Doanh nghiệp lương thực, thực phẩm phục hồi ra sao trong bối cảnh mới?

15:53' - 15/12/2021
BNEWS Kể từ khi làn sóng dịch bệnh COVID-19 lần thứ tư bùng phát, hoạt động sản xuất kinh doanh của ngành lương thực, thực phẩm đã bị tác động nặng nề, giá nguyên phụ liệu đầu vào tăng cao từ 20-50%.

Mặc dù đối mặt với không ít khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng các doanh nghiệp ngành lương thực, thực phẩm vẫn đang nỗ lực sản xuất và nắm bắt cơ hội phục hồi từ thị trường tiêu dùng trong nước cũng như xuất khẩu.

Đây là nội dung được các chuyên gia chia sẻ tại Hội thảo “Những xu hướng chính thay đổi môi trường kinh doanh và giải pháp phục hồi cho doanh nghiệp ngành lương thực, thực phẩm trong bối cảnh mới” do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Tp. Hồ Chí Minh (ITPC) phối hợp cùng với Hội Lương thực, thực phẩm Tp. Hồ Chí Minh (FFA) tổ chức ngày 15/12.

Ông Trần Phú Lữ, Phó Giám đốc phụ trách ITPC cho biết, trong những năm gần đây ngành chế biến lương thực, thực phẩm của thành phố đã từng bước chuyển sang phát triển theo chiều sâu. Nhiều sản phẩm có chất lượng, thương hiệu uy tín chiếm lĩnh thị trường trong nước thay thế hàng nhập khẩu và đã xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới.

Sản phẩm được sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao, chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế để tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Doanh nghiệp sản xuất lương thực, thực phẩm của thành phố đã chủ động trong các khâu nghiên cứu sản phẩm mới, phát triển thị trường, xây dựng thương hiệu, sản phẩm có uy tín, cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.

Tuy nhiên, kể từ khi làn sóng dịch bệnh COVID-19 lần thứ tư bùng phát và diễn biến phức tạp trên địa bàn Tp.Hồ Chí Minh, hoạt động sản xuất kinh doanh của ngành lương thực, thực phẩm đã bị tác động nặng nề, giá nguyên phụ liệu đầu vào cho sản xuất tăng cao từ 20-50%. Chuỗi cung ứng nguyên liệu bị đứt gãy khiến nhiều doanh nghiệp sản xuất lương thực thực phẩm lâm vào tình trạng khan hiếm đầu vào.

Theo ông Trần Phú Lữ, trong những tháng giãn cách xã hội, việc hạn chế di chuyển trong nội thành cũng như các cửa ngõ ra vào của thành phố với các tỉnh thành lân cận đã gây ra không ít khó khăn đối với hậu cần, vận chuyển và thông quan hàng hoá của các doanh nghiệp lương thực, thực phẩm nói riêng và doanh nghiệp Tp. Hồ Chí Minh nói chung.

Nhiều đơn hàng xuất khẩu của doanh nghiệp không giao kịp tiến độ. Hoặc, số lượng cam kết với đối tác nước ngoài gây thiệt hại lớn cho danh nghiệp cả về uy tính cũng như tài chính. Mặc dù vậy, lương thực thực phẩm vẫn là ngành có số lượng doanh nghiệp duy trì sản xuất xuyên suốt cao nhất và đóng góp gần 13,8% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp của thành phố.

Đánh giá những tác động của dịch COVID-19 với ngành hàng, ông Nguyễn Đặng Hiến, Phó Chủ tịch Hội Lương thực, thực phẩm Tp.Hồ Chí Minh cho biết, hiện thực phẩm đang chiếm tỷ lệ cao nhất trong cơ cấu chi tiêu hàng tháng của người tiêu dùng Việt Nam. Giai đoạn trước năm 2020, thị trường ngành lương thực, thực phẩm Việt Nam liên tục tăng trưởng bình quân trên 7% năm và được đánh giá còn nhiều tiềm năng phát triển.

Tuy nhiên, năm 2020 do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên chỉ tăng 4,5%, đã cho thấy mức độ tác động của đại dịch đến ngành, mặc dù với đặc thù của ngành là trong bối cảnh khó khăn đến mức nào vẫn được Nhà nước hỗ trợ tiếp tục duy trì sản xuất, đảm bảo cung ứng tiêu dùng thiết yếu cho xã hội nhưng mức độ ảnh hưởng vẫn không hề nhỏ.

Sang tới năm 2021, dưới tác động của làn sóng dịch COVID-19 lần thứ tư, chỉ số sản xuất của ngành đã giảm 7,8% so với cùng kỳ 2020. Sau khi Tp. Hồ Chí Minh và cả nước nới lỏng các hoạt động phòng, chống dịch từ đầu tháng 10, hoạt động sản xuất từng bước được phục hồi, chỉ số sản xuất công nghiệp ngành chế biến thực phẩm tháng 11 đã tăng 10,7% so với cùng kỳ năm 2020 và được dự báo sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.

“Đến thời điểm này, hầu hết các doanh nghiệp trong ngành đã và đang nỗ lực chuẩn bị cho kế hoạch sản xuất hàng Tết. Mặc dù, thực tế tình hình khó khăn chung vì dịch bệnh, giá cả nguyên liệu đầu vào của sản xuất tăng cao, chi tiêu của người tiêu dùng có xu hướng giảm nhưng doanh nghiệp đã sớm dự báo tình hình và chủ động trong việc sản xuất, điều phối nguồn nguyên liệu. Nếu thị trường có những biến động đột biến, các doanh nghiệp vẫn đáp ứng được kịp thời”, ông Hiến thông tin thêm.

Phân tích về những thay đổi trong xu hướng tiêu dùng hiện nay, TS. Huỳnh Thanh Điền, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành cho biết, người tiêu dùng ngày càng ưa chuộng và gia tăng tiêu dùng các thực phẩm có nguồn gốc thực vật, hữu cơ, thành phần dinh dưỡng lành mạnh, đóng gói bao bì hiện đại, tiện dụng. Đặt hàng và kiểm soát chất lượng từ xa dựa trên nền tảng cơ sở hạ tầng công nghệ số để kết nối và tăng tương tác với khách hàng cả trong quá trình sản xuất và giao thương.

Dịch COVID-19 đã thúc đẩy sự dịch chuyển từ việc mua hàng trực tiếp sang trực tuyến, nhờ đó, thương mại điện tử đang ngày càng phát triển mạnh mẽ. Các kênh bán hàng trực tuyến đối với ngành hàng tiêu dùng nhanh có mức tăng trưởng lên tới 91% trong năm 2021.

Không những vậy, dịch COVID-19 cũng đã tác động sâu rộng lên chuỗi cung ứng, khiến các mô hình chuỗi cung ứng truyền thống hiện hữu gặp phải rủi ro, do đó phát sinh nhu cầu phải tính toán thiết kế lại chuỗi cung ứng. Từ đó, xu hướng về chuỗi cung ứng đa dạng, linh hoạt đang được mở ra để thích nghi với điều kiện mới. Trong bối cảnh đó, việc tổ chức sản xuất cũng cần được đổi mới để vừa đảm bảo an toàn phòng dịch, vừa phát triển kinh tế.

Theo TS. Huỳnh Thanh Điền, để thích nghi với xu thế mới trong tiêu dùng, doanh nghiệp cần chú trọng tới việc nghiên cứu sản xuất, cung cấp các sản phẩm, dịch vụ tiện lợi với phương thức bán hàng mới, thuận tiện trong vận chuyển, tối ưu hóa giá trị sử dụng. Đồng thời, chủ động và thúc đẩy ứng dụng khoa học, công nghệ trong sản xuất, kinh doanh như tăng tương tác B2B, B2C và kiểm soát chất lượng từ xa…

Ngoài ra, tuyển chọn và xây dựng bộ máy tinh gọn, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong đó ưu tiên nhân lực có trình độ, kỹ năng phù hợp thời đại kinh tế số; lựa chọn chiến lược và triết lý kinh doanh phù hợp cũng là chìa khóa giúp doanh nghiệp dễ dàng thích ứng với tình hình mới. Cuối cùng, doanh nghiệp cần xây dựng hệ thống quản lý rủi ro thông minh, dễ hiểu, dễ tiếp cận để có thể ứng phó với các tình huống phát sinh bất ngờ.

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng, Chủ tịch Công ty Đào tạo lãnh đạo và Dịch vụ phát triển bền vững SDLT, cho rằng, ngoài thị trường nội địa, ngành lương thực thực phẩm đang có những cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu thông qua các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Đó cũng là động lực để doanh nghiệp phục hồi phát triển sản xuất trong bối cảnh mới hiện nay.

Nhưng để tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng lương thực, thực phẩm của thế giới, các doanh nghiệp phải thể hiện tinh thần minh bạch, trách nhiệm và chiến lược sản xuất bền vững. Nói cách khác, cần xây dựng doanh nghiệp lương thực, thực phẩm theo tiêu chuẩn mỗi doanh nghiệp là một tế bào kinh tế thông minh, trách nhiệm, hiệu quả và linh hoạt.

Đồng thời, thiết lập chuỗi, khu vực sản xuất, kinh doanh lương thực, thực phẩm bền vững theo các tiêu chuẩn quốc tế để đưa sản phẩm Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng lương thực, thực phẩm toàn cầu./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục