Doanh nghiệp mong sớm có hỗ trợ lãi suất trực tiếp để hồi phục sản xuất

19:37' - 05/12/2021
BNEWS Trước khó khăn chồng chất bởi dịch COVID-19, đặc biệt là dòng tiền cạn kiệt, cộng đồng doanh nghiệp tha thiết mong muốn Chính phủ sớm có hỗ trợ lãi suất trực tiếp (4%/năm) và nới điều kiện vay.

Trước khó khăn chồng chất bởi dịch COVID-19, đặc biệt là dòng tiền cạn kiệt, cộng đồng doanh nghiệp tha thiết mong muốn Chính phủ sớm có hỗ trợ lãi suất trực tiếp (4%/năm) và nới điều kiện vay để doanh nghiệp tiếp cận vốn.

Mặc dù, các ngân hàng đã công bố mức giảm lãi từ 0,3 - 1,5%/năm, cùng các gói tín dụng ưu đãi khác nhưng mức giảm này là không đáng kể so với thiệt hại và doanh nghiệp hiện cũng chưa được hưởng ưu đãi nào khác.

Ông Phạm Minh Nam, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và xuất nhập khẩu Thảm Nam Bình cho biết, hiện nay, rất nhiều doanh nghiệp đã đuối sức, thậm chí kiệt quệ. Do đó, nếu doanh nghiệp được tiếp cận nguồn tín dụng với lãi suất thấp sẽ giúp giảm được chi phí, tái đầu tư sản xuất kinh doanh. Việc hỗ trợ lãi suất cần phải được thông qua một cơ chế và điều kiện vay dễ dàng hơn để các doanh nghiệp có thể tiếp cận được vốn.

Theo ông Nam, chỉ khi nào gỡ được khó khăn này mới phát huy được hết ý nghĩa của việc ngân sách nhà nước hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp thông qua tổ chức trung gian là ngân hàng.

Ông Đàm Tiến Thắng, Phó Giám đốc Sở Công Thương thành phố Hà Nội cho biết, mặc dù, có nhiều khó khăn do dịch COVID-19 nhưng với những chủ trương, chính sách hỗ trợ kịp thời của Chính phủ và các bộ, ngành cùng với các giải pháp linh hoạt, chủ động thích ứng, cộng đồng doanh nghiệp bền bỉ, sáng tạo sẽ sớm vượt qua khó khăn để hồi phục, duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh và phát triển trở lại.

Theo đó là những chính sách về thuế và tín dụng đã tác động rất lớn và giúp cho doanh nghiệp giảm bớt khó khăn trong bối cảnh dịch bệnh; trong đó, các nhóm giải pháp có thể tự thực hiện, áp dụng đồng loạt và không thông qua thực thi của bộ máy các cấp sẽ tiếp cận được với doanh nghiệp nhanh hơn.

Quan ngại lớn nhất của khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện nay chính là những khó khăn do bị thu hẹp thị trường. Sự cạn kiệt các nguồn vốn, tín dụng do chi phí sản xuất tăng cao, gánh nặng về việc xét nghiệm và đảm bảo đời sống cho người lao động khi thực hiện các yêu cầu như "3 tại chỗ" hay "1 cung đường, 2 điểm đến"... khiến rất nhiều doanh nghiệp lâm vào cảnh khốn khó.

"Đây chính là những thách thức cho việc phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh kể cả đối với doanh nghiệp quy mô lớn. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa cần phải làm gì để thích nghi trong điều kiện hiện nay là điều đang được quan tâm và cần được sự hỗ trợ", ông Thắng cho biết./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục