảm lãi suất để cùng đồng hành cùng doanh nghiệp.

Theo đó, hiện nay hệ thống ngân hàng đã đa dạng nhiều sản phẩm; trong đó có những gói cho vay online không cần đến hồ sơ, thủ tục, hay sản phẩm cho vay nguồn vốn lưu động phục vụ cho lĩnh vực buôn bán chỉ có lãi xuất 5%/năm…nhưng hiện nay do các doanh nghiệp chưa đủ tự tin hoặc chưa mặn mà nên chưa chủ động tiếp cận nguồn vốn này.

Theo đại diện Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Dương (Agribank), tính đến ngày 28/2/2023, tổng dự nợ cho vay lên đến hơn 17.000 tỷ đồng với hơn 3.500 khách hàng; trong đó có hơn 300 khách hàng là doanh nghiệp được cung ứng hơn 8.600 tỷ đồng, chiếm hơn 51% tổng dư nợ.

Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, Ngân hàng Agribank đã cơ cấu giữ nguyên nhóm nợ cho 23 doanh nghiệp với số tiền gần 1.300 tỷ đồng. Cùng với đó, có hơn 13.000 tỷ đồng dư nợ của khách hàng được thực hiện giảm lãi suất do ảnh hưởng củ dịch bệnh với số tiền thực hiện hơn 25 tỷ đồng. Bên cạnh đó, ngân hàng cũng thực hiện chương trình ưu đãi giảm lãi xuất 0,5%- 2% với tổng số tiền giảm hơn 33 tỷ đồng, giúp doanh nghiệp giảm chi phí trong giai đoạn khó khăn.

Theo ông Võ Đình Phong, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh Bình Dương, tới đây Ngân hàng Nhà nước sẽ dành thời gian vào ngày thứ 6 hàng tuần giải quyết các vướng mắc của doanh nghiệp hoặc người dân muốn tiếp cận vốn.

Đánh giá tình hình chung về doanh nghiệp phần lớn còn khó khăn, nhưng nguồn tín dụng trong 3 tháng đầu năm 2023 đều tăng trưởng chấp nhận được. Tính đến cuối tháng 02/2023, tổng dư nợ trên địa bàn tỉnh đạt 288 nghìn tỷ đồng, tăng 1,05% so với đầu năm và tăng 10,34% so với cùng kỳ năm trước.

Định hướng tín dụng từ nay đến cuối năm 2023, thực hiện Chỉ thị số 01/CT-NHNN về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành ngân hàng trong năm 2023, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam định hướng tăng trưởng tín dụng khoảng 14-15%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến và tình hình thực tế để đáp ứng vốn cho nền kinh tế.

Theo ông Phong, hiện nay các ngân hàng thương mại bắt đầu giảm lãi suất, mỗi tuần đều có giảm và dự kiến bước sang quý II/2023 sẽ giảm lãi đồng bộ trên toàn hệ thống ngân hàng thương mại. Qua đó, tạo điều kiện tiết giảm chi phí cho doanh nghiệp, người dân và hiện quy định trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND đối với các lĩnh vực ưu tiên phát triển  thấp hơn 1-2%/năm so với các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường. Mới đây nhất, ngày 14/3/2023, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh giảm 0,5% mức lãi suất này để hỗ trợ giảm chi phí vay vốn cho khách hàng (hiện còn 5%/năm).

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Nguyễn Văn Dành đề nghị các ngân hàng tăng cường kết nối với doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong bối cảnh tình hình biến động và khó khăn hiện nay.

Đồng thời, các ngân hàng tăng cường thêm các sản phẩm để hỗ trợ cho từng nhu cầu của doanh nghiệp, giúp các nhà máy duy trì sản xuất, có đơn hàng cũng tạo việc làm cho người lao động. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần tự cứu mình, thậm chí nếu cần thiết thì chuyển trạng thái kinh doanh để thích ứng theo “quy luật sinh tồn”./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục