Doanh nghiệp nào được vay gói lãi suất 0% để trả lương cho công nhân?

09:30' - 29/04/2020
BNEWS Ngân hàng Chính sách Xã hội vừa ban hành hướng dẫn cho vay đối với người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc cho người lao động do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Căn cứ Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9/4/2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19;  Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg quy định về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 để thực hiện Nghị quyết số 42; Ngân hàng Chính sách Xã hội vừa ban hành hướng dẫn cho vay đối với người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc cho người lao động do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. 

Về điều kiện xét duyệt cho vay, người sử dụng lao động có khó khăn về tài chính và đã trả trước tối thiểu 50% lương ngừng việc cho người lao động theo Khoản 3 Điều 98 Bộ luật Lao động, có tên trong danh sách người sử dụng lao động đủ điều kiện vay vốn để trả lương ngừng việc được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố phê duyệt (sau đây gọi chung là khách hàng vay vốn).
Khách hàng vay vốn không có nợ xấu tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại thời điểm ngày 31/12/2019; có nhu cầu vay vốn để trả lương ngừng việc cho người lao động, có kế hoạch và cam kết trả nợ đầy đủ, đúng hạn cho Ngân hàng Chính sách Xã hội.  
Đối với mức vay, lãi suất và thời hạn vay, theo hướng dẫn của Ngân hàng Chính sách Xã hội, người sử dụng lao động được vay không quá 50% mức lương tối thiểu vùng/người/tháng, tối đa trong 3 tháng (từ tháng 4/2020 đến hết tháng 6/2020). 
Mức tiền lương tối thiểu vùng căn cứ theo quy định tại Nghị định số 90/2019/NĐ-CP ngày 15/11/2019 của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động.

Lãi suất cho vay là 0%/năm, lãi suất nợ quá hạn là: 12%/năm. Khách hàng vay vốn không phải thực hiện bảo đảm tiền vay. Thời hạn cho vay do Ngân hàng Chính sách Xã hội nơi cho vay và khách hàng vay vốn thỏa thuận nhưng không quá 12 tháng.  

Theo quy định tại Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24/4/2020, chậm nhất ngày 5 hằng tháng, người sử dụng lao động có nhu cầu gửi Hồ sơ đề nghị xét duyệt điều kiện vay vốn đến UBND quận, huyện nơi có trụ sở hoặc chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh hoặc nơi cư trú (đối với hộ kinh doanh, cá nhân).
Trong 3 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ, UBND quận, huyện thẩm định, tổng hợp danh sách, trình UBND tỉnh, thành phố.
Trong 2 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ của UBND quận, huyện, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố quyết định phê duyệt danh sách, gửi chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội cùng cấp và người sử dụng lao động trong danh sách. Trường hợp không phê duyệt, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trả lời bằng văn bản, nêu rõ lý do.

 

Liên quan đến việc phê duyệt cho vay và giải ngân, sau khi khách hàng được phê duyệt đủ điều kiện vay vốn, khách hàng lập Hồ sơ đề nghị vay vốn Ngân hàng Chính sách Xã hội.
Trong 3 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đủ Hồ sơ vay vốn theo hướng dẫn của Ngân hàng Chính sách Xã hội và Quyết định phê duyệt của Chủ tịch UBND cấp tỉnh, Ngân hàng Chính sách Xã hội phê duyệt cho vay. Trường hợp không cho vay thì thông báo bằng văn bản nêu rõ lý do đến người sử dụng lao động. Ngân hàng Chính sách Xã hội thực hiện phương thức cho vay trực tiếp đến khách hàng vay vốn.
Số tiền khách hàng vay được Ngân hàng Chính sách Xã hội nơi cho vay chi trả hằng tháng đến người lao động bị ngừng việc trên cơ sở danh sách người lao động bị ngừng việc đã được Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố phê duyệt và theo đề nghị của khách hàng vay vốn. Việc cho vay của Ngân hàng Chính sách Xã hội được thực hiện đến hết ngày 31/7/2020.
Về hồ sơ vay vốn, sau khi khách hàng được UBND cấp tỉnh phê duyệt đủ điều kiện vay vốn, khách hàng lập hồ sơ vay vốn, nộp trực tiếp hoặc trực tuyến qua Cổng dịch vụ công Quốc gia hoặc qua đường bưu điện đến Ngân hàng Chính sách Xã hội nơi khách hàng đóng trụ sở (đối với doanh nghiệp, tổ chức, hợp tác xã,...) hoặc nơi cư trú (đối với hộ kinh doanh, cá nhân).

Hồ sơ vay vốn bao gồm giấy đề nghị vay vốn theo mẫu; bản sao có chứng thực chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân hoặc hộ chiếu còn hiệu lực của khách hàng vay vốn hay người đại diện hợp pháp của khách hàng vay vốn; bản sao có chứng thực văn bản bổ nhiệm hoặc cử người đứng đầu pháp nhân theo quy định của Điều lệ tổ chức hoặc quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Bên cạnh đó, hồ sơ vay vốn cũng cần văn bản uỷ quyền (trong trường hợp được uỷ quyền) của người đại diện theo pháp luật đối với pháp nhân hoặc văn bản uỷ quyền của các thành viên trong hộ kinh doanh ủy quyền cho một thành viên đại diện tham gia xác lập giao dịch với Ngân hàng Chính sách Xã hội. Văn bản ủy quyền phải nêu cụ thể nội dung ủy quyền về: Số tiền đề nghị vay, mục đích sử dụng vốn vay, thời hạn vay vốn, ký hợp đồng vay và cam kết trả nợ.
Hồ sơ vay vốn cũng cần có danh sách người sử dụng lao động đủ điều kiện vay vốn để trả lương ngừng việc, danh sách người lao động bị ngừng việc do Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố phê duyệt (danh sách này được UBND tỉnh, thành phố cung cấp)./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục