Doanh nghiệp lữ hành hiến kế giúp du lịch Việt Nam tăng trưởng như kỳ vọng

15:04' - 15/02/2018
BNEWS Với mong muốn cho du lịch Việt Nam ngày càng phát triển, các doanh nghiệp lữ hành đã có những đề xuất để giúp ngành tăng trưởng như kỳ vọng.

Với những kết quả ấn tượng trong năm 2017, năm 2018 ngành du lịch phấn đấu đạt mục tiêu đón gần 94 triệu lượt khách; trong đó khoảng 15-17 triệu lượt khách du lịch quốc tế; tổng thu từ khách du lịch đạt 620.000 tỷ đồng. Với mong muốn cho du lịch Việt Nam ngày càng phát triển, các doanh nghiệp lữ hành đã có những đề xuất để giúp ngành tăng trưởng như kỳ vọng.

Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng giám đốc Công ty Du lịch Vietravel: Cần có sự cải tiến về chính sách miễn thị thực

Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng giám đốc Công ty Du lịch Vietravel. Ảnh: Vietravel

Bên cạnh những mặt tích cực cũng như những thành tựu đạt được từ ngành du lịch, không thể không kể đến những khó khăn, yếu kém còn tồn tại. Mặc dù Việt Nam đã thực hiện miễn thị thực cho nhiều khách quốc tế đến từ các nước Tây Âu nhưng chúng ta đang quá chú trọng đảm bảo an ninh, an toàn, vẫn chưa thật sự chủ động tiếp cận thêm ở các thị trường tiềm năng khác và sẵn sàng nới lỏng thêm cho các nước này. Đây cũng là rào cản lớn để gia tăng thêm lượng khách đến cũng như giúp cho các doanh nghiệp du lịch tăng cường khai thác mở rộng.

Là doanh nghiệp lữ hành, chúng tôi nhận thấy Chính phủ cần có sự cải tiến về chính sách miễn thị thực nhiều hơn nữa, trong năm 2018 có thể xem xét nới lỏng thêm một số thị trường tiềm năng. Đồng thời cần kéo dài thời gian du khách được phép miễn thị thực hơn so với hiện nay (ví dụ có thể từ 15 ngày lên 30 ngày). Các cơ quan chức năng cần có chính sách tháo gỡ vấn đề này vì thị thực là yếu tố quan trọng để xây dựng những kế hoạch dài hơi cho phát triển du lịch.

Chúng ta đã xây dựng được Quỹ du lịch dành cho xúc tiến quảng bá, nhưng phải có kế hoạch tổng thể và “người chỉ huy” chung cho ngành du lịch phải giải bài toán cho việc phân bổ, xúc tiến để đạt hiệu quả tốt nhất.

Để du lịch Việt Nam phát triển và thật sự lớn mạnh thì chất lượng sản phẩm cũng như các kênh thông tin quảng bá sản phẩm là rất quan trọng và cần thiết. Sản phẩm du lịch Việt Nam hiện nay còn đơn điệu, không hấp dẫn, tạo tâm lý chán nản cho du khách quốc tế khi hành trình tour giống nhau qua mỗi năm. Việc quy hoạch sản phẩm đồng bộ cũng cần có kế hoạch tổng thể và không thể làm tự phát, manh mún sẽ phá đi du lịch bền vững, phải có sự hợp tác đồng bộ giữa các hãng lữ hành, hãng hàng không, khách sạn, resort với các cơ quan chức năng và các nhà đầu tư để cải thiện chất lượng sản phẩm du lịch.

Do vậy, Việt Nam cần có các cơ quan xúc tiến du lịch tại nước ngoài, nhất là tại các thị trường khách du lịch trọng điểm. Trong khi đó, đến nay Việt Nam vẫn khá hạn chế các văn phòng tại nước ngoài do bị vướng bởi luật các cơ quan quản lý Việt Nam tại nước ngoài, kéo theo mất cơ hội quảng bá hình ảnh tại các thị trường trọng điểm. Chúng ta vẫn còn khá mơ hồ và lấn cấn về thương hiệu quốc gia, đặc trưng du lịch của Việt Nam, nên vẫn chưa tập trung được nguồn lực để đẩy mạnh quảng bá.

Thêm vào đó, còn quá thụ động và chậm chạp để tạo ra được các hoạt động du lịch về đêm và các hoạt động vui chơi giải trí khác như casino, show giải trí,… để có thể khai thác được chi tiêu của khách du lịch.

Ngoài ra, cần hướng công tác xúc tiến vào các thị trường mang lại giá trị tiềm năng, nghiên cứu xem thị trường nào là tiềm năng, khả năng khách lưu trú cao để tập trung quảng bá và xúc tiến mạnh. Mặc dù, cách mạng 4.0 vẫn chưa tác động rõ rệt đến ngành du lịch Việt Nam, nhưng chúng ta phải dần có những bước chuyển mới thay đổi, ứng dụng công nghệ để giảm thiểu tối đa chi phí quảng bá du lịch cũng như công tác quản lý khác trong ngành du lịch.

Ông Phùng Quang Thắng, Giám đốc Công ty Lữ hành HanoiTourist: Thiếu cơ quan xúc tiến du lịch quốc gia

Ông Phùng Quang Thắng, Giám đốc Công ty Lữ hành HanoiTourist. Ảnh: Thùy Linh/BNEWS/TTXVN

Để du lịch Việt Nam tăng trưởng, chúng ta cần tiến tới việc thành lập Cơ quan xúc tiến du lịch quốc gia để thực hiện các công việc xúc tiến chuyên nghiệp, bài bản hơn… nhằm tập hợp các doanh nghiệp, xây dựng cơ chế giải ngân, thông thoáng, hiệu quả, năng động. Khi triển khai hoạt động xúc tiến, quan trọng nhất phải nghiên cứu thị trường chuyên sâu, Tổng cục Du lịch sẽ đóng vai trò định hướng nhóm thị trường và có cơ sở dữ liệu về thị trường mục tiêu để đẩy mạnh xúc tiến.

Thêm nữa, Việt Nam muốn gia tăng lượng khách quốc tế thì việc quảng bá, xúc tiến năm 2018 không nên dàn trải mà tập trung vào các thị trường trọng điểm, các phương tiện truyền thông toàn cầu...

Ngành cũng cần phải nghiên cứu xây dựng kết nối sản phẩm du lịch giữa các vùng miền bởi để phát triển du lịch cần có một sản phẩm tốt. Tăng cường tính kết nối liên ngành, liên vùng nhằm tạo ra chuỗi sản phẩm, dịch vụ vừa đa dạng, phong phú, nhưng vẫn mang những nét đặt trưng riêng của của từng vùng, qua đó cải thiện tỷ lệ quay trở lại của du khách quốc tế.

Để làm tốt sản phẩm du lịch, chúng ta cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan quản lý ở cấp địa phương và các doanh nghiệp lữ hành. Thực tế là khách du lịch cần một điểm đến vệ sinh, thân thiện và an toàn. Và những yêu cầu với một điểm đến như vậy để hấp dẫn khách du lịch thì doanh nghiệp không thể làm nổi nếu không có sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương.

Bên cạnh đó, phải trau dồi và đào tạo thêm đội ngũ nhân lực dài hạn. Bởi lâu nay, nguồn nhân lực cho ngành du lịch còn nhiều hạn chế, trình độ chuyên môn và tính chuyên nghiệp chưa đáp ứng được xu thế hội nhập và liên kết phát triển toàn cầu như hiện nay. Ngành du lịch đang thực sự thiếu đội ngũ lãnh đạo doanh nghiệp du lịch kiểu mẫu của thời đại với yêu cầu cạnh tranh và hội nhập cao.

Ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Giám đốc Công ty du lịch Transviet: Nên thành lập hội đồng quản lý quỹ xúc tiến du lịch quốc gia

Nguyễn Tiến Đạt, Phó Giám đốc Công ty Du lịch TransViet. Ảnh: TransViet

Nếu thành lập một cơ quan xúc tiến du lịch quốc gia, liệu cơ quan này có thể thực hiện những công tác nâng tầm du lịch Việt Nam hay không? Hay cơ quan này liệu có bị tác động từ các yếu tố trong và ngoài không? Do vậy, chúng ta nên thành lập Hội đồng quản lý quỹ xúc tiến du lịch quốc gia. Hội đồng này sẽ gồm nhiều thành viên đại diện cho nhà nước và các bên đóng góp như lữ hành, lưu trú. Việc thành lập Hội đồng cộng với sự hỗ trợ của các Viện nghiên cứu, chúng ta sẽ có những kế hoạch tổng thể hơn. Thêm nữa, có thể thuê những nhà nghiên cứu thị trường chuyên nghiệp của nước ngoài, họ sẽ có cái nhìn toàn diện và đưa ra những đề xuất hỗ trợ ngành du lịch tăng trưởng và giúp Việt Nam định vị thương hiệu du lịch.

Thực tế, du lịch Việt Nam chưa có điểm nhấn, sản phẩm du lịch, chiến lược, kế hoạch marketing bị dàn trải. Trong năm 2017, ngành du lịch Việt Nam đón gần 13 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam. Tuy nhiên, số lượng này tập trung chủ yếu vào dòng khách Hàn Quốc và Trung Quốc. Trong khi đó, lượng chi tiêu của khách Hàn Quốc và Trung Quốc tại Việt Nam ở mức thấp nhất trong các dòng khách quốc tế đến Việt Nam. Còn một số thị trường khách cao cấp khác như Nhật Bản, Mỹ, các nước châu Âu là những dòng khách có mức chi tiêu tương đối cao, lại có mức tăng trưởng chưa đột phá. Do vậy, để phát triển du lịch, cần phải chú trọng biện pháp để có mức tăng trưởng bền vững, đa dạng hóa thị trường, đẩy mạnh những thị trường tiềm năng có mức chi tiêu cao.

Nhà nước và chính quyền địa phương cũng cần phải đẩy mạnh hơn nữa công tác quản lý điểm đến, giảm bớt các vấn nạn như chèo kéo du khách, lừa đảo, móc túi... gây ấn tượng không tốt đối với du khách. Bên cạnh đó, ngành cũng nên triển khai thực hiện và huy động các nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước cho Quỹ xúc tiến du lịch.

Về chính sách thị thực, từ lâu Việt Nam mới chỉ đơn phương miễn thị thực cho 22 nước, trong khi những nước khác như Indonesia, Singapore… miễn thị thực tới 160 nước nhằm ưu tiên phát triển du lịch. Do vậy, chúng ta cần mạnh dạn nới lỏng chính sách thị thực để thu hút thêm nhiều dòng khách quốc tế đến Việt Nam./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục