Doanh nghiệp làm cách nào để tạo việc làm cho lao động?

09:03' - 02/11/2020
BNEWS Các doanh nghiệp dệt may trong nước đã tìm ra những hướng đi mới, giúp duy trì hoạt động sản xuất và đảm bảo đủ việc làm cho người lao động.

Dịch bệnh COVID-19 khiến nhiều ngành nghề gặp khó khăn, rơi vào khủng hoảng. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp phải phá sản. Doanh nghiệp hoạt động khó khăn khiến người lao động mất việc làm.

Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp dệt may trong nước đã tìm ra những hướng đi mới, giúp duy trì hoạt động sản xuất và đảm bảo đủ việc làm cho người lao động.

Không sa thải dù gặp khó

Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu kinh tế và Chính sách (VEPR), tỷ lệ thất nghiệp chung cả nước quý I là 2,02%; quý II là 2,51%, quý III/2020 ước tính là 2,29%.

Tính chung 9 tháng qua, tỷ lệ thất nghiệp chung là 2,27%; trong đó khu vực thành thị là 3,66%; khu vực nông thôn là 1,58%. Tỷ lệ thất nghiệp quý III giảm so với quý II cho thấy hoạt động kinh doanh có thể đang bắt đầu phục hồi, tuy vậy, số doanh nghiệp tạm dừng kinh doanh vẫn cao cho thấy sự phục hồi này có thể sẽ cần nhiều thời gian.

Cũng theo báo cáo mới đây của Bộ Công Thương, dưới tác động của dịch COVID-19, dệt may là một trong những ngành hàng chịu thiệt hại trực tiếp lớn nhất cùng với ngành du lịch, hàng không, da giày.

Tình hình sản xuất, xuất khẩu ngành dệt may hiện vẫn gặp nhiều khó khăn. Tổng cầu dệt may thế giới năm 2020 sụt giảm mạnh.

Năm 2019, kim ngạch nhập khẩu dệt may thế giới là 775 tỷ USD, nhưng tổng kim ngạch nhập khẩu năm 2020 ước chỉ đạt từ 600 - 640 tỷ USD, giảm từ 15 - 20% so với năm 2019, thậm chí có thể giảm tới 25%.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng, hàng năm, thời điểm hiện tại các doanh nghiệp đều có đơn hàng đến cuối năm và thậm chí nửa đầu năm sau.

Tuy nhiên, nhu cầu chững lại do dịch bệnh khi người tiêu dùng trên thế giới chỉ quan tâm đến đồ dùng thiết yếu và phòng chống dịch, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam hiện chỉ nhận đơn hàng theo thông tin từng tháng, thậm chí từng tuần.

Thực tế, các mặt hàng truyền thống, thế mạnh của nhiều doanh nghiệp may Việt Nam là veston, sơ mi cao cấp hầu như khó khăn đơn hàng.

Tập đoàn Dệt May Việt Nam với gần 160.000 lao động đã và đang nỗ lực tìm nhiều giải pháp để không ai mất việc làm.

Ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Tập đoàn cho hay, Tập đoàn đã tiến hành các cuộc họp từ sớm để đánh giá tác động của dịch bệnh và đưa ra các biện pháp phòng dịch.

Khi đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, nhu cầu tiêu dùng dừng đột ngột, không có đơn hàng mới, doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn thiếu việc làm, thiếu nguồn tài chính, trả lương cho người lao động.

“Hoàn cảnh đó, Tập đoàn áp dụng mọi biện pháp có tính hợp tác, chia sẻ giữa các thành viên trong chuỗi cung ứng để cùng nhau vượt qua giai đoạn khó khăn.

Ngoài việc xoay hướng sang sản xuất các mặt hàng phòng chống dịch bệnh, các doanh nghiệp trong Tập đoàn bố trí thời gian sản xuất linh hoạt, chia sẻ khối lượng công việc ít ỏi nhằm duy trì thu nhập và việc làm cho nhiều người lao động. Đặc biệt, nhiều người lao động đã chia sẻ, đoàn kết cùng doanh nghiệp vượt khó khăn”, ông Trường nói. 

Nhờ đó, lợi nhuận của Tập đoàn thời gian qua chỉ giảm nhẹ hơn 20%, thấp hơn nhiều so với dự báo khoảng 50%. Và điều thành công lớn nhất đó là toàn hệ thống vẫn duy trì được việc làm cho 100% người lao động.

Dù thời gian làm việc và thu nhập giảm nhưng vẫn tốt hơn rất nhiều so với việc phải nghỉ và hưởng trợ cấp thôi việc.

Theo bà Trần Tường Anh, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty CP Dệt May Hòa Thọ, tuy doanh thu và đơn hàng trong thời gian đại dịch COVID-19 bị suy giảm, nhưng tổng công ty không có ý định sa thải người lao động. Bởi hầu hết mọi người đều đã gắn kết với đơn vị trong một thời gian dài.

"Thêm vào đó, chúng tôi tin rằng tình hình sẽ ổn định dần lại và khi đó chúng tôi có sẵn lực lượng người lao động làm việc. Trong thời gian khó khăn này, các đơn vị phải linh hoạt chuyển đổi mặt hàng, luân phiên làm việc để người lao động có một phần thu nhập duy trì cuộc sống và tiếp tục gắn bó", bà Trần Tường Anh chia sẻ.

Ngoài việc không sa thải công nhân may, Tổng Công ty CP Dệt May Hòa Thọ cũng dành ra một khoản hỗ trợ người lao động trong những ngày nghỉ không lương.

Công đoàn Tổng Công ty hỗ trợ thêm tiền thuê nhà… giúp người lao động giảm bớt gánh nặng lo lắng cuộc sống. "Doanh nghiệp có theo sát cuộc sống của người lao động, khi gặp khó khăn, họ mới đồng hành cùng doanh nghiệp", bà Trần Tường Anh cho biết.

Linh hoạt trong sản xuất 

Theo nhận định của các doanh nghiệp dệt may, dù Việt Nam đã kiểm soát dịch bệnh tốt, nhưng tình hình trên thế giới vẫn còn nhiều nguy cơ bùng phát, thị trường xuất khẩu các sản phẩm may mặc vẫn chưa phục hồi rõ rệt. Do vậy, cần phải có giải pháp sản xuất linh hoạt, chuyển đổi từ các sản phẩm may mặc truyền thống sang các mặt hàng chống dịch.

Ông Lê Tiến Trường cho hay, trong tình hình hiện nay, cần triển khai giải pháp để có thể phục vụ được các mặt hàng cơ bản cho khách hàng và chấp nhận phương án sản xuất linh hoạt, không chuyên môn hóa trong ngắn hạn.

Mặc dù quy mô tiêu dùng may mặc nội địa chỉ chiếm hơn 10% so với năng lực của ngành, nhưng cũng vẫn cần được quan tâm, khích lệ tinh thần sử dụng hàng Việt Nam.

Theo ông Nguyễn Văn Miêng, Tổng Giám đốc Tổng Công ty CP Dệt May Nam Định, để đảm bảo duy trì việc làm cho người lao động, Tổng Công ty đã có sự chuyển đổi trong cơ cấu sản xuất. Chẳng hạn để bù đắp cho xuất khẩu sợi giảm, Tổng công ty đẩy mạnh khai thác thị trường nội địa.

Về mặt hàng vải, Tổng Công ty đang mở rộng thị trường ra các tỉnh phía Bắc, hướng tới dòng sản phẩm mới và tận dụng lợi thế vải qua nhuộm để bán sản phẩm đã qua hoàn tất và cung cấp cho các công ty may. Đồng thời, Tổng Công ty nâng cao liên kết chuỗi sợi-dệt-nhuộm để các đơn vị trong chuỗi cùng ổn định và phát triển.

Để hỗ trợ các doanh nghiệp, Bộ Công Thương đã tích cực làm việc trực tiếp với các bộ, ngành, đơn vị liên quan, đồng thời làm việc với Hiệp hội Dệt May Việt Nam, Tập đoàn Dệt May Việt Nam, các doanh nghiệp dệt may, các đơn vị tư vấn, chuyển giao công nghệ, kiểm nghiệm, chứng nhận chất lượng, các đơn vị phân phối để tạo điều kiện, khuyến khích, kết nối các doanh nghiệp chuyển đổi từ dệt may quần áo, sang dệt may khẩu trang vải.

Đồng thời Bộ Công Thương đã giới thiệu, hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu khẩu trang vải, tạo công ăn việc làm cho lao động dệt may, giảm bớt khó khăn trong giai đoạn thiếu đơn hàng xuất khẩu quần áo./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục