Doanh nghiệp mong mỏi chờ gói cho vay trả lương phục hồi sản xuất

15:48' - 21/09/2021
BNEWS Nhóm đối tượng có nhu cầu lớn trong vay vốn trả lương ngừng việc phục hồi sản xuất đang mong mỏi từng ngày để được tiếp cận, giúp cho chuỗi hoạt động sản xuất kinh doanh không bị đứt gãy.

Tại Quảng Ninh, thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ ngày 7/7/2021 về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 đến nay đã giải ngân được trên 213.460 đối tượng, hơn 5.530 doanh nghiệp với số tiền trên 43 tỷ đồng.

Tuy nhiên, đối với nhóm doanh nghiệp được cho vay hỗ trợ trả lương phục hồi đến nay vẫn chưa có đơn vị nào tiếp cận được.

Ông Đoàn Thế Xuyên, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Vận tải Phúc Xuyên, là một trong số các doanh nghiệp làm hồ sơ khoảng 2 tháng nay để được vay vốn không lãi suất theo nhóm đối tượng người sử dụng lao động vay trả lương phục hồi sản xuất, nhưng đến nay sau bao ngày mong ngóng vẫn chưa được tiếp cận gói hỗ trợ. Nguyên nhân là vẫn vướng mắc về yêu cầu “đã hoàn thành quyết toán thuế năm 2020 tại thời điểm đề nghị vay vốn”.

Hiện doanh nghiệp của ông Xuyên chỉ còn 50% phương tiện hoạt động nội tỉnh là xe buýt, còn lại các xe chở hàng, xe hợp đồng đều tạm dừng, doanh nghiệp đang rơi vào tình trạng rất khó khăn.

Bởi, dù dừng hoạt động, phương tiện hư hỏng, xuống cấp, song các chi phí phương tiện như đăng kiểm, bảo hiểm vẫn phải duy trì vì thế chấp ngân hàng.

Bên cạnh đó, để giữ chân người lao động, mỗi tháng đơn vị phải chi gần 2 tỷ đồng để đóng bảo hiểm xã hội và trả lương. Điều này dẫn đến, không có nguồn thu, lãi ngân hàng cộng dồn, nguy cơ rơi vào nhóm nợ xấu.

Cũng như ông Xuyên, tại Quảng Ninh có hàng trăm doanh nghiệp trong lĩnh vực vận tải, du lịch, dịch vụ… có nhu cầu vay vốn trả lương phục hồi sản xuất nhưng lại vướng vào rào cản tín dụng, thuế.

Theo quy định tại Quyết định 23/QĐ-CP thì các doanh nghiệp phải “Không có nợ xấu tại tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài, đã hoàn thành quyết toán thuế năm 2020 tại thời điểm đề nghị vay vốn” mới đủ điều kiện vay vốn.

Ông Phạm Văn Thể, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh bày tỏ, với các điều kiện như quy định thì gần như rất ít doanh nghiệp có thể đáp ứng được.

Nhiều doanh nghiệp sau khi nắm bắt được các yêu cầu đành phải lùi bước, nhưng thực tế là họ đã bị ảnh hưởng, đang kiệt quệ vì đại dịch COVID-19.

Ông Thể kiến nghị với Chính phủ, các bộ, ngành trung ương sớm có điều chỉnh các quy định để các doanh nghiệp được tiếp cận vốn.

Ông cũng đề xuất nên chăng các doanh nghiệp bị ảnh hưởng chỉ cần được chính quyền, sở, ngành của địa phương xác nhận là bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 sẽ được tiếp cận với gói hỗ trợ 26 nghìn tỷ đồng của Chính phủ để tháo gỡ được phần nào khó khăn, có đà cho tái phục hồi sản xuất kinh doanh.

 

Theo Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh, đến nay địa phương này có trên 10 nghìn doanh nghiệp có phát sinh doanh thu, thực hiện nghĩa vụ thuế với nhà nước và phần đa đều bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19. Trong số đó có rất nhiều đối tượng thuộc nhóm được vay nhưng số lượng đáp ứng được các điều kiện rất ít.

Đơn cử đến cuối ngày 20/9 toàn tỉnh Quảng Ninh mới có 26 doanh nghiệp được vay gần 4 tỷ đồng vốn vay trả lương ngừng việc từ gói hỗ trợ, chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong cộng đồng doanh nghiệp của địa phương. Số lượng các doanh nghiệp làm hồ sơ thủ tục vay vốn không nhiều bởi đa phần không đáp ứng được các điều kiện bắt buộc.

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp trong tình trạng “thoi thóp” vì phải gồng gánh nhiều chi phí. Có doanh nghiệp bên bờ vực phá sản nhưng không đủ “can đảm” để tuyên bố phá sản vì nguy cơ bị siết nợ.

Họ vẫn cố để duy trì với kỳ vọng đại dịch COVID-19 đi qua sẽ làm lại từ đầu, do đó những chi phí để bảo dưỡng, bảo vệ cơ sở vật chất, người trông coi dù lớn vẫn phải xoay sở để trang trải. Một số doanh nghiệp may mắn vẫn được hoạt động cầm chừng với số lao động bị giảm từ 1/2 trở lên.

Sau hơn 2 tháng Nghị quyết 68/NQ-CP có hiệu lực, đã có rất nhiều đối tượng được tiếp cận, thụ hưởng, góp phần tháo gỡ khó khăn cho nhiều người dân, lao động mất việc bởi đại dịch COVID-19.

Song vẫn còn nhóm đối tượng có nhu cầu lớn trong vay vốn trả lương ngừng việc phục hồi sản xuất đang mong mỏi từng ngày để được tiếp cận, giúp cho chuỗi hoạt động sản xuất kinh doanh không bị đứt gãy.

Trước những khó khăn vướng mắc của nhóm doanh nghiệp vay vốn trả lương ngừng việc phục hồi sản xuất, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Ninh đã đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sớm trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị quyết, Quyết định sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg để thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp được tiếp cận gói hỗ trợ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục