Doanh nghiệp nước ngoài kiến nghị giải pháp khôi phục sản xuất kinh doanh

15:01' - 20/09/2021
BNEWS Để duy trì khả năng cạnh tranh trong khu vực và toàn cầu, Việt Nam phải hành động ngay từ bây giờ; đồng thời không để bị tụt hậu trong quá trình phục hồi kinh tế.

Các Hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam gồm: Amcham (Hiệp hội doanh nghiệp Hoa Kỳ), EuroCham (Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu), KoCham (Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc) và US-ABC (Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - Asean) vừa đồng ký tên gửi kiến nghị tới Thủ tướng Chính phủ đề xuất Chiến lược "Phòng ngừa và kiểm soát đại dịch ở từng khu vực" nhằm khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh an toàn trong trạng thái chống dịch mới.

“Để duy trì khả năng cạnh tranh trong khu vực và toàn cầu, kể cả so với Malaysia, Indonesia và Thái Lan, Việt Nam phải hành động ngay từ bây giờ; đồng thời không để bị tụt hậu trong quá trình phục hồi kinh tế”, các Hiệp hội khuyến nghị.

Theo các Hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài, ngay từ bây giờ, doanh nghiệp cần có lộ trình rõ ràng cho việc mở cửa. Khi sản xuất dịch chuyển sang các nước khác, sẽ rất khó để quay lại Việt Nam, đặc biệt khi dây chuyền sản xuất đã được mở rộng ở nơi khác.

Đầu tư sẽ không tăng nếu không có kế hoạch rõ ràng để tái mở cửa và phục hồi khi các kế hoạch đầu tư đang bị trì hoãn do những bất ổn hiện tại. Các nhà đầu tư tiềm năng mới không thể đến nếu không có các chính sách hợp lý cho việc nhập cảnh của người nước ngoài.

Giới đầu tư nước ngoài cũng cảnh báo: Việt Nam sẽ bỏ lỡ cơ hội lớn để tận dụng đa dạng hóa chuỗi cung ứng dịch chuyển từ Trung Quốc nếu không thể chứng minh đây là một sự thay thế đáng tin cậy. Tiếp tục giữ quan điểm “vaccine là chìa khóa” để nền kinh tế tái mở cửa an toàn và phục hồi kinh tế song các Hiệp hội vẫn còn nhiều băn khoăn với đề xuất “Hộ chiếu vaccine” và “Hệ thống thẻ xanh và vàng” cho chiến lược tái mở cửa.

Hầu hết, các doanh nghiệp đều đặt câu hỏi về một một ứng dụng hoặc hệ thống theo dõi sẽ được điều phối như thế nào giữa các bộ/ngành và các tỉnh để cho phép việc nhận dạng, tiếp cận, đi lại một cách nhất quán khi áp dụng hệ thống vaccine điện tử.

Cùng với đó, hệ thống quản lý hành chính cần chấp nhận nhiều hơn các tài liệu kỹ thuật số của doanh nghiệp, vừa tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư trong thời gian COVID-19, vừa cho phép đổi mới và tăng trưởng của nền kinh tế kỹ thuật số. “Những điều này cần được triển khai sớm để nền kinh tế có thể phục hồi và quay trở lại trạng thái bình thường mới”, kiến nghị của Hiệp hội nêu rõ.

Người giao hàng, chợ, và các chuỗi cung ứng thực phẩm cần được ưu tiên cho việc tiếp cận vaccine và cần được mở cửa trở lại ngay lập tức. Chính phủ cần xem xét các nhà hàng cũng là một đối tác quan trọng để đảm bảo an ninh lương thực cũng như việc làm.

Theo các Hiệp hội, khi tiến đến "bình thường mới", ngoài việc bao bao phủ tiêm chủng nhiều hơn, cần có sự phối hợp giữa các chính sách trên toàn quốc, bao gồm vận chuyển, xét nghiệm nhanh, chính sách cô lập và lọc F0 nhanh chóng, đảm bảo an toàn cho người lao động và giảm tác động đến hoạt động sản xuất.

Các Hiệp hội cũng đánh giá bây giờ là lúc để lên kế hoạch tái mở cửa an toàn cho hoạt động du lịch. Việt Nam một lần nữa sẽ là điểm đến hàng đầu của du lịch cả trong nước và quốc tế. "Chúng tôi hoan nghênh các đề xuất về mô hình thí điểm Phú Quốc và hành lang xanh Bà Rịa - Vũng Tàu và mong muốn được hợp tác với Thủ tướng để tái mở cửa du lịch một cách an toàn và bền vững", giới doanh nghiệp nước ngoài cho biết.

Kinh tế Việt Nam đã bị ảnh hưởng tháng 7/2021 và đặc biệt trong tháng 8/2021 do sự lây lan của COVID-19 và những biện pháp giãn cách, phong tỏa nhằm kiểm soát dịch bệnh tại một số địa phương, ví dụ như Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội.

Bà Dorsati Mandani, Chuyên gia kinh tế cao cấp của Ngân hàng Thế giới (WB) ở Việt Nam cho biết: Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong tháng 8/2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đã giảm 10,5% so với tháng trước và giảm 33,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa chiếm tỷ lệ lớn hơn trong sự sụt giảm này (59,6%).

Do thực hiện giãn cách, các cửa hàng buộc phải đóng cửa, người dân không thể tới mua hàng trực tiếp. Trong khi đó, chủ doanh nghiệp vẫn phải trang trải các chi phí để duy trì hoạt động. Đến nay, nhiều doanh nghiệp đã cạn kiệt lượng tiền dự trữ. Nhiều doanh nghiệp có quy mô nhỏ trong lĩnh vực bán lẻ khu vực phi chính thức không thể tiếp tục duy trì hoạt động; người lao động rơi vào tình cảnh mất việc tạm thời hoặc bị sa thải, không có nguồn thu nhập trong nhiều tháng nay.

Trong khi đó, một số nhà máy tại miền Nam đã đạt đến giới hạn của việc theo đuổi chiến lược “ba tại chỗ” để giữ công nhân ở lại nhà máy duy trì sản xuất. Các công ty phải chịu các chi phí về chỗ ở cho người lao động tại chỗ, xét nghiệm và kiểm dịch (nếu người lao động bị nhiễm bệnh), tạo áp lực rất lớn tới dòng tiền của doanh nghiệp. Tuy nhiên, nếu các công ty bắt đầu từ bỏ chiến lược này, sản xuất công nghiệp có thể tiếp tục giảm hơn nữa.

“Về phía nguồn cung, tôi cho rằng khả năng tài chính/vốn lưu động sẽ rất quan trọng đối với các công ty khi tình trạng giãn cách được dỡ bỏ. Vì vậy, sự hỗ trợ của Ngân hàng Nhà nước sẽ rất hữu ích và cần được tiếp tục trong ngắn hạn. Ngoài ra, việc đảm bảo không thiếu hụt yếu tố đầu vào và lực lượng lao động sẽ tạo ra sự khác biệt lớn trong việc tiếp tục hoạt động kinh tế.

Các chính sách hỗ trợ hiện tại của Chính phủ cũng có thể hỗ trợ các công ty vượt qua giai đoạn khó khăn này nhưng một số chính sách, chẳng hạn như giảm thuế và phí doanh nghiệp chỉ hữu ích nếu công ty vẫn hoạt động”, bà Dorsati Mandani cho biết.

Theo bà Dorsati Mandani, mở cửa sẽ là sự cân bằng giữa phục hồi hoạt động kinh tế và giữ an toàn cho người dân. Điều này phụ thuộc vào việc Chính phủ kiểm soát thông qua tiêm chủng, xét nghiệm như thế nào và mọi người tuân thủ các hướng dẫn về việc đeo khẩu trang nơi công cộng và xã hội tốt ra sao.

Một điểm rất tích cực ở đây là nhiều doanh nghiệp và khách hàng đang ngày càng sử dụng các nền tảng kỹ thuật số và tiếp cận trực tuyến để kinh doanh. Đây sẽ là giải pháp giúp ích cho các doanh nghiệp bằng cách giúp họ tiếp cận nhiều khách hàng hơn trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt. Việc tiêm phòng sớm cho người dân vẫn là ưu tiên hàng đầu để giúp vực dậy khu vực doanh nghiệp. Vaccine sẽ giúp đảm bảo an toàn cho mọi người và cho phép các doanh nghiệp mở cửa trở lại.

Hỗ trợ kinh doanh thông qua các chính sách giúp duy trì dòng tiền và giải quyết sự gián đoạn về logistics và chuỗi giá trị sẽ giúp đảm bảo doanh nghiệp có thể hoạt động. “Chính phủ nên nghĩ đến việc hỗ trợ các công ty thích ứng với môi trường mới bằng cách áp dụng các quy trình và công nghệ mới, để đảm bảo rằng các công ty Việt Nam có thể cạnh tranh hiệu quả”, đại diện của Ngân hàng Thế giới (WB) ở Việt Nam cho biết./.

 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục